Ngoan hiền, thông minh, học giỏi và đam mê nghiên cứu khoa học…, đó là những lời khen của thầy cô ở Trường THPT chuyên Thăng Long (Lâm Đồng) luôn dành cho cô học trò xinh xắn Đoàn Ngọc Anh Thư, học lớp 12 chuyên sinh.
Bất cứ ai lần đầu trò chuyện với cô học trò nhỏ này đều có ấn tượng bởi đôi mắt to tròn rất sáng, giọng nói nhỏ nhẹ đáng yêu của em. Và ấn tượng hơn, hai năm học lớp 11 và 12, Anh Thư liên tiếp đoạt giải cao trong Hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.
Ngay năm học đầu tiên ở Trường THPT chuyên Thăng Long, Anh Thư đã khẳng định khả năng của mình với chiếc huy chương bạc môn sinh học trong cuộc thi Olympic truyền thống 30-4 khu vực miền Nam (do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM). Sau đó, liên tiếp hai năm học lớp 11 và 12, Anh Thư đã chủ trì thực hiện hai đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải thưởng cao cấp tỉnh và quốc gia. Cụ thể, năm học lớp 11 (2013-2014), em làm trưởng nhóm thực hiện đề tài Nghiên cứu khả năng tạo hạt nhân tạo cây đảng sâm Codonopsis javanica Blume. Nói về ý tưởng thực hiện đề tài này, Anh Thư tâm sự: “Em được biết cây đảng sâm (họ sâm như sâm Ngọc Linh) là cây dược liệu quý có nhiều ở Lâm Đồng nhưng hiện nay người dân đang tận diệt khai thác. Do sợ sau này loại dược liệu quý này sẽ mất nên em làm đề tài với mong muốn góp phần bảo tồn nguồn gen của nó”. Kết quả, đề tài đã đoạt giải nhất cấp tỉnh, đoạt giải nhất lĩnh vực và giải nhì chung cuộc trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Nhiều nhà khoa học đã đánh giá cao về tính phát hiện, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng trong thực tiễn của đề tài này.
Anh Thư (phải) cùng với bạn học trong phòng thí nghiệm thực hiện đề tài |
Không dừng lại đó, sang năm học lớp 12, Anh Thư cùng một bạn trong lớp thực hiện đề tài mới: Ứng dụng ánh sáng đơn sắc (LED) trong nghiên cứu nâng cao chất lượng cây giống cúc (Chrysanthemummorifolium) nuôi cấy in vitro. Với ý tưởng muốn góp phần giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và chất lượng giống hoa cúc – loài hoa cắt cành đang được trồng phổ biến đem lại thu nhập cao cho người nông dân Đà Lạt. Đề tài này đã vượt qua hơn 20 đề tài khác đạt giải nhất cấp tỉnh và được chọn tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật toàn quốc. Tháng 3 vừa qua, một lần nữa niềm vui lớn đã đến với Anh Thư khi đề tài đã đoạt giải nhất lĩnh vực và giải nhì chung cuộc quốc gia; là một trong 6 đề tài đại diện Việt Nam tham gia Hội thi Intel ISEF quốc tế tổ chức tại Mỹ giữa tháng 5 vừa qua.
Được biết, đề tài Ứng dụng ánh sáng đơn sắc (LED) trong nghiên cứu nâng cao chất lượng cây giống cúc nuôi cấy in vitro, Anh Thư và bạn đã thực hiện trong hơn 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 11-2014), do PGS.TS Dương Tấn Nhựt (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên) hướng dẫn. Tuy nhiên, ngoài được sự “trợ lực” tích cực của PGS.TS Dương Tấn Nhựt, hai “nhà khoa học nhí” còn được thầy cô ở các tổ bộ môn trong trường (Tổ sinh học, Anh văn, tin học) giúp chuẩn bị khá bài bản về kiến thức, ngoại ngữ, kỹ thuật trình bày…
Anh Thư tiết lộ: Hoa cúc hiện nay không chỉ ở Đà Lạt mà đang được nhiều nước canh tác bởi năng suất cao. Song, trước nay các nhà vườn nhân giống hoa bằng nuôi cấy mô tế bào thực vật dùng ánh sáng đèn huỳnh quang vừa tiêu tốn điện năng cao, lượng nhiệt thải ra lớn, độc hại môi trường; ngược lại, ánh sáng đơn sắc (LED) – theo nghiên cứu của đề tài thì tiêu tốn điện năng thấp (giảm giá đầu tư). Ngoài ra, đèn LED còn phù hợp cho từng loài cây trồng, thân thiện với môi trường… Đề tài được PGS.TS Dương Tấn Nhựt nhận xét có ý tưởng và tính ứng dụng vào thực tiễn cao.
Bài, ảnh: THANH DƯƠNG HỒNG
Đoàn Ngọc Anh Thư học giỏi đều các môn – điểm trung bình hàng năm đạt từ 8,0 trở lên; riêng môn sinh học và Anh văn, em học trội nhất – điểm trung bình đạt trên 9,0. |
Bình luận (0)