Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy…
“Tấm thiệp tri ân thầy cô” của Trung tâm Anh ngữ Việt – Mỹ đạt kỷ lục Guinness
|
Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, người thầy giáo luôn luôn tiêu biểu cho tầng lớp trí thức, tiên tiến được xã hội công nhận. Chính vì vậy, mỗi năm khi đến ngày 20-11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam, ký ức về thầy cô và một thời cắp sách đến trường lại thắp lên nỗi thương nhớ trào dâng trong tâm trí nhiều người.
Thời học trò thì có nhiều cách để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến thầy cô. Còn bây giờ đối với những người xa quê hương hay đang phải bươn chải lo toan cuộc sống… có lẽ một tấm thiệp thay lời nói là cách giúp nhiều người nguôi ngoai nỗi nhớ về thầy cô, mái trường.
Gửi lòng theo từng cánh thiệp
Xu hướng được nhiều bạn sinh viên (SV) ưa chuộng hiện nay là tự tay làm những món quà tặng thầy cô giáo của mình. Theo các bạn, đó là cách thể hiện sâu sắc nhất lòng biết ơn của học trò với thầy cô! Cách lựa chọn phổ biến của nhiều bạn SV là tự tay làm những bức thiệp với hình ảnh ngộ nghĩnh có một không hai, càng “độc” càng tốt.
Nhìn tấm thiệp được thiết kế và cắt dán bằng các loại giấy màu với hình chủ đạo là chân dung một cô giáo của bạn Nguyễn Thu Hà (SV năm 3 Trường ĐH Marketing TP.HCM), chúng tôi cảm nhận được sự nỗ lực và quan trọng nhất là tình cảm mà bạn ấp ủ trong tấm thiệp. Hà cho biết: “Tôi đã dành cả tuần lễ để làm tấm thiệp đặc biệt này, tôi tin rằng: cô giáo của mình sẽ rất thích”. Em Tạ Tuấn An (HS Trường THCS Quang Trung, Q.4) cũng hớn hở khoe tấm thiệp mà em đang cặm cụi làm để chuẩn bị tặng cho cô giáo cũ. An chia sẻ: “Em mày mò học cách làm tấm thiệp kirigami hình khối bông hoa nổi này trên internet”. Tương tự, bạn Phạm Thị Hoa (HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) bày tỏ: “Em cho rằng chọn quà tặng phải chứa đựng tấm lòng của mình đối với thầy cô. Năm nay em làm một tấm thiệp hình trái tim và trong đó lồng ghép hình của cô và các bạn trong lớp để tặng cô giáo. Mỗi khi cô đi dạy về, mệt mỏi mở tấm thiệp ra sẽ giúp cô thư giãn và nhớ về cô bé học trò tinh nghịch này”.
Cá nhân thì vậy, còn tập thể có lớp vẽ tranh, làm báo tường hoặc thiết kế ra những tấm thiệp “khổng lồ”. Chẳng hạn như Trung tâm Anh ngữ Việt – Mỹ (VATC) đã cho ra mắt Tấm thiệp tri ân thầy cô đạt kỷ lục Guinness tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. “Chương trình Tấm thiệp tri ân thầy cô được tôi và các bạn trong toàn trung tâm bắt đầu thực hiện từ ý tưởng cho đến khi thành hình khối là 5 tháng trời. Tấm thiệp có kích thước 8mx10m, được tạo thành từ 15.000 đóa sen hồng (bằng chất liệu giấy màu) do chính tay các học viên VATC viết lời tri ân thầy cô trên giấy sau đó gấp thành bông sen đang nở rồi xếp thành. Tuy rất khó khăn trong khi làm nhưng sau khi hoàn thành, tôi và tất cả các bạn ai cũng hạnh phúc”, bạn Đoàn Lan Hương (cựu HS của VATC) thổ lộ.
Món quà thiết thực
TS. Nguyễn Thế Bảo, Hiệu trưởng VATC xúc động: “Người Việt Nam từ xưa đến nay vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Truyền thống đó đã ăn sâu vào tâm trí của mọi người, đặc biệt vào Ngày Nhà giáo Việt Nam. Vì vậy khi Ban chấp hành Đoàn trường đưa ra sáng kiến này, nhà trường đã đồng ý cho các em thực hiện. Đến khi tấm thiệp hoàn thành, thầy cô ai cũng ngỡ ngàng và rất đỗi xúc động”.
“Có một bản nhạc đã theo tôi suốt 20 năm nay, đó cũng là món quà tôi tặng thầy cô của mình ở mái trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu”, thầy Nguyễn Văn Thanh (giáo viên Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu) bồi hồi tâm sự: “Hồi đó tôi đi học trễ lắm. Tình cờ nghe các bạn đọc những vần thơ:
Ta đã nợ ai, bao năm rồi mà chưa trả nổi…
Nợ quê hương một chùm khế ngọt
Nợ cuộc đời, một lần đắng cay
Nợ cơn mưa, một lần ướt áo
Nợ trời quê, một cánh diều bay
Ta nợ lời ru, mẹ ầu ơ bên cánh võng năm nào
Nợ bạn bè, lần hẹn hò cuối phố
Nợ trường xưa, nét chữ ban đầu
Cả một đời trả mãi… chắc chi xong.
Học sinh Trường TH Trần Bình Trọng, Q.5 bên những tấm thiệp do chính các em thiết kế |
Bài thơ Mắc nợ của nhà thơ Nguyễn Vân Thiên đúng tâm trạng của tôi khi đó. Tôi mượn ý thơ, viết thêm rồi phổ nhạc. Sửa đi sửa lại ròng rã mấy tháng trời, đến ngày 20-11-1991, tôi đã hát bài này chúc mừng thầy cô. Bây giờ, sau 14 năm đi dạy tại chính ngôi trường đã cưu mang mình, tôi trân quý những gì mình đã nhận được. Cũng như tôi, các em học sinh ở ngôi trường này chỉ cảm nhận được thế giới qua âm thanh. Vậy nhưng đến ngày 20-11, tôi vẫn được các em tặng quà. Trong bóng tối, các em đã hì hụi lấy giấy tập để xếp hàng trăm con hạc, bỏ vào một thùng to tặng tôi với lời chúc: Mỗi một con hạc là sự may mắn, tụi em muốn thầy có nhưng các em nào biết con hạc ra sao! Rồi các em làm thơ, mua thiệp về viết chữ nổi với nhiều lời chúc: Chúc thầy mỗi ngày có một niềm vui; Mong ngày nào cũng là ngày 20-11 của thầy… Những tâm hồn trong trẻo ấy đã khiến tôi không cầm được nước mắt… Tôi như mắc thêm nợ mới”.
Còn PGS.TS Phạm Thành Hổ (giảng viên bộ môn vi sinh vật học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên) bộc bạch: “Món quà tuyệt nhất tôi nhận được nhân Ngày Nhà giáo năm rồi là tấm thiệp do một nhóm SV tự làm, trên đó họ cho biết: tôi đã thay đổi cuộc sống của họ như thế nào và niềm tin của tôi đã thúc đẩy họ cố gắng vượt qua những khó khăn, trở ngại để vươn ra “biển tri thức”. Qua đó, giúp họ thấy tự tin về bản thân mình hơn trong cuộc sống hôm nay”. Cùng chung tâm sự, thầy Nguyễn Vũ Thụ Nhân (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) bồi hồi: “Cách đây hai năm, món quà tôi nhận được từ một lớp SV năm 2 là một cuốn sổ thiệp. Lớp có bao nhiêu SV thì quyển sổ có bấy nhiêu trang, mỗi em trang trí một trang trong cuốn sổ như tấm thiệp chúc mừng và ghi vào đó những cảm nhận, tình cảm của mình với thầy. Có vài trang dán những bức ảnh các em lén chụp tôi giảng bài lúc nào tôi không hay. Có em nhắc khéo: “Khi thầy giảng bài trên lớp, nhìn mặt thầy rất ngầu, tụi em học rất căng thẳng. Nhưng khi gặp thầy ngoài giờ học để hỏi bài thì thầy rất thân thiện, vui vẻ. Ước gì trên lớp học thầy cũng vui vẻ như vậy thì tụi em đỡ căng thẳng lắm”. Em khác thì viết: “Khi tụi em sửa bài trên bảng, thấy thầy cười mủm mỉm là tụi em run lắm, không biết mình làm bài đúng hay sai mà ông thầy đứng cười cười”… Tôi đọc cuốn sổ, cười một mình cả buổi. Đó không chỉ là món quà, nó còn là những lời góp ý. Qua đó, tôi sửa đổi một số thói quen của mình để việc dạy học tốt hơn. Trong giờ dạy, tôi cố gắng lấy những ví dụ thiết thực hay những ví dụ hài hước để giảm bớt căng thẳng trong lớp”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Bình luận (0)