“Chúng ta lớn lên, đi muôn nơi kiếm tìm sự nghiệp. Gia đình sẽ luôn ở đó khi chúng ta trở về. Quê hương cần lắm hình ảnh của người trẻ, để làng quê không chỉ là những ngôi nhà hoang và những người già ở lại…”. Đó là thông điệp của chàng trai 9X quê ở xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam), Đào Duy Tài gửi đi thông qua việc trở về quê, nấu cho ba má những bữa cơm giản dị, ôn lại ký ức cho cả gia đình trong căn bếp bên sườn đồi.
Từ bỏ công việc ở thành phố, Đào Duy Tài trở về quê dựng “Bếp bên sườn đồi” lan tỏa yêu thương đến mọi người
Những bữa cơm thơm mùi ký ức
Giữa đông, cơn mưa dầm trút xuống miền Trung gây nên lũ lụt. Tài bì bõm trong nước, ngắt từng cọng rau khoai trước khi nước kịp dâng ngập. “Mưa này tầm đôi ba hôm thì không còn cọng rau nào. Tiết trời ẩm lạnh, một dĩa rau khoai lang luộc chấm mắm cái cũng đưa cơm, đủ để mỗi người đi ra từ làng quê sống lại miền ký ức thân thương”, Tài nói.
Tài hì hụi nhóm bếp. Củi ướt, những ngọn khói len lỏi bay lên, len qua vách, xuyên qua mái tranh. Mùi khói ngày mưa ngai ngái nghe thân thương lạ. Mâm cơm dọn ra, ba má Tài tròm trèm tuổi 70 vui vẻ vừa ăn vừa trò chuyện cùng con. Những câu chuyện ngày xưa thương khó thật gần gũi. Gần 1 năm qua, hàng chục, trăm món ăn dân dã quê mùa đã được Tài nấu đãi ba má bằng trái tim yêu thương của một người con như thế. Không phải là những món ăn sang trọng, chỉ đơn giản là bó rau, con cá, trái chanh, mớ lá, củ sắn… Tài hái trong vườn nhà nhưng bữa cơm nào cũng rộn rã tiếng cười vui.
Tròn 30 tuổi, 10 năm bám phố, Tài có công việc khá ổn ở một kênh truyền hình tại TP.Đà Nẵng. Quyết định nghỉ việc của Tài gần 1 năm trước khiến nhiều bạn bè ngỡ ngàng. Tài bảo, nghỉ việc nhưng không có nghĩa là ngừng lao động. Trong những ngày cảm xúc hỗn độn khi vừa rời phố, em đã luôn để mình không nghỉ ngơi. Trước nhà thì có đống lúa ba phơi, phía sau có nhà kho đang cần dọn dẹp. Cuộc sống dù có khó khăn thế nào cũng luôn cho chúng ta cơ hội. Từ căn nhà kho, ý tưởng về một căn bếp bên sườn đồi hình thành. Rồi bếp thành hình thật. Trong căn bếp bên sườn đồi đó, Tài đã nấu cho ba má những bữa cơm giản dị mà ngày xưa Tài từng được ăn, ôn lại ký ức cho cả gia đình và nuôi dưỡng những ấp ủ lớn lao hơn. “Em rất hạnh phúc khi ba má nói, có con cùng ăn, ba má thấy ngon miệng hơn. Bữa cơm tưởng chừng đơn giản nhưng ngẫm lại mới thấy, làng quê bây giờ người trẻ ngày một vắng, chỉ còn lại người già với những bữa ăn vội chỉ cốt no bụng mà quên mất rằng, cần có những bữa cơm gia đình thật sự ấm cúng khi có ông bà, cha mẹ, con cái quây quần”, Tài bộc bạch.
Căn bếp bên sườn đồi – nơi Tài nấu nhiều món ăn dân dã cho ba má và gợi nhớ về miền ký ức quê nhà thân thương thông qua kênh TikTok
Kênh TikTok “Bếp bên sườn đồi” được Tài xây dựng với những video về những món ăn dân dã xứ Quảng, về khu chợ quê rộn ràng tiếng cười, về trò chơi dân gian tưởng chừng đã vắng từ lâu… tái hiện cả một khung trời ký ức ấu thơ ở làng quê – nơi có lũy tre xanh, cánh đồng bát ngát đã thu hút hơn 50 ngàn lượt theo dõi. Những video ngắn là những câu chuyện làng quê thường ngày nhưng mang thông điệp lớn về tình yêu quê hương, nơi gắn bó suốt quãng thời thơ ấu của mỗi người. Nơi ấy, gia đình vẫn luôn ở đó, đợi chờ và đón chào mọi bước chân trở về.
Bữa cơm với người lạ hóa người thân
Hành trình trở về của Tài không chỉ có nấu và ăn, cũng không gói gọn bữa ăn trong ngôi nhà có ba và má. Tài nói, có nhiều cụ già neo đơn, hoặc vì một lý do nào đó mà từ lâu bữa cơm gia đình là nỗi khát khao không thể thành hiện thực trong họ. Tài mang yêu thương đến nấu cơm nhà người lạ!
Chia tay Đào Duy Tài về phố, mùi khói ngai ngái vẫn len lỏi đâu đó, đánh thức trong tôi miền ký ức ngọt ngào. Không hành trình trở về nào thật sự dễ dàng, như Tài nói: “Mọi thứ đều rất khó khăn, chỉ có sự ủng hộ của ba má dành cho em là thuận lợi nhưng em sẽ nỗ lực hết mình để hành trình này trọn vẹn và có ý nghĩa hơn”. |
Căn nhà bà Bảy ở đầu làng hơn 20 năm nay vắng bóng người con trai yêu quý. Gần 80 tuổi, bà Bảy vẫn cặm cụi trở dậy vào mỗi 3 giờ sáng hàng ngày, nấu nồi bánh đúc để kịp phiên chợ sớm. Mỗi phiên chợ bà lãi chừng 20 ngàn đồng, bà khéo mua bó rau, con cá nhỏ và lon gạo nhì nhằng qua ngày. Nhà không có người sửa sang, mưa nắng phủ màu cũ mèm, rệu rã và đượm buồn. Hôm Tài đến, mang theo bao nhiêu thực phẩm để nấu ăn cùng, bà Bảy vui suốt buổi. “Từ ngày đứa con trai bỏ bà mà đi thật xa, một mình bà ra vào căn nhà trống, một mình ăn cơm buồn lắm. Cháu Tài đến nấu cơm ăn cùng bà, cảm giác vui như Tết – cái Tết của hai mấy năm trước khi căn nhà này ra vào vẫn còn tiếng con trai trò chuyện”, bà Bảy xúc động chia sẻ.
Cùng với bà Bảy, Tài đã mang bữa cơm nhà người lạ đến với nhiều người neo đơn khó khăn khác. Tài kể, hôm quyết định nấu cơm nhà người lạ để chia sẻ yêu thương đến những gia đình khó khăn, neo đơn, em chỉ có trong tay vỏn vẹn 700 ngàn đồng. Hành trình sáng tạo nội dung số của em vẫn đang trong quá trình xây dựng và chờ đợi, chưa có thu nhập. Nhưng em muốn làm một việc gì đó để hành trình trở về của mình thêm ý nghĩa. May mắn, sau bữa cơm đầu tiên, một mạnh thường quân ở TP.Đà Nẵng đã đồng hành.
Chia tay Tài, về phố, mùi khói ngai ngái vẫn len lỏi đâu đó, đánh thức trong tôi miền ký ức ngọt ngào. Không hành trình trở về nào thật sự dễ dàng, như Tài nói: “Mọi thứ đều rất khó khăn, chỉ có sự ủng hộ của ba má dành cho em là thuận lợi nhưng em sẽ nỗ lực hết mình để hành trình này trọn vẹn và có ý nghĩa hơn”. Cái vẫy tay giã biệt khách và hẹn trở lại của Tài và ba má lùi xa dần sau lưng chúng tôi vẫn nghe ấm suốt chặng đường về. Nghĩ về hành trình của Tài, chợt hiểu, hóa ra hạnh phúc nhiều khi không phải là dư giả áo cơm, tưng bừng cao lương mỹ vị. Chỉ cần biết quê nghèo đã chắt chiu từ mưa nắng, đất đai cho ta những vị mặn mòi nồng ấm, như mẹ nghèo nuôi ta lớn khôn bằng hạt lúa củ khoai và lời ru hời hỡi một thời thương khó.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)