Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Gương sáng nhà giáo: Phép màu cuộc sống

Tạp Chí Giáo Dục

Mới ra trường 5 năm, thời gian đi dạy chưa nhiều thì năm 1982 cô Lê Thị Thúy Ngọc – hiện là giáo viên dạy văn Trường THCS Ngô Tất Tố, Q.Phú Nhuận đã mắc phải căn bệnh rất hiểm nghèo do chiến tranh để lại. Hơn hai mươi năm qua cô phải chống chọi quyết liệt với bệnh tật và gần như đã chiến thắng số phận. Liệu có phép màu nào đã giúp cô vượt qua được những thử thách đó để trở lại với cuộc sống bình thường?

Số phận nghiệt ngã

Sinh ra từ cố đô Huế nhưng tuổi thơ của cô bé Ngọc gắn liền với dải đất gần biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh. Sau khi có được hai mặt con, ba mẹ Ngọc bỏ xứ trôi dạt vào xã nghèo Thạnh Tây, huyện Tịnh Biên. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đây là vùng giải phóng nên dù không sống trong cảnh giặc bắt bớ, dồn ấp chiến lược nhưng bà con phải chịu nhiều đợt oanh tạc của máy bay Mỹ. Ngoài những đợt bom và bắn phá các căn cứ hoạt động bí mật của cách mạng và tàn sát người dân, kẻ thù còn dùng nhiều máy bay rải chất độc xuống ruộng đồng làng mạc nhằm hủy diệt sự sống ở nơi đây. Thế nhưng bom đạn vẫn không ngăn được sự sống của vùng đất giải phóng. Cùng với những bạn bè đồng trang lứa, hàng ngày hai chị em Ngọc vẫn “đội” bom đến trường. Năm 1975 khi miền Nam giải phóng đất nước thống nhất cũng là năm cô nữ sinh trung học Lê Thị Thúy Ngọc bước chân vào học Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Ước mơ được làm cô giáo ấp ủ từ nhiều năm qua đã thành hiện thực. Là lớp giáo sinh đầu tiên của trường nên ngoài việc học chuyên môn, Ngọc còn tham gia nhiều hoạt động xã hội khác trong những ngày đầu mới giải phóng như xuống các xã để cùng cán bộ địa phương thống kê dân số, đổi tiền, làm rẫy giúp dân… Dáng người mảnh mai, sức khỏe lại không được tốt nhưng sẵn có lòng nhiệt tình và tinh thần tập thể nên công việc nào Ngọc cũng hoàn thành và luôn được thầy cô bạn bè khen ngợi. Hai năm sau Ngọc ra trường về nhận công tác tại huyện nhà. Những ngày đứng trên bục giảng, cô giáo Ngọc đã dành nhiều tâm huyết cho việc soạn bài, dự thi các tiết thao giảng để phấn đấu trở thành một giáo viên giỏi của trường. Nhiều thế hệ học sinh của trường rất quý mến cô giáo dạy văn có dáng người nhỏ nhắn rất mực thương yêu học trò, lúc nào cũng quấn quýt bên các em như người chị cả. Thế nhưng đến năm 1982 sức khỏe của cô dần dần bị giảm sút. Những ngày sau đó do chảy máu chân răng liên tục nên cô không thể ăn uống bình thường được. Biết là có bệnh trong người nên gia đình bạn bè khuyên cô đi bệnh viện chữa trị. Nỗi đau càng nhân đôi khi bác sĩ kết luận cô đã bị hội chứng dioxin do ảnh hưởng của chất độc da cam thời chiến tranh. Năm 1990, cô chuyển về dạy tại quận Phú Nhuận. Bắt đầu từ đó là những đợt nằm điều trị nội trú dài ngày tại bệnh viện . Do chất độc đã ngấm vào cơ thể từ nhiều năm, bây giờ là dịp để bệnh tật trở lại hoành hành sức khỏe của cô. Từ một con người bình thường dần dần Ngọc đã bị kiệt sức và không còn giữ được hình hài mà mẹ cha ban tặng từ nhỏ. Không biết bao lần cô đã ngã quỵ trước cuộc sống nhất là mỗi khi nghĩ đến lưỡi hái của tử thần, tưởng như mình đang dần dần bước vào ngõ cụt của cuộc đời.

Tình đời trải rộng

Chính trong hoàn cảnh bi thương đó mọi người xích lại gần cô hơn. Ai cũng muốn đem trái tim của mình chia sẻ một chút hơi ấm cho một con người bất hạnh. Ban giám hiệu nhà trường mở đợt quyên góp ủng hộ tiền khám chữa bệnh cho cô. Chính quyền địa phương và đặc biệt là Phòng GD quận thường xuyên thăm hỏi vào tạo điều kiện tốt nhất cho cô chữa bệnh. Một số tổ chức nhân đạo trong địa phương cũng chung tay vào chia sẻ nỗi đau của một cô giáo. Tình thương của bạn bè, đồng nghiệp càng ngày bồi đắp cao hơn nâng đỡ cô gượng dậy từng ngày. Không thể kể hết số tiền mà các đơn vị, cá nhân trao tặng không chỉ một lần mà nhiều đợt liên tục như: Công ty Thức ăn gia súc Bình Thạnh, Hội Chữ thập đỏ quận Phú Nhuận. Gara Quê hương, Công ty Xuất nhập khẩu xe hơi Tân Bình… Có cơ quan tặng sổ tiết kiệm của ngân hàng, có đơn vị nhận chăm sóc cô suốt đời. Nhiều người không có tiền mặt thỉnh thoảng lại mang đến cho cô ít gạo, thực phẩm mong cô ăn được nhiều cơm để chống chọi với bệnh tật. Trong trường có cô Thủy dạy toán hàng tháng cứ đưa đến cho cô Ngọc 500.000 đồng để tiêu xài. Dù không phải là ruột thịt nhưng thật cao quý những nghĩa cử thầm lặng của những người sống quanh cô. Cô còn kể cho tôi nghe câu chuyện về một người mang đến 15 triệu đồng nhưng do thấy số tiền quá lớn mà cuộc sống của họ cũng chưa phải dư dả gì nên cô từ chối. Thế nhưng anh ta thật sự buồn rầu và tìm mọi cách năn nỉ cô Ngọc nhận lấy bởi vì đó là quyết định của cả gia đình anh. Rất nhiều mẩu chuyện xúc động khác mà cô thấy rằng cuộc sống vẫn còn nhiều tình thương và đầy ắp lòng nhân ái. Đó chính là phép màu đã giúp cô có thêm sức mạnh để chống chọi với bệnh tật. Những học sinh cũ ở Tây Ninh dù không còn học với cô Ngọc nữa nhưng vẫn tổ chức từng đợt cùng với phụ huynh xuống thăm cô giáo cũ mong cô chóng bình phục và an tâm giảng dạy. Đến lúc này cô mới hiểu hết niềm hạnh phúc của nghề dạy học, hiểu được tấm lòng của học trò đối với thầy cô. Có lẽ chính đây là nguồn động viên thật sự to lớn đã giúp cô Ngọc trở lại với bục giảng. Dù biết mình sức khỏe không được tốt nhưng cô vẫn không muốn bỏ nghề dạy học của mình. Niềm vui vào lớp học truyền thụ cho các em cái hay cái đẹp của các tác phẩm văn học không bao giờ nguôi tắt trong cô. Hơn 20 năm mang căn bệnh trong người nhưng cô vẫn không hề ngơi nghỉ. Cùng với những trang giáo án, cô đã dìu dắt bao thế hệ học sinh đến với những chân trời mới. Cô Ngọc nói: “Dù tôi là người không may mắn do hậu quả của chiến tranh để lại nhưng bây giờ tôi là người hạnh phúc nhất, một niềm hạnh phúc không thể nào tả được. Tôi thật sự cảm động với tình đời hôm nay, với những con người đã trải rộng tấm lòng giúp đỡ tôi trong thời gian qua. Tôi luôn mang ơn họ và không biết làm gì để trả ơn cho họ được”.

Phan Ngọc Quangtc "Phan Ngoïc Quang"

Bình luận (0)