Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Gương mặt ứng viên của cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng VN 2009

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nguyễn Thị Minh Nguyệt: Con nhà tông…

Khác với đồng đội, con đường đến với bóng đá của Minh Nguyệt được vun đắp bởi chính những người thân trong gia đình. Được ủng hộ tuyệt đối, nghiệp quần đùi áo số của Minh Nguyệt không chỉ toàn hoa hồng, phải khổ luyện, trầy vi tróc vẩy với nghị lực lớn lao, cô gái quê Hà Tây mới nổi danh như bây giờ…

“Gà nòi”

Minh Nguyệt tại giải VĐ Đông NAm Á 2009.Ảnh: Dũng Phương

Minh Nguyệt sở hữu những tố chất thiên bẩm của một vận động viên thể thao. Cao, sải chân dài, đầy sức mạnh. Những tố chất ấy, theo Nguyệt, là gen di truyền từ bố – một vận động viên bóng chuyền.

Cũng từ bố, Minh Nguyệt đến với thể thao khá sớm. 16 tuổi, cô đã là vận động viên điền kinh có hạng ở các giải trẻ. Năm 2002, Minh Nguyệt đoạt chức vô địch giải điền kinh tỉnh Hà Tây (cũ), cự ly 60m và đứng thứ 4 toàn quốc ở nội dung này. Cơ duyên với bóng đá cũng tình cờ đến với Nguyệt kể từ khi cô vào đội năng khiếu điền kinh của tỉnh. Có lẽ Minh Nguyệt sẽ trở thành một VĐV điền kinh cự ly ngắn triển vọng nếu cô không hay “lang thang” tới sân tập của đội bóng nữ Hà Tây. Thấy cô bé dáng dấp tốt, HLV Đoàn Viết Xuân đã mời cô bé nhập cuộc và quả bóng da gắn với Nguyệt từ đấy.

Là “gà nòi” nhưng không dễ để Nguyệt hòa nhập nhanh cùng môn thể thao vua. “Bước chạy đẹp, có sức mạnh nhưng động tác còn vụng”, nhận xét ấy của một HLV đối với một cô gái mới lớn quả là không dễ chịu. Thế nhưng, cũng từ câu nói ấy, Nguyệt đã nhận ra điểm yếu của mình và trừ những lúc phải đi học, sinh hoạt, hiếm khi Nguyệt rời trái bóng rèn giũa những kỹ năng điều khiển nó.

Tập luyện rồi thi đấu xa nhà vất vả, tưởng như có lúc muốn bỏ cuộc. Những lúc như thế, bố là nguồn động viên lớn nhất của Minh Nguyệt. “Bố đã hướng tôi đến với thể thao và bóng đá. Ông luôn là chỗ dựa, đưa ra những lời khuyên bảo kịp lúc để tôi đứng vững. Giờ bố mất rồi, tôi đã tự nhủ lòng sẽ tập luyện thật tốt, chơi thật tốt để đáp đền sự kỳ vọng của ông”…

Ít ai biết rằng, trước khi nổi danh ở tuyển quốc gia, Minh Nguyệt từng suýt bị loại với lý do “khó phát triển hơn nữa”, thế nhưng, ngay khi HLV Trần Vân Phát lên nắm tuyển, ông đã kiên quyết giữ cầu thủ quê Hà Tây này.

Trung vệ, hậu vệ cánh, tiền vệ cánh, tiền đạo, chỗ nào Nguyệt cũng chơi được nhưng tài năng của cô chỉ phát lộ thực sự khi HLV Vân Phát giao cho cô vị trí tiền vệ công – vốn là điểm yếu sau sự chia tay của Kim Chi. Ở vai trò này, Minh Nguyệt chơi nổi bật, là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của tuyển Việt Nam ở giải VĐ Đông Nam Á 2008 và trước đó là SEA Games 24.

Giấc mơ đời thường…

“Lì đòn”, mạnh mẽ, xông xáo trên sân bóng là vậy nhưng Minh Nguyệt cũng như hàng trăm đồng đội khác, đều sở hữu những giấc mơ rất đời thường như bao người phụ nữ.

“Tiếp tục gắn bó với bóng đá sau khi giải nghệ, có một gia đình hạnh phúc, đó là ước mơ của nữ cầu thủ bọn em”, Minh Nguyệt tâm sự. Tiền vệ mới nổi quê Hà Tây chia sẻ, kỷ niệm đáng nhớ nhất với cô trong đời cầu thủ chính là cái Tết 2007. Lúc đó, vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 chuẩn bị diễn ra và tuyển Việt Nam phải tập xuyên Tết. Trú tại Thành Long suốt những ngày Tết, cô và đồng đội buồn tê tái. “Những khoảnh khắc ấy thấy nhớ nhà kinh khủng. Và ước mơ về một gia đình nhỏ, hạnh phúc, ấm cúng lại bùng lên”, Minh Nguyệt hồi tưởng.

Năm nay mới 23 tuổi, Minh Nguyệt cho biết, cô sẽ tiếp tục phấn đấu để hoàn thiện mình, trở thành một cầu thủ giỏi, và sau đó, có thể là theo nghiệp HLV hoặc một cô giáo sư phạm – điều mà bố mẹ cô mong muốn.

TƯỜNG KHÔI (Theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)