Ngày 26/5, đoàn công tác do ông Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang làm trưởng đoàn, cùng với các đơn vị chức năng huyện Yên Minh đến thăm hỏi, tặng quà 20 bệnh nhân trong vụ ngộ độc nấm ở xóm Bản Roài, xã Ngọc Long, hiện đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Minh.
Bác sỹ Phạm Anh Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Minh cho biết, ngay sau khi các bệnh nhân nhập viện, Bệnh viện đã huy động các y, bác sỹ giỏi để tập trung cứu chữa các bệnh nhân.
Đoàn công tác của tỉnh Hà Giang thăm hỏi, tặng quà 20 bệnh nhân bị ngộ độc nấm lạ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Minh. (Ảnh: Hoàng Lan/TTXVN)
Hiện nay, tất cả 20 bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm do ăn nấm đều đang được điều trị tích cực theo đúng phác đồ điều trị ngộ độc thực phẩm của Bệnh viện Bạch Mai như rửa dạ dày, truyền dịch, than hoạt và lợi tiểu, dùng thuốc đối kháng với nấm độc.
Tính đến 21 giờ 30 ngày 26/5, 20 bệnh nhân đều đã ổn định, tỉnh táo, hết các triệu chứng ban đầu, các chỉ số sinh hóa nước tiểu đều bình thường. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do ăn nấm phải được tiếp tục điều trị và theo dõi chặt chẽ trong 7 ngày.
Là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí còn hạn chế.
Những năm qua, ngộ độc thực phẩm thường tập trung vào đối tượng là đồng bào dân tộc, sinh sống ở các thôn, bản miền núi vùng sâu, vùng xa.
Bà con thường có thói quen thu hái, chế biến, sử dụng nấm rừng, rau rừng do không nhận biết được các loại mang độc tính. Đây chính là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Theo ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, để hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang chỉ đạo Sở Y tế và các ngành chức năng, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ về phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc nấm, rau rừng, quả rừng và bột ngô mốc.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền cách phòng chống ngộ độc thực phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các thôn, bản vùng sâu, xa, biên giới, đặc biệt là bằng tiếng của đồng bào tại các buổi chợ phiên.
Vào hồi 11 giờ 40 phút ngày 25/5, tại gia đình ông Nguyễn Văn Lả, thôn Bản Roài, xã Ngọc Long, huyện Yên Minh tổ chức bữa ăn trưa cho 20 người đến giúp gia đình làm nương. Trong bữa cơm có món nấm được bà con hái ở rừng về nấu canh.
Sau khi ăn xong khoảng 2 giờ, cả 20 người đều xuất hiện triệu chứng đau đầu, hoa mắt chóng mặt, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, người mệt mỏi.
Tất cả 20 người ăn đều được đưa đến trạm y tế xã xử lý kịp thời bằng phương pháp gây nôn, truyền dịch, lợi tiểu và chuyển ngay đến Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Minh./.
MINH TÂM
(TTXVN/VIETNAM+)
Bình luận (0)