Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Guadeloupe(*): Nạn béo phì trong học sinh gia tăng

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: I.T
Ở Trường Trung học Pointe-Noire, đến giờ ra chơi buổi sáng (lúc 9 giờ 55 phút) tất cả học sinh chạy ùa ra sân đến một xe ô tô đỗ trong sân trường – một cửa hàng ăn lưu động – tranh nhau mua thức ăn nhanh. Có đủ các món, toàn là những món khoái khẩu nhưng không có lợi cho sức khỏe mà chỉ làm tăng cân như: sandwich, pizza, khoai tây rán, nước ngọt có đường, sôcôla…
Hết giờ ra chơi, học sinh vào lớp, xe bán hàng ăn lưu động cũng rút đi, ngày mai đến hẹn lại lên… Một cửa hàng ăn lưu động bán công khai những thức ăn nhanh làm học sinh béo phì trong khi trên lớp các em được học bài Nguy cơ béo phì ở trẻ em.
Xã hội Pháp đã cảnh báo rất nhiều lần về nạn béo phì trẻ em do chế độ ăn bán trú ở các trường. Sự kiện đó có thể là nguyên nhân cho một cuộc họp của các chuyên viên giáo dục về “nạn béo phì của trẻ em” diễn ra từ ngày 25 đến 28-5 vừa qua ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nhân dịp đại hội lần thứ 18 của châu Âu về nạn béo phì. Khi mà xã hội Pháp bức xúc về những tác hại của nạn béo phì đối với sức khỏe, thì cảnh tượng học sinh tranh nhau mua thức ăn nhanh trong giờ ra chơi như trên làm dư luận bị sốc. Hơn nữa, đâu phải Trường Pointe-Noire là trường hợp duy nhất! Vì có đến 68 trường khác cũng làm như họ, nghĩa là thỏa mãn tối đa yêu cầu của học sinh được ăn những thứ khoái khẩu, dù không có lợi gì cho sức khỏe.
Ban giám hiệu Trường Pointe-Noire làm như vậy là trái với một chỉ thị trước đây của Bộ Giáo dục: “Dạy các em những hiểu biết về ăn uống, cụ thể những thức ăn nào có lợi, có hại cho sức khỏe”. Trên cơ sở những điều tra của bộ, ngay từ 2005 đã có một chỉ thị ra lệnh cấm bán thức ăn (và cả thức uống) không có lợi cho sức khỏe tại các trường. Nhưng có thể bán hoa quả tươi, nước uống không gaz, không đường…
Việc các xe ô tô cơ động đến các trường bán hàng là bất hợp pháp? Đúng như vậy, nhưng đó là điều mà chỉ thị của Bộ Giáo dục không lường trước, nghĩa là các trường “cho là chuyện nhỏ”, thực hiện một cách tùy tiện, còn bộ thì không kiểm tra. Đó là lời của tiến sĩ Josiane Clépier, chuyên viên về vấn đề béo phì của trẻ em. Hơn nữa, thay vì ngăn chặn việc bán thức ăn không thích hợp cho học sinh, nhiều hiệu trưởng lại ký hợp đồng với các cơ sở kinh doanh để cung cấp các thức ăn gây béo phì cho học sinh với giá không hợp lý: 1,50 Euro (khoảng 32 ngàn đồng Việt Nam) một cái sandwich…
Theo các chuyên viên về sức khỏe, tình hình ở Guadeloupe khó giải quyết hơn so với Martinique (cũng thuộc nước Pháp), vì học sinh ở Guadeloupe béo phì nặng hơn nhiều. Theo một nghiên cứu mới đây, hơn một nửa dân số (55%) Guadeloupe bị thừa cân. Trầm trọng hơn: 1/4 dân số Guadeloupe và 1/10 trẻ em bị bệnh béo phì. Kết quả là bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường và một số bệnh ung thư phát triển nhanh chóng. Theo bác sĩ André Atallah, Trưởng khoa Tim mạch của Trung tâm Y tế ở Guadeloupe, nếu không thay đổi thói quen ăn uống thì Guadeloupe rồi cũng sẽ giống như Hoa Kỳ.
Dù tình hình béo phì đang đe dọa học sinh như vậy, nhưng phụ huynh vẫn “bình chân như vại”, chẳng quan tâm gì đã làm nản lòng những người vận động “ăn uống hợp lý, tránh bệnh tật”. Họ lý luận rất đơn giản: “Các em phải đi học từ 5 giờ sáng, bụng đói, trường thì xa, ở tận cuối đảo nên việc các em mua thức ăn nhanh vào giờ ra chơi là bình thường”. Với đề nghị của ông Serge Hercberg, người chịu trách nhiệm về chương trình quốc gia về dinh dưỡng bảo vệ sức khỏe là “ăn hoa quả, rau thay cho ăn thịt, khoai tây chiên…”, thì họ trả lời: “ăn sáng với các món đó không đảm bảo chất dinh dưỡng”.
Ông Odile Derussy, Vụ trưởng Giáo dục, nói: “Chúng ta có thể bãi bỏ việc cho phép xe bán hàng thức ăn lưu động vào trường”. Nhưng ý kiến này bị phụ huynh, học sinh và ngay cả lãnh đạo các trường phản đối, vì “không thể để học sinh học trong trạng thái đói bụng”. Cuối cùng, biện pháp hay nhất là cải tiến chất lượng thức ăn. Loại bỏ các thức ăn gây béo phì như khoai tây chiên, thịt nướng, sandwich, sôcôla, bơ… mà tăng cường các thức ăn lành như yaourt, trái cây như chuối, bắp, nước trà xanh. Nhưng để thay đổi khẩu vị của học sinh đâu có dễ!
Ai cũng công nhận rằng, không thể cấm học sinh ăn quà, nhưng không thể chấp nhận một nghịch lý: Điều có hại cho sức khỏe học sinh lại xảy ra trong môi trường giáo dục.
Phan Thanh Quang
 (Theo L’Express)

* Guadeloupe thuộc nước Pháp, là một quần đảo về phía Đông Caribê, có diện tích 1.620km2, với 453.000 dân.

Bình luận (0)