Cùng chia sẻ khó khăn với người dân các tỉnh phía Bắc do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu mưa lũ sau bão, những ngày này, người dân TP.Đà Nẵng đã và đang chung tay gói hàng ngàn chiếc bánh chưng, bánh tét, huy động áo phao và các nhu yếu phẩm gửi về với người dân vùng bão lũ bằng tình yêu thương “lá lành, đùm lá rách” trong khó khăn, hoạn nạn…
Trắng đêm gói bánh chưng
Nghe tin mưa lũ ập đến các xóm làng miền Bắc, bà Hồ Thị Đóa (59 tuổi) ở quận Sơn Trà dường như không ngủ. Khi nghe tin người dân cùng các CLB thiện nguyện tập trung gói bánh chưng, bánh tét để hỗ trợ người dân đang bị bão lũ, bà Đóa vội vàng góp mặt. “Mỗi người một tay sẽ gói được nhiều hơn và nhanh hơn. Thêm một chiếc bánh thì bớt đi một người cần tiếp tế thực phẩm trong lúc này. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, hơn ai hết người dân miền Trung thấm thía câu nói này qua mỗi mùa bão lũ rồi”, bà Đóa nói.
Khoảng hơn 1.000 chiếc bánh chưng đã được người dân Sơn Trà nhanh chóng gói và nấu chín trong đêm. Ông Nguyễn Quang Nhật nhanh tay hướng dẫn bà con xếp bánh gọn gàng để chuẩn bị hút chân không, tránh bị hỏng hóc trong quá trình vận chuyển.
Ở một địa điểm khác trên đường Nguyễn Văn Phức (quận Sơn Trà), anh Lê Thành Long, thành viên CLB Xe bán tải TP.Đà Nẵng cùng gia đình, bà con chòm xóm và các mạnh thường quân cũng đã thức trắng đêm để gói hơn 1.000 chiếc bánh chưng, bánh tét, sẵn sàng vận chuyển về các tỉnh miền Bắc đang bị nước lũ cô lập.
Chiều 11-9, những chuyến xe mang theo bánh tét, bánh chưng gói trọn yêu thương của người dân Đà Nẵng đã lăn bánh hướng về vùng lũ. Anh Hồ Ngọc Thanh – Chủ nhiệm CLB Chuyến xe vạn tình Đà Nẵng chia sẻ: “Trước mắt chúng tôi cùng nhau hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết. Sau đó, tùy theo tình hình sẽ tiếp tục có những sự hỗ trợ thiết thực đến với bà con”.
Hướng về tâm lũ
Anh Đỗ Nhật Đức, thành viên của nhóm thiện nguyện Sĩ tử Việt cho biết, hai hôm nay khi biết được thông tin nước lũ dâng cao ở các tỉnh ngoài ấy, tôi cùng các thành viên khác đã tìm đặt mua áo phao ở Hà Nội để gửi đi hỗ trợ. Tuy nhiên, chưa tìm được nên mỗi thành viên chia nhau ra tìm mua ở Đà Nẵng và TP.HCM để có thể đưa đến tận tay người dân cần kịp thời nhất. “Trước mắt, nhóm đã huy động được 100 đèn pin, 400 chiếc áo phao, 10 thùng sữa Vinamilk, 20 thùng lương khô, 100 thùng nước, 150 chiếc chăn và các nhu yếu phẩm khác… để gửi đến những nơi bà con cần”, anh Đức nói.
Trước đó, ngay trong đêm 9-9, Đội cứu hộ SOS Đà Nẵng đã tức tốc lên đường đến các tỉnh, thành Hải Phòng, Yên Bái… để hỗ trợ người dân. Anh Đặng Ngọc Tiến, Đội cứu hộ SOS Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị nhân lực và quyết định lên đường ngay từ ngày 9-9. Chúng tôi đến điểm đầu tiên là Đồ Sơn (Hải Phòng) để hỗ trợ cưa cây, dọn đường tại trường học và một số điểm quanh khu vực. Sau đó, đội về Hà Nội tập kết đồ đạc, chuẩn bị lương thực, áo phao, thuốc, mì, gạo, dầu gió, lương khô, nước lọc… và tiếp tục di chuyển về Yên Bái. Dọc đường đi, đến địa phận huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, thấy nhiều nhà dân bị ngập đến mái, chúng tôi đã dừng lại để hỗ trợ nhu yếu phẩm và tiếp tục hành trình đến các địa điểm khác nơi có bà con cần”.
Đội xuồng hơi cứu hộ cứu nạn Đà Nẵng cũng đã tập hợp 3 xe pickup, hơn 10 người hỗ trợ, 4 xuồng hơi gắn máy từ Đà Nẵng và ra Hà Nội nhận thêm xuồng từ Đội cứu hộ đường thủy PVC. Thái Nguyên và Yên Bái là hai địa điểm đội thực hiện cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân…
Cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão gây mưa lũ tại các tỉnh, thành miền Bắc đã khiến gần 300 người chết và mất tích. Hàng ngàn ngôi nhà bị chìm sâu trong nước và bị nước cuốn trôi, hư hại tài sản, nhiều người dân lâm vào cảnh khó khăn. Trước tình hình đó, cùng với cả nước, chính quyền, UBMTTQ Việt Nam TP.Đà Nẵng, Công đoàn ngành GD-ĐT Đà Nẵng và nhiều cơ quan ban ngành khác tại thành phố đã ra lời kêu gọi các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các tổ chức tôn giáo, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố… bằng tình cảm, tấm lòng sẻ chia, tình nguyện hưởng ứng đợt vận động cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Bắc. |
Trong muôn vàn khó khăn dồn dập do bão, lũ, sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nghĩa đồng bào trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Những ngày này, người dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, không ai bảo ai, mọi yêu thương muôn nơi đều hướng về với người dân vùng lũ, cùng thao thức, cùng thấu hiểu và sẻ chia. Lời kêu gọi tự nguyện truyền đi bằng nhiều hình thức khác nhau. Những cái nắm tay xích gần lại để cùng chung sức, đồng lòng. Qua ngày gian khó, càng tin rằng, không ở nơi đâu tình người lại nồng ấm như ở đất nước mình. Truyền thống nhân ái, “lá lành đùm lá rách” qua bao đời vẫn được người dân nước Việt gìn giữ và vun bồi.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)