Vịnh Hạ Long.
|
Ngày 8-10 năm ngoái, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) vinh dự được nhận Cúp "Thành phố bền vững về môi trường". Ðây không chỉ là niềm vui, vinh dự cho Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh mà còn khẳng định sức vươn của một thành phố trẻ bên bờ Di sản Vịnh Hạ Long, trong phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
Theo phân tích của Tổng cục Bảo vệ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thành phố Hạ Long được lựa chọn, đề cử nhận danh hiệu là "Thành phố bền vững về môi trường" là vì Hạ Long gắn với công nghiệp khai thác than và cần phải giải quyết rất nhiều hệ quả do hoạt động khai thác than để lại. Hạ Long cũng đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Thêm nữa, thành phố còn gắn với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đang được đề cử bầu chọn là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường thành phố Hạ Long đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn quyết định, lựa chọn và đề cử Hạ Long được nhận danh hiệu là "Thành phố bền vững về môi trường" của các nước ASEAN năm 2008. Ðây là lần đầu tổ chức giải thưởng bền vững về môi trường của các nước ASEAN nhằm tôn vinh, quảng bá hình ảnh các thành phố được vinh danh là "Thành phố bền vững về môi trường" trong khu vực ASEAN.
Là một thành phố vốn gắn liền với công nghiệp khai thác than nhưng đã sớm nhận ra những xung đột trong phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long đã triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp, đem lại một môi trường xanh – sạch – đẹp hơn cho Hạ Long như: di chuyển toàn bộ hoạt động vận chuyển, bốc rót than ra khỏi khu vực trung tâm thành phố; chuyển Cảng bốc rót than chuyên dùng thành Cảng khách Hồng Gai; ngừng hoạt động chuyển tải, bốc rót than trên Vịnh Hạ Long; triển khai các dự án bảo vệ môi trường như: dự án thoát nước thải và vệ sinh môi trường Hạ Long – Cẩm Phả; các dự án trồng cây hoàn nguyên môi trường do hoạt động khai thác than gây ra; dự án xử lý ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất trên địa bàn, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải tại phường Bãi Cháy, Hà Khánh… Thành phố cũng đang đầu tư mạnh mẽ cho công tác chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan, xây dựng công viên, cây xanh tại khu vực Lán Bè, Hoàng Gia… góp phần làm thay đổi diện mạo theo hướng văn minh hiện đại của một thành phố trẻ.
Tiếp tục giữ gìn cho thành phố mãi xanh, chính quyền nơi đây đã mạnh dạn chuyển công tác vệ sinh môi trường từ doanh nghiệp công ích sang cho Công ty tư nhân đảm trách, tạo được sự kích thích và nâng cao nhận thức trong bảo vệ môi trường đối với mỗi người dân. Cùng với đó, thành phố còn phối hợp Ban quản lý Vịnh Hạ Long triển khai nhiều biện pháp, các dự án phát triển du lịch, nâng cao và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như: dự án "Vì một Hạ Long xanh" với sự tham gia của ba doanh nghiệp du lịch là Công ty cổ phần Du thuyền Ðông Dương, Công ty TNHH Cánh buồm nhiệt đới và Công ty du lịch Dấu chân. Dự án nhằm tuyên truyền vận động bà con ngư dân, nhất là học sinh, nhận biết về giá trị to lớn của Vịnh Hạ Long; trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn giá trị của Vịnh Hạ Long, từ đó nâng cao ý thức trong việc thu gom rác thải, bảo vệ các sản vật trên vịnh, xây dựng làng chài thành điểm du lịch. Dự án này đang đạt được những kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh đó, dự án "Con thuyền sinh thái" nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ di sản trong trường học, do Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện, cũng đã đem lại hiệu quả.
Vinh dự, tự hào vì là thành phố du lịch nằm bên bờ Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và càng tự hào là "Thành phố bền vững về môi trường", Hạ Long đang xây dựng quy hoạch chi tiết đối với các khu vực của thành phố, chủ yếu tập trung vào phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái. Thành phố cùng với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam nhanh chóng chuyển các công ty khai thác than lộ thiên tại Hạ Long như: Hà Tu, Núi Béo… sang khai thác hầm lò. Ðối với các khu vực hạn chế phát triển và khu vực phát triển mới, thành phố tập trung giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, tận dụng, khai thác triệt để cảnh quan thiên nhiên với các tiêu chí về kiến trúc, quy hoạch tại khu vực này được quy định rõ ràng, trong đó riêng đất dành cho cây xanh và công trình công cộng sẽ chiếm 40%. Tại các khu trung tâm du lịch, nghỉ ngơi, giải trí ở Bãi Cháy, Hùng Thắng, sẽ không cho xây dựng trên các khu đất sát biển hoặc lấn biển, nhằm bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và tầm nhìn giữa các khu du lịch và vùng Vịnh Hạ Long. Cùng với đó, thành phố tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Hành vi ứng xử có văn hóa và có trách nhiệm đối với môi trường sống của mỗi người dân thành phố Hạ Long sẽ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự vững chắc của một "Thành phố bền vững về môi trường" cho hôm nay và mai sau.
Theo NhanDan
Tin liên quan
Tết này du khách cứ đến Công viên nước Đầm Sen để tận hưởng những giây phút vui vẻ bên gia đình...
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện tại Hội nghị Tổng kết công tác năm...
Ngày 12-1, Giải Marathon TP.HCM lần thứ 12 năm 2025 chính thức diễn ra với điểm xuất phát và về đích ngay...
Năm 2024 ngành du lịch TP đã gặt hái được nhiều kết quả đáng mừng. Điều này đã minh chứng qua số...
Bình luận (0)