Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hà Nam: Cho hàng loạt giáo viên về… vườn

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều giáo viên dạy ròng rã 5 năm, thậm chí có người là 9 năm trời đứng trên bục giảng bỗng dưng bị ngành GD-ĐT cho ra rìa dù họ không hề bị sai phạm bất cứ một điều gì. Chuyện cười ra nước mắt của họ nghe qua có vẻ vô lý nhưng là thực tế hiện đang xảy ra tại tỉnh Hà Nam.

“Đau” với nghề
5 năm vào nghề với tấm bằng khá của ĐH Sư phạm Hà Nội, nhưng từ năm học này, cô N. (Duy Tiên, Hà Nam) khăn gói theo chồng lên Hà Nội “bỏ cuộc chơi” để bán hàng thuê. Cô giáo N. không thể ở lại với nghề vì năm nay không trúng tuyển biên chế của Sở GD-ĐT Hà Nam mà trường thì đã đủ giáo viên.
Hoàn cảnh của cô giáo T. cũng bi kịch không kém. Về dạy hợp đồng cho ngành GD-ĐT Hà Nam được 9 năm, qua mỗi năm, niềm hy vọng được vào biên chế của cô giáo T. lại tăng lên. Cô không ngừng hy vọng và không ngừng phấn đấu. Không chỉ hợp đồng với trường, cô T. còn được hợp đồng với Sở GD-ĐT. Thế nhưng, đến năm nay, cô ở nhà, không đi dạy vì trong kỳ tuyển công chức của ngành giáo dục vừa qua cô đã trượt và sở không còn nhu cầu ký hợp đồng do đã có giáo viên. 9 năm đứng trên bục giảng, giờ về nhà, cô không biết mình sẽ làm gì. Tâm sự trong nước mắt, cô cho biết cứ 2 năm, Hà Nam lại tuyển biên chế giáo viên một lần. Nhưng lần này phải đợi đến 3 năm do năm 2010 toàn tỉnh tổ chức đại hội các cấp và sự hy vọng của cô giáo T. thực sự đã sụp đổ hoàn toàn. Đến giờ cô vẫn không khỏi ngỡ ngàng vì sao mình không đỗ công chức. Trong khi đó, nhiều sinh viên mới ra trường thì lại đỗ. Theo cô T., từ năm 2011, Hà Nam có chính sách ưu tiên tuyển thẳng những người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ và bằng giỏi, bằng xuất sắc từ các trường công lập. Trong khi đó, những giáo viên như cô, dù dạy đến 9 năm hay 10 năm thì cũng chỉ được cộng điểm khuyến khích là 30 trong thang điểm 100. Cô T. không đồng tình với cách xét tuyển như hiện nay của ngành GD-ĐT Hà Nam. Bởi những giáo viên lăn lộn gần chục năm với nghề như cô vì chỉ được bằng trung bình khá, hoặc khá thì vẫn không đỗ, trong khi sinh viên mới ra trường, chỉ bằng đỏ là được tuyển thẳng. Không những thế, không phải đầu vào của những sinh viên này lúc nào cũng cao. Bởi có những ĐH sư phạm vùng, điểm chuẩn đầu vào rất thấp nhưng ra trường vẫn bằng đỏ. Sự không hợp lý này khiến cô không còn thiết tha với nghề. Ngày 31-8 hết hợp đồng với Sở GD-ĐT Hà Nam, cô đành ngậm ngùi ở nhà nhưng vẫn chưa biết mình sẽ làm gì trong thời gian tới. “Học sinh tôi dạy ra trường vào biên chế rồi. Còn tôi là giáo viên của nó vẫn dạy hợp đồng, mà còn bị ngành cho ra rìa”, cô T. cay đắng nói. Cô T. cũng cho biết, trong suốt thời gian tham gia dạy hợp đồng, dù trường công, trường tư cô đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thậm chí năm nay, thầy hiệu trưởng cũng như thầy cô giáo tổ trưởng bộ môn đều tin rằng cô sẽ vào biên chế. Nhưng nghịch lý là cô không những không được vào biên chế mà còn phải nghỉ dạy vì trường đã đủ giáo viên!
Nhưng “đau” nhất phải kể đến là trường hợp của 3 cô giáo H., L. và M. Gắn bó với nghề từ 5 đến 6 năm, không được vào biên chế, năm nay các cô đành phải đi làm công nhân tại khu công nghiệp gần nhà. Nhưng nghịch lý ở chỗ, các cô đi xin việc không được khai vào hồ sơ tốt nghiệp ĐH mà chỉ được ghi tốt nghiệp THPT vì liên quan đến vấn đề lương!? “Giờ đây chúng tôi thực sự không biết phải làm gì hơn? Xót xa lắm chứ, khi hàng xóm cứ xì xào nói ra nói vào. Bao nhiêu năm làm nghề giáo giờ lại tay trắng làm lại từ đầu như một công nhân quèn mới bước vào nghề”, cô H. chua chát tâm sự.
Theo điều tra, chỉ tính riêng môn văn ở một huyện của Hà Nam đã có rất nhiều giáo viên rơi vào tình cảnh này. Cụ thể như tại Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến (Duy Tiên, Hà Nam) có 5 giáo viên rơi vào diện bị “sa thải”, Trường Bổ túc của huyện Duy Tiên cũng có 4 giáo viên. THPT Duy Tiên A có 1 giáo viên. Trong khi đó, chỉ tiêu của toàn tỉnh năm nay cần tuyển 32 giáo viên dạy văn.
Đường trở lại với nghề ngày càng xa
Trước tình cảnh của các giáo viên trên, chiều 4-10, phóng viên Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Khoát, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam. Ông Khoát cho biết năm nay Hà Nam tuyển giáo viên theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh đó là trải thảm đỏ đối với những người giỏi về công tác tại tỉnh nhà. Quyết định 19 của UBND tỉnh ưu tiên tuyển thẳng bằng thạc sĩ, tiến sĩ và những sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi, bằng xuất sắc của các trường công lập. Rồi khi xét đến bằng cấp thì chúng tôi cũng ưu tiên bằng của ĐH Sư phạm Hà Nội. Do đó có hiện tượng mới ra trường thì đỗ còn ra trường một số năm có thể sẽ không đỗ. Nhưng những giáo viên đã đi dạy hợp đồng được Sở GD-ĐT khuyến khích mỗi năm công tác được tính 6 điểm nhưng tổng số điểm được tính không quá 30 điểm (số điểm này bằng với số điểm ưu tiên của con thương binh, liệt sĩ…). Khuyến khích này không có trong quy định của Bộ GD-ĐT mà là do chính sách của địa phương, quan tâm đến đội ngũ giáo viên đã đi dạy hợp đồng. Theo ông Khoát, đây là vấn đề chung của toàn xã hội không phải của riêng ngành GD-ĐT Hà Nam. Các trường ĐH hiện nay đào tạo cũng rất nhiều, nhiều ngành đào tạo ra sinh viên không có việc làm, không phải riêng giáo dục. “Tất nhiên là về mặt nhân văn, thì có băn khoăn. Tôi cho rằng không chỉ nghề giáo mà cả nông dân cũng phải chuyển nghề. Nhưng theo tôi họ vẫn còn cơ hội”, ông Khoát nói. Việc này Sở GD-ĐT Hà Nam sẽ tìm cách tháo gỡ nhưng ngay lúc này đây thì chưa thể. Bởi số lớp, số học sinh ngày càng giảm. Nếu giảm 1 lớp thì thừa 2 giáo viên. THCS của Hà Nam đang thừa giáo viên. Năm nay sở không tuyển một giáo viên THCS nào và tình trạng này sẽ còn kéo dài trong vài năm tới.
Như vậy, theo lời ông Khoát thì những giáo viên hợp đồng của Hà Nam vẫn còn cơ hội đến với nghề, nhưng cơ hội đó không nhiều. Bởi với chính sách tuyển giáo viên cần bằng giỏi, bằng xuất sắc, còn những giáo viên dạy hợp đồng lâu năm chỉ được cộng điểm khuyến khích thì xem ra cuộc chơi này đúng là không công bằng với họ.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)