Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hạ chuẩn tiếng Anh để sinh viên được tốt nghiệp?

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường đại học đang từng bước nâng cao chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trường buộc phải giảm điểm, hạ chuẩn để sinh viên có thể tốt nghiệp.
Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM trong giờ học nhóm /// HÀ ÁNH
Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM trong giờ học nhóm. HÀ ÁNH
Từ 7,0 còn 6,5 điểm IELTS
Trường hợp mới đây nhất diễn ra tại Trường ĐH Luật TP.HCM. Một trong các nội dung thông báo kết luận của Hội đồng khoa học và đào tạo trường này về cuộc họp ngày 29.8 liên quan đến việc hạ chuẩn đầu ra tiếng Anh ngành ngôn ngữ Anh.
Thông báo này nêu rõ sẽ chưa áp dụng chuẩn đầu ra cho sinh viên (SV) ngành ngôn ngữ Anh theo mức điểm 7,0 IELTS trở lên (nếu không đạt ngoại ngữ thứ 2 theo quy định thì chuẩn trình độ tiếng Anh phải đạt từ 7,5 IELTS trở lên). Chuẩn điểm này được trường công bố hồi tháng 12.2016 áp dụng cho khóa 41 trở về sau và đã được công bố cho SV các khóa tuyển sinh 2017, 2018.
Thay vào đó, theo kết luận của hội đồng này, SV ngành học trên từ khóa 41 về sau vẫn tiếp tục sử dụng chuẩn đầu ra của SV các khóa trước đó. Cụ thể, SV cần đạt chuẩn tiếng Anh IELTS từ 6,5 trở lên (trường hợp không đạt năng lực ngoại ngữ thứ 2 theo quy định này thì chuẩn tiếng Anh phải đạt từ 7,0 IELTS trở lên).
Như vậy, trường sẽ giảm 0,5 điểm IELTS so với công bố ban đầu từ 7,0 xuống 6,5 (với SV đạt chuẩn ngoại ngữ 2 theo quy định) và từ 7,5 xuống 7,0 (với SV không đạt chuẩn ngoại ngữ 2). Thông báo dừng áp dụng chuẩn mới này được đưa ra sau gần 4 năm công bố.
Về quyết định này, đại diện nhà trường cho biết có cơ sở thực tế từ khảo sát các học sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành học này của trường. Theo đó, học sinh phản ánh đầu vào bình thường nhưng đầu ra khó so với các trường khác. Một số SV đang học tại trường cũng cho rằng việc đạt chuẩn IELTS này sẽ là gánh nặng cho SV, có thể ảnh hưởng đến chất lượng trong chương trình học để lấy bằng cử nhân ngôn ngữ Anh.
“Trong khi đó, trên cơ sở tham khảo bên ngoài thấy rằng 6,5 IELTS vẫn có đủ điều kiện để du học nước ngoài. Vì vậy trường cân nhắc hạ chuẩn IELTS để cân đối yêu cầu đáp ứng chuẩn đầu ra ngành học theo quy định của Bộ GD-ĐT và yêu cầu hội nhập quốc tế. Dù là ngành ngôn ngữ Anh nhưng trường có quy định riêng khi yêu cầu SV bên cạnh bằng cử nhân phải có chứng chỉ quốc tế IELTS đồng thời với quy định về ngôn ngữ thứ 2”, đại diện nhà trường cho biết.
Giảm điểm theo… ưu tiên tuyển sinh
Trước đó, tháng 5.2016 Trường ĐH Luật TP.HCM từng có thông báo giảm chuẩn trình độ tiếng Anh cho các SV được ưu tiên trong tuyển sinh nhưng chưa kết thúc thời gian đào tạo theo quy định.
Cụ thể, SV đại trà khóa 35 trở về trước quá 2 năm kể từ khi khóa học kết thúc nhưng chưa đạt chuẩn trình độ tiếng Anh theo quy định để nhận bằng thì mỗi khu vực kế tiếp được giảm 10 điểm TOEIC, mỗi nhóm đối tượng kế tiếp được giảm 20 điểm. SV khóa 36 có 9 tháng kể từ khi khóa học kết thúc nhưng vẫn chưa đạt chuẩn trình độ tiếng Anh theo quy định để nhận bằng được giảm 10 điểm TOEIC so với quy định xuống còn 440 – 490 điểm (chất lượng cao không giảm điểm, riêng SV dân tộc thiểu số chuẩn đề nghị là 300).
Cuối năm 2018, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có thông báo về việc hướng dẫn sử dụng chứng chỉ TOEIC trong xét chuẩn đầu ra các chương trình ĐH chính quy, chất lượng cao. Theo đó, trường đã quyết định hạ chuẩn điểm TOEIC 530 điểm 2 kỹ năng (đọc, viết) xuống còn 450 điểm 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết). Những SV của đợt xét tốt nghiệp cuối cùng trong năm học 2018 – 2019 có thể chọn một trong 2 chuẩn trên, nhưng từ đợt xét đầu tiên của năm học 2019 – 2020 chỉ chấp nhận chứng chỉ TOEIC 4 kỹ năng từ 450 điểm trở lên.
Rào cản tốt nghiệp của sinh viên
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, đại diện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết một trong những nguyên nhân xuất phát của việc giảm điểm vì mức điểm 530 khó, cản trở đầu ra của SV. Trình độ tiếng Anh SV ở thời điểm tốt nghiệp của trường này phổ biến trong khoảng 480 – 530 điểm TOEIC.
“Trước khi đưa ra mức điểm 530 TOEIC trường có căn cứ trên cơ sở thực tế kiểm tra trình độ người học. Nhưng đến thời điểm tốt nghiệp thì có những SV dù tích lũy đủ chương trình đào tạo nhưng bị chậm trễ tốt nghiệp. SV phải thi 4 – 5 lần nhưng chỉ đạt 480, 490, 510 điểm… Do vậy, trên cơ sở tham khảo các trường khác, trường quyết định giảm điểm xuống 450 TOEIC 4 kỹ năng – mức điểm tương đương bậc 3/6 Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN quy định chuẩn đầu ra tiếng Anh bậc ĐH”, người này nói.
Nhìn nhận về việc điều chỉnh chuẩn tiếng Anh đầu ra của các trường, đại diện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết: “Các trường đều muốn duy trì một chuẩn cao để SV ra trường đáp ứng ngay yêu cầu của thị trường lao động hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, việc tăng lên hay giảm chuẩn còn phải căn cứ trên khả năng đáp ứng của hầu hết người học, tạo điều kiện để SV ra trường”.
Thay vì hạ chuẩn cần nghĩ cách để sinh viên đạt chuẩn
Trình độ tiếng Anh là điều kiện rất cần thiết của lao động trẻ. SV ra trường hiện nay nếu không có trình độ ngoại ngữ đã bị bất lợi rất lớn ngay trên sân nhà. Do vậy, việc hạ chuẩn tiếng Anh nếu có để SV có thể ra trường chỉ là giải pháp tạm thời. Còn về lâu dài, các trường không chỉ giữ chuẩn mà còn phải không ngừng nâng cao chuẩn ngoại ngữ để người học ra trường đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động quốc tế. Thay vì hạ chuẩn, các trường cần nghĩ cách để SV có thể đạt được chuẩn đó, chẳng hạn tăng thời lượng đào tạo tiếng Anh trong trường, tăng cường cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy…
Thạc sĩ Châu Thế Hữu (Giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM)

Theo Hà Ánh/TNO

 

Bình luận (0)