Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Gương vỡ…

Tạp Chí Giáo Dục

1. Em gái họ tôi có cậu con trai năm nay học lớp 2. Cái tuổi ăn tuổi ngủ nhưng lại thích tò mò, thấy cái gì cũng hỏi. Hầu hết các câu hỏi của con, em tôi đều giải thích cặn kẽ, chu đáo, và tự hào mình là “từ điển sống” cho con. Nhưng rồi em tôi cũng thừa nhận mình đã ngộ nhận vì có nhiều điều không thể giải thích được cho con hiểu, hoặc phải giải thích đại khái để “chữa cháy”. Hôm trước, khi ngồi vào bàn ăn, cháu hỏi mẹ: “Ở trường cô giáo dạy con là phải rửa tay trước khi ăn, mà ở nhà con chả thấy ba mẹ rửa tay bao giờ cả?”. Em tôi phải lý giải: “Thì ba mẹ vẫn rửa tay đó mà. Nhưng vì tay người lớn bao giờ cũng sạch hơn tay trẻ con!”.

Cô giáo ở trường dạy trẻ là phải vệ sinh sạch sẽ, không được xả rác, tiểu tiện thì phải đúng nơi… Thế mà chở con đi học, đứa bé phải thấy toàn chuyện phản cảm. Tôi đành an ủi: Thôi, xem như đó là chuyện của người ta. Cốt là mình dạy con mình cho thật tốt. Nói thế nhưng tôi vẫn ngậm ngùi, tránh sao được những thói xấu của xã hội ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Tôi nhớ đến hai câu ca dao xưa: “Trăm năm soi chiếc gương mờ/Không bằng một phút soi nhờ gương trong”. Đúng thế, trẻ con bao giờ cũng cần lắm “gương trong” để soi. Tấm gương ấy trước tiên phải là những người gần gũi với chúng và rộng lớn hơn là cả xã hội. Mà quan trọng nhất, để cho chúng không bị hẫng hụt, hoài nghi, thì những lời giải thích, răn dạy của người lớn cho chúng phải thấu đáo, tận tường và phải biết làm gương.

2. Cạnh nhà tôi có đôi vợ chồng công nhân. Anh chồng thì có lối sống khá phóng khoáng, nhiều khi thích vui vẻ, đàn đúm với bạn bè. Chị vợ, ngược lại, sống khép kín. Hai tính cách có vẻ chả chút nào là “nồi nào, vung nấy”. Thế nên dù đã có hai mặt con nhưng vợ chồng thường xảy ra xung đột “mày – tao”… Chỉ tội cho hai đứa con nhỏ. Thằng bé mới 4 tuổi bắt chước ba mẹ cũng “văng” tiếng chửi thề với trẻ con hàng xóm. Còn bé gái, năm nay đã học lớp 6, mỗi lần ba mẹ gây gổ với nhau, cháu chỉ biết ôm mặt khóc, gào xin ba mẹ đừng như thế nữa. Rồi việc học của cháu sa sút. Có lần cháu nghỉ học mấy hôm… Thế rồi điều gì đến đã đến. Chị vợ đâm đơn ly dị, anh chồng cũng dứt khoát đồng ý. Hôm ra tòa con bé cứ vật vã đòi xin được sống với cả ba lẫn mẹ. Nghĩ mà thương cho hai đứa con nhỏ: Rồi đây chúng sẽ ra sao? Khi theo thống kê, với những hoàn cảnh ba mẹ ly hôn, có một phần lớn số trẻ bước vào đời không được hoàn thiện nhân cách vì thiếu hụt tình thương.

Tôi thầm ước rằng giá ba mẹ chúng biết làm điều “gương vỡ lại lành” vì con cái, để con cái còn có chút gương – dẫu là mờ – để soi, chứ không phải là… gương vỡ!n

Tuấn Ngọc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)