Làm thế nào để giới trẻ thấy được cái hay, cái đẹp của môn lịch sử để có niềm đam mê với môn học này đang là vấn đề lớn được đặt ra với xã hội và các cơ quan chức năng. GS.VS. NGND Phan Huy Lê đã có cuộc trao đổi với Giáo Dục TP.HCM xung quanh những vấn đề “nóng” này…
Môn sử – môn phụ
PV: Thưa GS, vị thế của môn sử có ảnh hưởng thế nào tới giới trẻ?
– GS. Phan Huy Lê: Hiện nay chúng ta đang sống trong thế giới hội nhập. Có những nền văn minh, nền văn hóa để lại các công trình kỳ vĩ. Tiếp xúc với các nền văn hóa đó, nếu bạn trẻ không được trang bị một vốn kiến thức cần có về lịch sử nước nhà, các em dễ rơi vào trạng thái mặc cảm, tự ti. Từ chỗ tự ti sẽ dẫn tới thiếu bản lĩnh. Điều này rất nguy hiểm với mỗi cá nhân vì nó sẽ làm mất định hướng cho cả cuộc đời. Cho nên, chúng ta phải giúp lớp trẻ ra đời hội nhập có được niềm tự tin chính đáng, thấy được cái hay, cái đẹp nhưng cũng thấy được các mặt hạn chế của đất nước, trên cơ sở đó đặt ra trách nhiệm của thế hệ trẻ phải đóng góp xây dựng đất nước, bảo vệ đất nước trong bối cảnh mới thế nào.
Niềm tự tin đó được tạo lập bởi sự góp phần của nhiều môn học trong nhà trường phổ thông, và môn sử là một trong những môn cơ bản nhất.
Thế nhưng, môn sử trong nhà trường hiện nay thực sự đang không được quan tâm đúng mức. GS nghĩ sao về vấn đề này?
– Theo tôi, đã đến lúc chúng ta phải đặt lên bàn các cơ quan có trách nhiệm vấn đề nghiên cứu và đánh giá một cách khách quan thực trạng dạy và học sử hiện nay.
Không phải là không có những người vẫn cố tình bào chữa, cho rằng việc dạy và học môn sử vẫn đạt được nhiều tiến bộ. Tiến thì có thể có tiến, nhưng những học sinh thích môn sử vẫn là thiểu số, thậm chí rất ít. Số coi môn sử là môn học thuộc lòng, của trí nhớ để từ đó thờ ơ với nó vẫn là phổ biến.
Điều đó không chỉ thể hiện trong kết quả các kỳ thi chính thức do ngành GD-ĐT tổ chức mà còn thể hiện trong những cuộc thi ngoài xã hội. Chẳng hạn, trong những game show trên truyền hình, có những câu hỏi rất sơ đẳng, rất cơ bản về lịch sử và văn hóa Việt Nam nhưng thí sinh không trả lời được. Thực tế trên là kết quả của một hệ thống các sai lầm, trong đó cơ bản nhất là sự nhận thức về vị thế của môn sử trong giáo dục phổ thông. Vị thế đó như thế nào? Chúng ta chưa rõ. Chúng ta chỉ nhìn thấy môn sử bị đối xử như là môn phụ, thi cũng được, không thi cũng được. Năm nào không thi thì bị nhiều nơi dồn kiến thức cả năm thành một học kỳ cho các em học.
Khắc vào tâm hồn các em niềm đam mê, tự hào
Môn sử hiện nay đối với học sinh không chỉ là môn phụ mà còn là quá khó, có phải do giáo viên?
– Vấn đề ở chỗ chúng ta chưa biết dạy cho hấp dẫn. Dạy sử ở phổ thông là nhằm mục tiêu gì, dạy cho ai và dạy cái gì? Trả lời được câu hỏi đó rồi thì ta mới tìm ra được nội dung vừa hứng thú vừa cần thiết cho lớp trẻ.
Dạy ở phổ thông hiện nay gần như là tóm tắt lịch sử của người lớn và bắt trẻ con phải học, các em chán nản là phải thôi.
Sử học thì mênh mông và liên tục cập nhật. Dạy cái gì? Dạy để làm gì? Dĩ nhiên không phải là dạy tất cả các sự kiện lịch sử. Những cái đó các em có thể tra cứu. Với thời đại internet bây giờ, tìm trên Google có đủ hết cả. Cái quan trọng là dạy sử không phải chỉ dạy các sự kiện lịch sử mà là khắc vào tình cảm, trong tâm khảm các em niềm yêu thích lịch sử của đất nước mình, dân tộc mình, niềm tự tin, sự hiểu biết những giá trị tiêu biểu hình thành nên tính cách, bản lĩnh của con người Việt Nam. Và các em có trách nhiệm kế thừa và phát huy tất cả những cái đó.
Cái mà tôi đặc biệt quan tâm là phương pháp dạy sử. Phải làm sao để học sinh tự nguyện, say mê và phải kích thích được trí thông minh, sáng tạo của các em. Phải đối xử với các em với tư cách là chủ thể nhận thức, học tự nguyện, học say sưa và chủ động chứ không phải bị áp đặt.
Lễ tuyên dương học sinh giỏi quốc gia môn sử được tổ chức vừa qua tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là lễ vinh danh đầu tiên ở quy mô quốc gia những em học giỏi và yêu thích môn sử. Phải chăng đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt về nhận thức của xã hội đối với môn sử?
– Truyền thống quý báu của người Việt Nam là yêu lịch sử. Nhưng tại sao lớp trẻ của chúng ta không yêu sử? Rõ ràng không phải tự môn sử, tuyệt nhiên càng không phải là lỗi của các em học sinh. Lỗi chính là ở người lớn, trong đó có cả lỗi từ các nhà khoa học lịch sử, nhưng trước hết lỗi là ở các cơ quan chức năng quản lý ngành sử, quản lý việc dạy và học sử trong nhà trường.
Làm thế nào để thu hút sự quan tâm của xã hội vào sử, khích lệ học sinh tìm đến môn sử, yêu mến môn sử là trăn trở của chúng tôi, những nhà nghiên cứu lịch sử. Quỹ Phát triển sử học Việt Nam ra đời với một trong những hoạt động vinh danh học sinh giỏi sử là một công cụ giúp chúng tôi có điều kiện khuyến khích, cổ vũ tinh thần học sử của các em học sinh.
Tất nhiên, tôi không bao giờ có ảo tưởng cho rằng chỉ bằng hình thức vinh danh nào đó mà thay đổi được căn bản và toàn bộ chất lượng giáo dục môn sử ở nhà trường phổ thông hiện nay.
Trong khi đó, tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử năm nay, hai thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và TP.HCM lại vắng bóng trong giải nhất, giải nhì. Điều này nói lên điều gì, thưa GS?
Đấy là sự thật và rất đáng tiếc. Tôi cũng đã đặt vấn đề này với một số lãnh đạo của hai thành phố giữ vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Một thành phố là thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học của cả nước. Một thành phố là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ lớn, là đầu tàu kinh tế của cả nước .
Vậy đâu là giải pháp thay đổi căn bản và toàn bộ chất lượng giáo dục môn sử ở nhà trường phổ thông, thưa GS?
– Muốn giải quyết vấn đề chất lượng dạy và học sử cần phải có hai điều kiện. Một là phải có giải pháp toàn bộ với cả hệ thống giáo dục phổ thông. Hiện nay, Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng đang nghiên cứu để đưa ra một kế hoạch có thể nói về thực chất là cải cách GD-ĐT. Trong cải cách giáo dục đó dĩ nhiên là có môn sử. Hai là với môn sử cũng phải giải quyết một cách toàn bộ và có hệ thống. Từ nhận thức về vị thế của môn sử, yêu cầu của môn sử ở phổ thông là cái gì, từ đó mới đi vào xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, rồi đào tạo giáo viên sử, phương pháp dạy sử.
Tôi rất mừng vì vừa rồi Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã ký với Bộ GD-ĐT một bản ghi nhớ trong đó xác định trách nhiệm của hai bên là cùng nhau nghiên cứu hết sức có trách nhiệm tìm cho ra nguyên nhân sa sút của môn sử hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp, giải pháp toàn bộ để khắc phục tình trạng này. Chúng ta sẽ chấn hưng môn sử, đưa môn sử về đúng vị trí, chức năng của nó, nhất là trong bối cảnh hiện nay của đất nước.
Xin cảm ơn GS!
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Bình luận (0)