Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hà Nội: 3.000 USD không vào được lớp 1

Tạp Chí Giáo Dục

Để con vào được lớp 1 của trường tiểu học K, anh Nguyễn Quốc Thắng đã chi tới 3.000 USD (đô la Mỹ) nhưng vẫn không được vì trái tuyến.

 
Bắt đầu từ 1/7, các trường mầm non và tiểu học, THCS trên địa bàn Hà Nội tiến hành tuyển HS theo diện đúng tuyển. Sau 15/7, các trường còn chỉ tiêu được tuyển HS trái tuyến. Đây có lẽ là thời gian “nóng bỏng” nhất của việc “chạy trường”.
Dự kiến năm học 2009, Hà Nội có 489.000 chỉ tiêu vào học các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 trên địa bàn HN. Trong đó, lớp 1 có 98.000 chỉ tiêu, lớp 6 là 78.000 chỉ tiêu.
Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn thực hiện kế hoạch “ba tăng, ba giảm”: tăng quy mô, tăng chất lượng, tăng cường cơ sở vật chất, giảm sĩ số HS/lớp, giảm số lớp trong các trường có quy mô lớn và giảm HS trái tuyến. Có lẽ thông tin giảm học sinh trái tuyến đã lên “cơn sốt” đối với các phụ huynh.
Anh Nguyễn Quốc Thắng nhà ở phường Mai Dịch, quận Cầu giấy năm nay có cậu “quý tử” đến tuổi đi học. Với suy nghĩ đầu tư con cho phải đầu tư ngay từ đầu, do vậy phải cho con vào trường tốt.
Qua tìm hiểu, anh Thắng nhắm cho “quý tử” của mình vào trường tiểu học K. Tuy nhiên, xét điều kiện để nộp hồ sơ thì không được vì trái tuyến. Nghe đồng nghiệp cùng cơ quan rỉ tai nhau, trường đó khó vào lắm đấy, phải “nặng đô”. Qua mai mối, anh Thắng đã chạy tới 3 cửa, chi tới 3.000 USD mà vẫn không được. “Trường có vẻ “rắn ” quá!, anh Thắng than vãn, “nếu không được, đành về trường nhà vậy”.
Không chỉ có cùng tâm lý với anh Thắng, rất nhiều phụ huynh muốn “đua” cho con vào trường tiểu học đã có “danh tiếng” vì ở đó mới có chất lượng.
Anh Xuân Phương, nhà phố Thái Thịnh cho biết, chạy không đúng cửa rồi, trước đây vào trường này chỉ hơn 1.000 USD, năm nay chắc theo giá cả.
Có lẽ đây là thời điểm nhạy cảm nên máy điện thoại của nhiều Hiệu trưởng trường điểm của Hà Nội liên tục tắt máy hoặc số lạ không nghe để tránh phiền hà.
Chưa có cách giải quyết nạn “chạy trường”
Trong buổi giao lưu trực tuyến về tuyển sinh đầu cấp năm học 2009 – 2010, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng: “Nhiều bậc phụ huynh thường ảo tưởng về những trường có tên tuổi thì sẽ có sự đào tạo tốt hơn. Thực tế trong 1 trường, trong 1 khối thì trình độ của các giáo viên cũng không đồng đều. Có cô dạy tốt có cô dạy khá nhưng nói chung đều đảm bảo về chất lượng giảng dạy”.
“Có rất nhiều lý do phụ huynh muốn con mình học trường “có tiếng” như tiện đường đi làm thì đưa đón con, con mình phải vào trường đó học thì mới yên tâm… Thậm chí có người, coi con mình như là một thứ đồ trang sức và rất tự hào khi nói với bạn bè về tên trường mà con mình theo học”, ông Tiến cho hay.
Còn thầy Phạm Văn Khánh – Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ, HN cho biết: “có một thực tế, phụ huynh vẫn bị chi phối bởi tâm lý số đông, ít có sự cân nhắc cẩn thận về mọi mặt. Những năm gần đây mặt bằng của các trường đã tiến sát lại nhau, số giải học sinh giỏi của Sở GD-ĐT Hà Nội rải tương đối đều cho các trường. Vì thế phụ huynh nên cân nhắc kỹ và nên chọn cho các cháu vào những trường gần nhà mình”.
Có cách nào để giải quyết nạn “chạy trường”?, ông Tiến, thừa nhận rằng: “Đây là bài toán khó không chỉ với các nhà quản lý mà cả với các nhà quản lý của các phòng, sở giáo dục. Việc chọn trường không chỉ có ở Việt Nam, mà có ở nhiều nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản… Đối với tiểu học ở Việt Nam hiện nay thì quả thật cũng chưa thấy có cách nào để giải quyết triệt để vấn đề chạy trường”.
Nhật Hồng (dan tri)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)