Gửi tiết kiệm ngân hàng là hình thức đầu tư “tiền nhàn rỗi” phổ biến hiện nay; được đánh giá là tương đối an toàn và ít rủi ro so với các hình thức đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản… Tuy nhiên gửi ở ngân hàng nào để có lãi suất cao nhất và an toàn nhất thì không phải ai cũng biết.
Người dân thực hiện giao dịch tại một chi nhánh của VietinBank. Ảnh: N.Định
Người ăn không hết, kẻ lần không ra
Rất nhiều ngân hàng lớn để lãi suất thấp song vẫn thu hút được người gửi; mặt khác các ngân hàng nhỏ có lãi suất cao song một bộ phận người dân lại e dè…
Sau một thời gian buôn bán nhỏ, vợ chồng anh Ngô Phúc (Q.12) dành dụm được vài trăm triệu đồng. Do tiền tạm thời nhàn rỗi nên anh chị quyết định gửi ngân hàng. Trong khi vợ muốn gửi ngân hàng nhỏ có lãi suất cao thì anh lại khăng khăng gửi ở ngân hàng lớn dù lãi suất có thấp hơn. Sau một thời gian bàn ra tính vào, hai vợ chồng quyết định gửi tiền ở một ngân hàng lớn và chấp nhận mức lãi suất thấp hơn các ngân hàng nhỏ.
“Bao nhiêu năm vợ chồng chắt chiu mới được vài trăm triệu đồng nên phải tìm một ngân hàng lớn để gửi. Lãi suất không cần quá cao nhưng đảm bảo đồng tiền của mình được an toàn, khi cần có thể rút ra để sử dụng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay”, anh Phúc nói.
Đây cũng là quan niệm của nhiều người dân có số tiền không quá lớn khi quyết định gửi ngân hàng. Tiêu chí được chọn lựa thường là những ngân hàng lớn, uy tín dù lãi suất tiền gửi ở những ngân hàng này không cao.
Các hình thức gửi tiết kiệm phổ biến của ngân hàng hiện nay gồm: Gửi tiết kiệm không kỳ hạn – Khách hàng có thể rút ra bất kỳ lúc nào, tuy nhiên lãi suất thường thấp nhất; Gửi tiết kiệm có kỳ hạn – Là hình thức gửi tiết kiệm trong 1 kỳ hạn nhất định. Các kỳ hạn thường áp dụng gồm 1 tháng, 3 tháng, 5 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng. Lãi suất thường cao. Tuy nhiên khi khách hàng rút trước hạn sẽ chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn; Gửi tiết kiệm bậc thang – Là hình thức gửi càng nhiều, lãi suất càng cao, thường áp dụng với số tiền gửi tối thiểu 100 triệu đồng; Tiết kiệm gửi góp – Là hình thức gửi tiết kiệm cho phép khách hàng gửi thêm tiền nhiều lần trong thời gian gửi tiết kiệm.
Ngoại trừ hình thức gửi tiết kiệm không kỳ hạn thì với các hình thức gửi tiết kiệm khác để đảm bảo nhận được đúng số lãi theo lãi suất ban đầu, khách hàng không được rút trước hạn.
Cập nhật đến tháng 3-2021, ở kỳ hạn gửi 1 tháng, các ngân hàng niêm yết lãi suất dao động từ 3,00% – 3,60%, trong đó SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội) đang có mức lãi suất cao – 3,60%, kế đó là VPBank (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng) với lãi suất là 3,25% -3,45%, ACB (Ngân hàng TMCP Á Châu) lãi suất từ 3% – 3,20%; Ở kỳ hạn 3 tháng, lãi suất dao động từ 3,10% – 3,65%, trong đó VPBank có mức lãi suất là 3,30% – 3,65%, SHB – 3,60%; kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất dao động từ 3,80%,- 5,10% như SHB – 5,10%, VPBank – 4,60% – 4,90%; Kỳ hạn 12 tháng, lãi suất dao động từ 4,90% – 5,70%, đứng đầu danh sách lãi suất ngân hàng cao nhất kỳ hạn này là ACB; kỳ hạn 24 tháng trở lên, ngân hàng có lãi suất cao nhất là ACB với mức lãi suất là 6,20%; kỳ hạn 36 tháng trở lên, ngân hàng có lãi suất cao nhất là SHB, ACB…
Trong khi đó, các “ông lớn” Agribank (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam), VietinBank (Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam), VietcomBank (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam), BIDV (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam) thường có mức lãi suất tiền gửi trung bình song vẫn thu hút được người gửi. Thống kê năm 2020, cả 4 ngân hàng này đều có mức tăng trưởng tiền gửi khách hàng trên 10%; là những ngân hàng có tiền gửi khách hàng nhiều nhất, tương đương với thị phần trên 50% toàn hệ thống.
Không có chuyện mất tiền khi gửi ngân hàng nhỏ
Đó là khẳng định của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Một giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM nhìn nhận, việc người dân đổ dòng tiền gửi về những ngân hàng lớn là hoàn toàn bình thường, bởi trước hết là do tâm lý muốn được an toàn với đồng tiền mình dành dụm. Càng gửi số tiền ít, người dân lại càng “đong đếm” kỹ càng trong chọn lọc ngân hàng gửi.
“Thực tế ngân hàng là một hệ thống có rất nhiều hệ thống bảo vệ, có bảo hiểm tiền gửi và nhiều “hàng rào” bảo vệ nghiêm ngặt khác nữa. Tại Việt Nam, việc một ngân hàng bị phá sản và mất hết khả năng chi trả cho người dân khẳng định là không có. Người dân không nên lo mất tiền gửi, đặc biệt nếu khoản tiền của người gửi là nhỏ thì lại càng có sự hỗ trợ rất lớn từ bảo hiểm tiền gửi”, giảng viên này khẳng định.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng, tại Việt Nam, bất cứ một ngân hàng nào gặp sự cố thì Ngân hàng Nhà nước đều có cách cứu. Nếu một ngân hàng mất khả năng thanh khoản cho người dân thì Ngân hàng Nhà nước sẽ mua lại với giá 0 đồng, để Nhà nước tái cơ cấu lại và cứu người dân. Việc cứu một ngân hàng cũng không quá khó, đặc biệt là ngân hàng nhỏ. Do vậy, lo lắng của người dân liên quan đến việc ngân hàng nhỏ, lãi suất cao khó trả nợ chỉ có trong lý thuyết, còn thực tiễn thì không có.
Việc các ngân hàng nhỏ thường có lãi suất tiền gửi cao hơn các ngân hàng lớn là hết sức bình thường, đây là cách để thu hút người gửi. Trong khi đó các ngân hàng lớn với uy tín và dịch vụ tốt đã đủ sức thu hút người gửi dù lãi suất thấp hơn. Câu chuyện lãi suất của các ngân hàng cũng tương tự với việc thương nhân thu mua rau củ. Thương lái mua nhiều thì mức giá mua vào sẽ thấp hơn, còn người bán nhỏ lẻ mua số ít thì giá mua vào sẽ cao hơn. Đó là chưa kể các ngân hàng lớn thường được đầu tư công nghệ cùng nhiều dịch vụ đi kèm. Ngân hàng tăng đầu tư vào dịch vụ thì bắt buộc phải giảm lãi suất gửi tiền. Ngân hàng lớn lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi nhiều là do cạnh tranh bằng dịch vụ…
Từ thực tế này, các chuyên gia đưa ra lời khuyên đến người dân trong việc gửi tiền ngân hàng là tùy vào số tiền mình có để chọn ngân hàng gửi phù hợp. Nếu là người kinh doanh gửi số tiền lớn thì nên gửi tiền ở ngân hàng lớn, bởi việc thanh khoản dồi dào, cần rút 100 tỷ đồng chỉ trong 1 ngày nhưng ngân hàng nhỏ để rút 100 tỷ đồng thì lại mất vài ngày, đôi khi ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Trong trường hợp có ít tiền và không có ý định đầu tư thì người dân nên chọn ngân hàng lãi suất cao để gửi. Dù vậy, người gửi cũng nên tìm hiểu thêm về lịch sử quản lý của ngân hàng, dịch vụ quản lý tiền gửi bên cạnh mức lãi suất để đảm bảo tối đa an toàn cho tiền gửi và thu lại lợi nhuận cao nhất…
Nam Định
Bình luận (0)