"Tôi không thay đổi, nhưng bóng đá đỉnh cao thì luôn thay đổi". Đấy là cách nói của HLV Pep Guardiola, ý nói ông làm gì thì cũng là để thích ứng với các yêu cầu của bóng đá đỉnh cao. Vậy Guardiola có thay đổi hay không?
Chuyển biến về lối chơi vì… Haaland
Nhìn vào bề mặt, người xem dễ dàng cảm nhận: đội Manchester City (Man.City) của Pep Guardiola giờ đã có nhiều nét mới trong cách chơi, khác hẳn các đội do Guardiola huấn luyện trước đây. Số liệu thống kê càng khẳng định điều này. Đại khái, Man.City bây giờ giữ và chuyền bóng ít hơn, lừa và sút bóng nhiều hơn. Đi liền với những thay đổi rõ rệt vừa nêu là sự thay đổi về mặt nhân sự. Jeremy Doku đang đá chính ở vị trí của Jack Grealish bên cánh trái. Julian Alvarez đá ở vị trí của Kevin De Bruyne…
HLV Pep Guardiola – một cá tính đặc biệt
Ai cũng biết: lối đá làm nên "thương hiệu" của HLV nổi tiếng này là tiki-taka, với nền tảng chuyền nhuyễn liên tục để giữ bóng nhiều, từ đó làm chủ cuộc chơi trong cả hai lĩnh vực tấn công, phòng ngự (bóng ở trong chân bạn thì đối phương lấy đâu ra cơ hội ghi bàn). Sau Barcelona, các đội Bayern Munich hoặc Man.City của Guardiola có chơi tiki-taka hay không cũng chẳng quan trọng. Đấy bất quá là cái tên, là cách gọi. Mấu chốt vẫn là ở chỗ, đội bóng của Guardiola phải giữ và chuyền bóng thật nhiều.
Thế rồi, số liệu thống kê cho thấy: mùa bóng 2022 – 2023 vừa qua là mùa bóng mà đội của Guardiola giữ bóng ít nhất xưa nay (bình quân 65,2% – mùa bóng trước đó là 68,2%). Giờ thì Man.City chỉ còn giữ bóng bình quân 62,5%. Tất nhiên, thay đổi trên sổ sách chỉ là một phần câu chuyện. Trước đây, Guardiola tỏ ra cứng rắn: trung phong nổi tiếng Sergio Aguero phải lùi ra ngoài vùng cấm, tham gia nhiều hơn vào khâu phối hợp, như một mắt xích không thể thiếu trong hệ thống đấu pháp chung. Không chịu thì ngồi ngoài hoặc ra đi, Aguero nhượng bộ dù giới bình luận chỉ trích Guardiola. Nhưng ở mùa bóng vừa qua, Man.City mua được Erling Haaland, và Man.City chấp nhận… chơi bằng 10 cầu thủ! Haaland không cần phối hợp. Anh chỉ chăm bẵm cơ hội ghi bàn, trong vùng cấm địa. Man.City phải làm sao đưa được quả bóng về phía Haaland một cách nhanh nhất. Thế là xuất hiện những đường chuyền dài, những pha phản công. Tiki-taka vẫn còn phảng phất, nhưng không phải là lối chơi tối thượng ở Man.City nữa.
Có giải pháp khi bị bắt bài
Vấn đề không phải Man.City đá kiểu gì, Guardiola giải thích. Ông nói: "Bây giờ đối phương phòng thủ kèm người nhiều hơn. Chúng tôi luôn gặp khó khăn trước các đội chơi phòng thủ kèm người (thay vì phòng thủ khu vực)". Đấy chỉ là ví dụ cụ thể. Một cách tổng quát, Guardiola nói ông không thay đổi, mà thật ra chỉ làm những việc cần thiết để thích ứng với sự thay đổi bên ngoài.
Lối đá quen thuộc của Man.City ngày càng trở nên dễ đoán, dễ bị bắt bài, buộc Guardiola tìm giải pháp mới. Vấn đề là Man.City vẫn có thể "đá kiểu cũ" khi cần. Khi vào thay chỗ Jeremy Doku ở phút 59 (trận gặp Chelsea), Jack Grealish đã vượt qua tổng số lần chuyền bóng của Doku rất nhanh. Nhưng tất nhiên, đấy là vì anh gần như không lừa bóng. Khi nhận bóng và chọn giải pháp tiếp theo thì số lần chuyền bóng của Grealish cao gấp 9 số lần lừa bóng. Muốn kiểm soát hay muốn gây đột biến? Đấy là câu hỏi thường trực cho Guardiola, không chỉ trước từng đối thủ cụ thể mà còn trước từng thời điểm, hoàn cảnh cụ thể của trận đấu. Tất nhiên, trong cách đá mới thì Man.City chưa thể nhuần nhuyễn như trước đây, khi họ chỉ đá một kiểu.
Nhìn chung, đặc điểm của Man.City bây giờ là họ còn mạnh hơn, nguy hiểm hơn trước đây (do lối chơi linh hoạt, đa dạng hơn), nhưng không có kiểu thắng "như bỏ túi đối phương" nữa. Cũng chính vì đã thay đổi cách chơi, Man.City bây giờ không còn thường xuyên gây áp lực và nhanh chóng đoạt lại bóng như trước. Đối thủ "cứng cựa" thật sự có thể tự tin triển khai bóng và tấn công Man.City dễ dàng hơn.
TT (theo thanhnien)
Bình luận (0)