HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) tri ân thầy cô giáo trong ngày lễ tri ân và trưởng thành. Ảnh: Anh Khôi |
Chuyện “mày tao chi tớ” của một người được cho là “cô giáo bọ cạp” ở Hà Nội vừa qua khiến nhiều người cảm thấy sửng sốt. Không cần biết câu chuyện đúng sai, chỉ xem cách cô giáo ứng xử thì không ít người thật sự ngao ngán với môi trường sư phạm ở đó.
Đoạn clip trên internet kia gợi ra nhiều vấn đề, ít nhất là việc giao tiếp, ứng xử trong trường học, dù là trường mẫu giáo, phổ thông hay các trung tâm ngoại ngữ… Trong trường học, có nhiều loại giao tiếp nhưng giao tiếp quan trọng bậc nhất và có sự tổng hợp các loại quan hệ đó chính là giao tiếp giữa giáo viên (GV), giảng viên với học sinh (HS), sinh viên, học viên. Bởi cũng những cá nhân ấy, trong từng hoàn cảnh khác nhau có thể thể hiện ở những quan hệ khác nhau. Chẳng hạn, khi đang giảng bài hoặc đang nhắc nhở HS về một việc gì đó thì đây là quan hệ lệch chiều, đi từ GV đến HS – GV có sự áp đặt, mệnh lệnh, HS phải chấp hành và tuân thủ các quy tắc vốn có trong trường học, lớp học. Sự trao đổi chỉ xảy ra khi GV cho phép…
Vấn đề ứng xử, giao tiếp trong trường học thực ra phản ánh khá nhiều điều về giáo dục. Có thể nhìn nhận ở những góc độ sau:
Thứ nhất, là vấn đề chất lượng giáo dục. Thông thường, một GV có năng lực, tâm huyết, yêu nghề, quý trọng HS luôn ý thức về việc gìn giữ hình ảnh, phẩm cách của mình. Trừ những trường hợp có thể gọi là “lập dị”, tuyệt đại đa số GV có năng lực tốt đều thể hiện sự thống nhất giữa cách ứng xử và khả năng giảng dạy. Bản thân người thầy nghiêm túc có khả năng làm gương rất tích cực cho người học cả về việc tiếp thu kiến thức cho đến tác phong, lối sống. Như vậy, nếu một trường học có hầu hết những nhà giáo như thế thì rõ ràng chất lượng giáo dục ở đây được khẳng định.
Thứ hai, là vấn đề dân chủ, tính kỷ luật trong môi trường sư phạm. Một người thầy biết tôn trọng người học thì sẽ không giảng dạy kiểu áp đặt mà thường có trao đổi, lắng nghe, cởi mở trong đánh giá, nhận xét, trân trọng các ý kiến mới, kể cả ý kiến trái chiều. Sự dân chủ là một tiền đề quan trọng để thúc đẩy các sáng kiến, phát huy tính năng động, khả năng tư duy cho người học thay vì lấy lời người thầy làm “khuôn vàng thước ngọc”, dễ dẫn đến “sức ỳ” hoặc thụ động, rập khuôn, bắt chước. Bên cạnh đó, tư cách người thầy đứng đắn, phong cách phù hợp thường có ý nghĩa động viên, thuyết phục người học chấp hành các quy định, nội quy trong nhà trường, hạn chế được tình trạng phản kháng, nổi loạn. Điều đó góp phần quan trọng để tạo ra một môi trường sư phạm lành mạnh, đoàn kết, thân ái. Từ đây, sự kỷ luật sẽ có những tiền đề để được thể hiện rõ ràng hơn, cụ thể hơn.
Một trường học tốt vẫn có thể có những HS chưa tốt, trách nhiệm của nhà trường là làm cho HS đó tốt lên; nhưng nhà trường tốt thì không nên có những người thầy không tốt, chính họ có thể làm nhà trường và người học bị ảnh hưởng xấu. |
Thứ ba, là tính khuôn mẫu cho những giao tiếp, ứng xử trong các quan hệ khác. Một khi cách thức giao tiếp, ứng xử giữa người thầy và người học được thể hiện đúng đắn, tích cực tức là đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp. Tuy đây có thể chưa phải là quan hệ mang tính chuẩn mực trong nhà trường nhưng thường có sự tác động tích cực, thậm chí là hình mẫu cho các quan hệ khác. Rõ nét nhất là quan hệ giữa người học với nhau; người thầy đã biết quý trọng, yêu thương người học thì dễ tác động để HS biết tôn trọng, gắn bó nhau; người thầy đã phát huy tính dân chủ, không lấy quyền uy để áp đặt thì HS cũng thấy rõ nên phát huy tính bình đẳng, chan hòa với nhau… Quan hệ này cũng tác động đến quan hệ giữa GV với nhau, bởi những người thầy đã tôn trọng, thương yêu HS thì cũng dễ dàng tôn trọng, đoàn kết với những người thầy khác, hay với các nhân viên trong trường.
Có thể xem mỗi cách thức biểu hiện tình cảm, thái độ, phong cách hay mỗi lời nói, cử chỉ của người thầy là một mặt gương để người học soi vào đó và chịu một sự phản chiếu nào đó. Tấm gương sáng thì sẽ có tác dụng như “đèn” để người học sáng thêm lên; tấm gương mờ sẽ có tác dụng như “mực” để làm hoen ố hoặc méo mó nhận thức, tư cách của người học.
Trúc Giang
Đừng biến cái sai thành điều bình thường Trong tình huống này (đoạn clip “cô giáo bọ cạp” trên internet – PV), GV đã không giữ được bình tĩnh khi đối diện với học viên. Bất kể học viên có khiêu khích, vô lễ thì GV cũng không được phép đáp trả bằng những lời nói đe dọa, chửi bới, cách xưng hô “tao, mày” theo kiểu giọng đanh đá, bề trên. Những điều này không được chấp nhận trong môi trường sư phạm. Một số người cho rằng nhiều GV còn chửi học trò tệ hại hơn và đưa ra những lời lẽ như “thiếu gì GV cũng “mày, tao” với học trò”, “ai học cô ấy rồi thì thấy việc cô ấy chửi thế này là bình thường”… Những cách bào chữa này chính là “chất keo” khiến những thói quen ứng xử thiếu chuẩn mực của GV tồn tại. Sai cái gì phải nhận cái đó, không nên lấp liếm, né tránh, bao biện. Đừng biến cái sai thành những điều bình thường để rồi tiếp tục để cái sai tồn tại. Nguyễn Thị Thu Huyền (Giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) |
Bình luận (0)