Những ngày cuối năm, khi những cơn gió se lạnh báo hiệu năm cũ sắp qua, khắp phố phường TP.HCM bắt đầu rộn ràng không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trong bức tranh ấy, những chợ hoa rực rỡ sắc màu là dấu hiệu rõ nét nhất cho mùa xuân đang đến gần. Nhưng ít ai biết rằng, biết bao người nông dân đã dành trọn tâm huyết và công sức trong suốt nhiều tháng trời để có được những chậu hoa cúc, vạn thọ, mào gà… khoe sắc rực rỡ trên các nẻo đường bước vào mùa xuân Ất Tỵ…
Tại các làng hoa như phường Thới An (quận 12) và huyện Củ Chi, những ngày này, các nhà vườn đang tất bật bước vào giai đoạn chăm sóc cuối cùng, tỉa lá, bón phân, ngắt nụ để hoa nở đúng dịp Tết. Đằng sau vẻ đẹp rực rỡ của từng chậu hoa là cả một câu chuyện những người nông dân bám trụ với nghề, gửi gắm ước mơ ấm no trong từng cánh hoa xuân.
Những ngày tất bật tại làng hoa Thới An
Phường Thới An (quận 12) từ lâu đã được biết đến là một trong những làng hoa Tết lớn của TP.HCM. Đến thăm làng hoa vào những ngày cuối tháng 12, không khí tất bật hiện rõ trên từng luống hoa vàng rực. Tiếng cắt tỉa, tiếng nước chảy róc rách, tiếng người gọi nhau í ới giữa những luống hoa như một bản hòa ca đặc trưng của mùa Tết.
Chú Nguyễn Văn Sơn (54 tuổi), người có nhiều năm gắn bó với nghề trồng hoa, đang cẩn thận tỉa từng chiếc lá thừa trên luống cúc.
Chú Sơn chia sẻ: “Nhà tôi năm nay trồng khoảng 15.000 đến 20.000 chậu, chủ yếu là cúc, vạn thọ, mào gà, thược dược. Từ ngày 25 Tết, tôi sẽ cùng anh em trong gia đình chở hoa ra chợ bán. Một phần bán lẻ, một phần bán sỉ cho thương lái. Nhưng năm nay lo lắm, thời tiết thất thường, sợ hoa không nở kịp”.
Chú Sơn cho biết, trồng hoa phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Nếu trời nắng nhiều nắng đẹp, hoa sẽ nở rộ, cánh bung đều, màu sắc rực rỡ. Nhưng chỉ cần một đợt mưa trái mùa hoặc sương muối kéo dài, hoa có thể nở muộn hoặc thậm chí không nở, ảnh hưởng đến cả mùa vụ.
Công việc tại vườn hoa không chỉ đơn giản là gieo hạt và chờ đợi. Từng ngày, từng giờ, chú Sơn cùng các anh em trong gia đình phải thay phiên nhau chăm sóc. Việc tỉa lá, ngắt nụ phải được thực hiện đều đặn. Những nụ phụ, nụ yếu cần loại bỏ để tập trung dinh dưỡng cho các nụ chính.
Một công nhân thời vụ tại vườn hoa, chị Nguyễn Thị Lan, cho biết: “Mỗi ngày, tôi bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Ngắt nụ là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, phải nhẹ tay để tránh làm hư những nụ chính. Lỡ tay làm gãy nụ là coi như công sức cả tháng trời đổ sông đổ bể”.
Bên cạnh việc ngắt nụ, người trồng hoa còn phải thường xuyên bón phân, tưới nước ít nhất hai lần mỗi ngày để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh. Dưới cái nắng hanh khô của những ngày giáp Tết, mỗi người thầm hy vọng mùa hoa năm nay sẽ thuận lợi, hoa nở đẹp và bán được giá.
Giảm số lượng vì sức mua yếu
Không riêng gì làng hoa Thới An, tại các vườn hoa lớn ở Củ Chi, không khí cũng nhộn nhịp không kém. Tuy nhiên, năm nay, không ít nhà vườn đã chủ động giảm số lượng hoa trồng vì lo ngại sức mua giảm.
Anh Minh Hạnh (47 tuổi), người đã có gần 20 năm kinh nghiệm trồng hoa Tết tại Củ Chi, trầm ngâm chia sẻ: “Trước dịch, tôi trồng ít nhất 30.000 chậu hoa mỗi mùa Tết, thương lái đông lắm, có khi cả trăm người đến đặt hàng. Nhưng mấy năm gần đây, sức mua giảm hẳn. Năm nay, tôi chỉ dám trồng khoảng 20.000 chậu, vì sợ trồng nhiều mà bán không hết, lỗ nặng”.
Anh Hạnh cũng cho biết thêm, dù giá vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu năm nay chỉ tăng nhẹ, nhưng áp lực lớn nhất vẫn là đầu ra. Các thương lái hiện vẫn chưa chốt số lượng và giá cả, khiến nhà vườn không khỏi thấp thỏm.
Dù có nhiều biến động, nhưng các nhà vườn vẫn trung thành với những giống hoa truyền thống. Hoa cúc vàng, vạn thọ, mào gà, hướng dương, sống đời, thược dược vẫn là những loại hoa được trồng nhiều nhất, vì chúng mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng trong ngày Tết.
Theo chia sẻ từ các nhà vườn, mỗi loại hoa có thời gian sinh trưởng khác nhau, đòi hỏi người trồng phải canh chỉnh chính xác: Hoa cúc cần 4 tháng từ khi gieo trồng đến khi ra hoa; Hoa vạn thọ cần 2 tháng và là loại dễ trồng, dễ chăm sóc nhất; Hoa mào gà mất khoảng 3 tháng, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc tốt để bông to, đều…
Chị Gái, một chủ vườn lan tại Củ Chi, chia sẻ: “Lan là loài hoa khó chăm, mỗi tuần phải cắt tỉa, bón phân đều đặn. Vườn của tôi trồng gần 2.000 cây, chỉ mong bán được giá để bù lại công sức”.
“Hoa lan tôi trồng thường sẽ được bán theo cành, giá dao động từ 6.000 đồng cho thương lái, còn giá bán lẻ có thể lên đến 10.000 đồng/cành dịp Tết này. Tôi hy vọng hoa sẽ bán được giá tốt hơn để bù lại công chăm sóc”, chị Gái bộc bạch.
Hy vọng vào một mùa xuân trọn vẹn
Dẫu đối mặt với nhiều khó khăn, những người nông dân trồng hoa Tết vẫn luôn giữ trọn niềm tin và hy vọng vào một mùa xuân trọn vẹn. Đối với họ, mỗi chậu hoa không chỉ là thành quả lao động, mà còn là biểu tượng của mùa xuân, của sự khởi đầu mới đầy hy vọng.
Chú Nguyễn Văn Sơn bộc bạch: “Trồng hoa là vậy, vừa phụ thuộc thời tiết, vừa lo sức mua. Nhưng người nông dân tụi tôi bám đất cả đời, đâu dễ bỏ nghề. Năm nay kinh tế khó khăn, bà con chi tiêu tiết kiệm hơn. Chỉ mong thời tiết thuận lợi, hoa nở đẹp, giá cả ổn định để nhà vườn chúng tôi có cái Tết ấm cúng hơn”.
Từng chậu hoa được nâng niu, chăm sóc cẩn thận không chỉ là sản phẩm kinh doanh, mà còn là niềm tự hào, là tâm huyết của những người nông dân. Họ chính là những người thầm lặng, giữ gìn nét đẹp văn hóa Tết truyền thống, mang sắc xuân đến từng mái nhà, từng góc phố.
Mùa xuân đang đến rất gần, và những người nông dân vẫn miệt mài bên luống hoa của mình, để mỗi cánh hoa bung nở rực rỡ, mang theo bao ước vọng về một năm mới an lành, sung túc cho mọi nhà.
Thủy Phạm
Bình luận (0)