Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

GS.Vũ Dương Ninh nói về nguyên nhân điểm thi môn sử thấp: Thầy cô “gánh” nỗi oan vì đề thiếu chính xác

Tạp Chí Giáo Dục

GS. Vũ Dương Ninh
Có rất nhiều cách để lý giải điểm thi môn sử năm nay. Nhưng hơn ai hết, có lẽ những người thầy, người cô đứng lớp là buồn nhất. Buồn vì học sinh (HS) học môn của mình thi không được. Buồn vì sự đánh giá chưa thật “công tâm” của dư luận xã hội. Là người từng dạy môn sử tại ĐH Quốc gia Hà Nội, GS.Vũ Dương Ninh có những chia sẻ rất riêng với Giáo Dục TP.HCM về vấn đề này.
PV: Thưa ông, trong thời gian vừa qua, nhiều người cho rằng môn sử năm nay điểm thấp là do chương trình, SGK và lỗi tại thầy cô, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Trước hết, tôi muốn chia sẻ với các thầy cô giáo dạy môn sử ở phổ thông. Phải nói rằng đội ngũ giáo viên dạy sử của chúng ta rất trăn trở với nghề. Các thầy cô giáo có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng họ đều hết sức có trách nhiệm. Cách nhìn nhận của một số người trong thời gian vừa qua là hơi vội vã. Các thầy cô giáo không có lý do gì phải nhận một “cú đánh đau” như vậy. Dư luận nên bình tĩnh hơn để đánh giá đúng vấn đề.
Điểm sử năm nay thấp một cách bất ngờ không phải do năm trước dạy tốt, năm nay dạy kém. Tôi cho rằng đề thi năm nay có vấn đề. Nhiều nhà sư phạm đã phân tích về đề thi. Nhưng theo tôi có thể khái quát thành hai điểm:
Thứ nhất, Bộ GD-ĐT có chủ trương tiến tới đề thi dạng mở nhằm gợi mở tư duy của thí sinh (TS). Điều đó hoàn toàn đúng nhưng chúng ta phải làm từ từ. Nếu so với đề thi năm ngoái thì đề thi năm nay quá đột ngột. TS và giáo viên xoay không kịp. Tôi cũng đã từng nhiều lần ra đề. Một đề thi có 4, 5 câu thì hai câu đầu thường là kiến thức cơ bản để HS trung bình có thể làm được. Sau đó câu thứ 3 gợi mở dần lên, câu cuối cùng là thách thức cao nhất. Qua đó có thể phân loại TS để tuyển chọn. Nhưng đề thi năm nay, cả 5 câu là 5 thách thức riêng biệt, HS rất khó đáp ứng được tất cả.
Thứ hai, quy tắc ra đề thi là nội dung phải chuẩn xác, không có cách hiểu khác nhưng đề thi năm nay có nhiều cách hiểu khác nhau và đáp án không hoàn toàn chuẩn xác. Tôi lấy ví dụ như câu III hỏi: Thắng lợi nào đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào? Ai cũng biết rằng trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện thì phải nói đến sự kết hợp giữa thắng lợi chính trị, thắng lợi quân sự và thắng lợi ngoại giao. Mà thắng lợi ngoại giao chỉ có thể đạt được trên cơ sở thắng lợi chính trị và thắng lợi quân sự. Nhưng những TS trả lời bằng những thắng lợi quân sự đều bị điểm không! Thế là oan. Câu hỏi về Tổ chức chính trị kinh tế lớn nhất hành tinh? cũng vậy, nhiều TS trả lời là Liên Hợp Quốc, rõ ràng không sai. Cần lưu ý rằng câu hỏi không khẳng định tổ chức đó thành lập năm 1951 mà chỉ “tính từ năm 1951 đến năm 2000”, nghĩa là chỉ bàn về một giai đoạn hoạt động của tổ chức này. Tiếc thay, những câu trả lời Liên Hợp Quốc cũng bị điểm không!
Một đề thi thiếu chuẩn xác như vậy, gây xáo trộn lớn trong dư luận xã hội như vậy thì cơ quan chịu trách nhiệm ra đề cần có sự rút kinh nghiệm nghiêm túc để tránh nỗi oan cho TS những năm sau.
Người ta cũng nói nhiều đến dạy môn sử hiện nay. Thực tế cho thấy, một mình ngành giáo dục không thể đảm đương được việc dạy sử, yêu sử trong phổ thông, giáo sư nghĩ chúng ta cần phải làm gì?
Đúng là một mình ngành giáo dục không thể làm được. Trong khi đó, các phương tiện nghe nhìn của chúng ta chưa phát huy được hiệu quả. Ngay bản thân môn sử cũng không tạo được sự hấp dẫn cho riêng mình. Sách sử của chúng ta ít nói về các nhân vật lịch sử với bản lĩnh, phẩm chất và công lao của họ. Mà chính các tấm gương cụ thể của các vị mới dễ thấm vào tâm hồn HS, dần dần góp phần tạo nên nhân cách cho thế hệ trẻ.
Chương trình và SGK “tham quá”. Muốn HS cái gì cũng phải biết. Không những thế, câu chữ trong SGK cũng “cứng” quá không phù hợp với lứa tuổi thiếu niên. Tôi nghĩ nếu HS nào mà giỏi sử thì dễ trở thành những “ông cụ non” mà ta thường gặp trong những phát biểu trên truyền hình.
Muốn thay đổi điều này, chúng ta phải bắt đầu như thế nào, thưa ông?

Thí sinh thi vào Khoa Sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: N.H
Tôi cho rằng, cấp II, nên dạy môn sử một cách nhẹ nhàng. Đến cấp III mới bắt đầu đi vào hệ thống, nhưng hệ thống này cũng phải được tinh giản. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân chủ quan trên, chúng ta cũng phải thừa nhận xã hội đang có một sự tác động lớn vào sự học của HS, nhất là các môn khoa học xã hội, trong đó có môn sử. Phụ huynh ít quan tâm đến việc nhắc nhở con em học sử, xã hội chưa coi trọng thì điều đó sẽ tác động tiêu cực đến nhà trường.
Nói đến ngành sử, không phải chỉ nói đến đội ngũ thầy cô giáo dạy sử, các nhà sử học mà còn có cả vai trò các cấp quản lý giáo dục. Đã từ nhiều năm có quy định năm nay thi sử, năm sau thi địa. Do vậy, môn sử (cũng như môn địa) bị coi như môn phụ cho nên năm nào không thi thì bị dạy dồn giờ để dành thời gian cho những môn quan trọng hơn. Tôi cho rằng cần phải trả lại vị trí đúng cho môn sử, phải coi đó là một trong những môn khoa học cơ bản nhằm xây dựng và bồi dưỡng nhân cách của người công dân, người lao động. Trên nền tảng văn hóa cơ bản đó, mỗi người sau này làm các ngành nghề khác nhau, ở những cương vị xã hội khác nhau nhưng đều phải dựa trên nền tảng cơ bản đó.
Nói trả lại vị trí cho môn sử không có nghĩa là tăng thêm tiết học sử trong mỗi tuần. Nếu như thế sẽ làm mệt học trò. Cần có sự thay đổi cơ bản chương trình và SGK trên tinh thần xác định rõ mục tiêu giáo dục của môn sử ở trường phổ thông. Dạy và học sử, không thể không nói đến sự kiện và nhân vật nhưng cần chọn lọc những gì tiêu biểu nhất, có ý nghĩa và tác động nhất đến sự phát triển của xã hội. Trên cơ sở những dữ liệu đó, gợi mở để HS suy luận nhiều chiều, hướng dẫn tranh luận, không áp đặt. Làm được điều đó chính là tinh giản chương trình mà không phải là giảm tải như thuật ngữ sử dụng của bộ trong mấy năm qua.
Tôi cho rằng thi tốt nghiệp nên thi tích hợp nhiều môn nhưng phải đơn giản. Có thể thi môn sử và môn địa vào cùng một buổi với khoảng thời gian 120 phút, đòi hỏi HS trả lời những kiến thức cơ bản và đặt ra vấn đề suy luận phù hợp với lứa tuổi học trò. Bởi vì có học phải có thi và có thi thì mới học. Nhưng thi đúng mức độ cần có, không nặng nề, lại càng không “đánh đố”.
Quay trở lại vấn đề một chút, ngày xưa, khi phương tiện, điều kiện không hiện đại như ngày nay nhưng điểm thi môn sử vẫn cao. Ông có sự lý giải nào không?
Nói ngày xưa thì xa quá, tôi chỉ so sánh thời chiến tranh chống Mỹ với thời hòa bình bây giờ. Đúng là hồi trước, sách vở thiếu thốn, giấy đen, chữ lèm nhèm, không đủ mỗi em một cuốn SGK, học bằng đèn dầu tù mù, lại càng không có phương tiện nghe nhìn. Tôi nghĩ có hai vấn đề.
Thứ nhất, có sự hòa hợp giữa nhà trường và xã hội. Tôi thích hình ảnh những người anh hùng “đi vào trang sách các em thơ” và từ trang sách, bao thế hệ thanh niên lên đường chiến đấu. HS được học như thế nào thì ngoài thực tế là như thế. Nhưng ngày nay, khoảng cách giữa nhà trường và xã hội quá xa. Học một đằng, thực tế có nhiều cái khác, thậm chí ngược với những điều được dạy trong sách. Cuộc sống sống động thu hút HS, có nhiều cái đúng nhưng cũng không ít cái sai chưa được sàng lọc. Cho nên, ngoài nhà trường, gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hướng phát triển cho các em. Xã hội là gì, là bắt đầu từ chính các gia đình.
Thứ hai, thực tế cho thấy chủ trương phân ban đã không thành công, việc tạo ra cái gọi là “Ban cơ bản” chỉ để che lấp sự thất bại này. Đã gọi là trung học phổ thông thì chỉ yêu cầu kiến thức phổ thông đối với tất cả HS. Việc phân ban quá sớm gây nhiễu loạn, học lệch và ngành khoa học xã hội là trở thành nạn nhân. Đương nhiên, vẫn có những HS có năng khiếu về khoa học xã hội, vẫn say mê theo đuổi các môn này và tôi nghĩ, mấy trường đại học lớn bây giờ vẫn tuyển chọn được HS khối C có ham thích và có năng lực.
Đầu ra ít, thu nhập không hấp dẫn chính là một trong những lý do khiến TS quay lưng lại với ngành xã hội, trong đó có ngành sử. Giáo sư nghĩ sao?
Đất nước ta đang tiến lên công nghiệp hóa theo hướng hiện đại nên đòi hỏi nhiều về nguồn nhân lực kỹ thuật, kinh tế, dịch vụ. Nhiều TS chọn những ngành này là điều hợp lý và đáng mừng. Tuy vậy, ngay cả các nước có trình độ phát triển cao, họ vẫn coi trọng khoa học xã hội và nhân văn. Tôi nghĩ là ở nước ta đang trong giai đoạn chuyển động lên nền văn minh công nghiệp và văn minh thông tin thì những sự “xô lệch” như ta thường thấy là khó tránh khỏi. Chính thực tiễn đó đòi hỏi từ các cấp quản lý đến bản thân những người làm công tác về khoa học xã hội và nhân văn phải vững tâm, kiên trì xây dựng ngành của mình phát triển. Không nên băn khoăn nhiều về số lượng TS vào ngành sử ít hơn trước mà nên lo làm sao cho chất lượng học tập và nghiên cứu của họ được nâng cao. Các cụ ta đã dạy “Thà ít mà tốt”!
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)

Cách nhìn nhận của một số người trong thời gian vừa qua là hơi vội vã. Các thầy cô giáo không có lý do gì phải nhận một “cú đánh đau” như vậy. Dư luận nên bình tĩnh hơn để đánh giá đúng vấn đề.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)