Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Gửi trẻ: Một ước mơ!

Tạp Chí Giáo Dục

Hai nhà trẻ với sức chứa gần 1.000 cháu dành cho con em công nhân vừa được khánh thành tại Khu chế xuất (KCX) Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP.HCM. Tại Khu công nghiệp (KCN) Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cũng vừa đưa vào hoạt động Trường Mẫu giáo Dona Standard dành cho khoảng 1.000 con em công nhân Công ty Dona Standard hoàn toàn miễn phí.

Đây là những tín hiệu vui đầu năm học 2016-2017, khơi mào cho những niềm vui khác trong tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục cả nước.

Tất nhiên, những người vui nhất là các anh chị công nhân. Tại lễ khánh thành, một nữ công nhân làm việc tại KCX Linh Trung 1 tâm sự, nhà máy nơi chị công tác có hơn 40.000 công nhân, trong đó 2/3 là nữ. Nhiều chị lập gia đình rồi rất ngại có con vì không biết gửi con ở đâu. Gửi ở nhà trẻ công lập trên địa bàn phường thì họ ưu tiên cho trẻ có hộ khẩu thường trú, giờ giấc gửi trẻ thì đóng khung theo giờ hành chính, trong khi công nhân phải làm theo ca, phải tăng ca liên tục. Một số công nhân phải rước ông bà nội ngoại vào chăm cháu. Như thế đã là hạnh phúc. Còn phần đông gửi con cho các điểm, nhóm giữ trẻ tự phát không có giấy phép lẫn nghiệp vụ trông giữ trẻ. Gửi vào những nơi này không phải cần thủ tục giấy tờ rườm rà, giờ giấc lại linh hoạt. Tuy nhiên, trẻ lại đứng trước nguy cơ bị thương tích, bạo hành, thậm chí tử vong.

“Gửi con vào những nơi như thế chúng tôi không yên tâm nên cũng ảnh hưởng nhiều đến công việc ở nhà máy”, chị công nhân nói. 

Nhu cầu nhà trẻ cho con em lực lượng công nhân ở TP.HCM là cấp thiết. Sau nhiều cuộc họp với các ngành chức năng và các chuyến khảo sát, UBND TP.HCM quyết định thực hiện chương trình xây nhà trẻ cho con em công nhân trong các KCX, KCN. Được biết đến nay có 22 dự án nhà trẻ được đưa vào kế hoạch thực hiện đến 2020, trong đó có 8 nhà trẻ đã đi vào hoạt động, 4 nhà trẻ khác đang trong giai đoạn thi công.

Nếu so với nhu cầu thì số lượng trẻ được nhận vào các trường này hãy còn khiêm tốn. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của những nhà trẻ này là có thể đáp ứng nhu cầu đặc thù của công nhân. Có nhà trẻ nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi, giữ ngoài giờ làm việc, giữ ngày thứ bảy. Về học phí, có nơi thu ngang bằng hoặc thấp hơn các trường công lập trên địa bàn, có nơi miễn phí hoàn toàn. Những nhà trẻ như vậy bấy lâu nay là ước mơ của rất nhiều chị em công nhân.

Để thúc đẩy hệ thống nhà trẻ trong các KCN, KCX phát triển còn nhiều công việc phải làm. Nhưng theo các nhà xã hội học, đây không nên coi là công việc riêng của Nhà nước, của TP.HCM mà cần có sự tham gia của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Nhà nước nói chung hay TP.HCM nói riêng cần sớm ban hành những chính sách để khuyến khích, kêu gọi sự tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Hy vọng rằng sau TP.HCM, chương trình mang tính nhân văn này sẽ sớm được nhân rộng ra cả nước; để những ước mơ của công nhân – những ước mơ rất bình thường ấy – sớm trở thành hiện thực. Lúc đó người công nhân mới thật sự hạnh phúc!

Từ Nguyên Thạch

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)