Đến hẹn lại lên, cứ đầu năm học, phụ huynh ở các trường trong địa bàn Hà Nội lại lo ngay ngáy với các khoản thu của trường. Năm nay, dù được báo trước sẽ có bốn khoản học sinh không phải nộp nhưng xem ra số tiền được miễn không thấm vào đâu so với số tiền phụ huynh đang phải “gánh”.
Gọi điện đến từng phụ huynh
Lớp 2A của Trường Tiểu học Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) được coi là lớp “chọn” vì đây là lớp “ngoại giao” của trường. Cũng chính vì chọn nên suốt từ trong năm học, các phụ huynh ở đây méo mặt vì tiền. Chị L.N.T, mẹ bé N. học tại lớp cho biết vừa nhận được cú điện thoại của giáo viên thông báo năm nay, mỗi em sẽ phải đóng 1 triệu đồng để mua bảng chiếu phục vụ học tập. Để thuyết phục chị T., giáo viên cho biết các phụ huynh khác cũng đồng ý hết rồi. Cực chẳng đã, chị T. cũng phải gật đầu. Chị T. cho biết chắc giáo viên rút kinh nghiệm trong lần họp phụ huynh đầu năm học trước, khi đưa vấn đề mua máy chiếu, chỉ vài phụ huynh giơ tay, kế hoạch của trường bị “đổ”. Năm nay, để chắc ăn, trước khi họp phụ huynh, giáo viên đã gọi điện thoại đến từng nhà. Điều oái oăm hơn, ở lớp học ngoại giao này của trường, năm lớp 1 vừa qua, mỗi học sinh phải đóng 6 triệu đồng tiền học tiếng Anh với thầy Tây. Học sinh không học sẽ phải chuyển sang lớp khác. Năm nay, chị T. được thông báo, mức giá học tiếng Anh đã tăng thành 8 triệu đồng/năm/học sinh. Được biết, toàn khối 1 năm học 2010-2011 vừa qua của trường, chỉ có 2 lớp học tiếng Anh kiểu này là 1A và 1D và năm học này sẽ là 2A và 2D.
Nhiều phụ huynh méo mặt vì các khoản thu của Trường TH Ngọc Lâm
Tận thu từ hè
Chị Đ.T có con năm nay vào lớp 4 Trường Tiểu học Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội). Hè vừa rồi, chị khấp khởi mừng vì con chị được thông báo vào đội tuyển của trường, đi bồi dưỡng hè. Niềm vui của chị chưa bao lâu thì nhà trường thông báo số tiền phải nộp để bồi dưỡng cho các em đến 2 triệu đồng. Không những thế, chị còn được biết, trường có đến vài lớp vào đội tuyển bồi dưỡng. Còn tại Trường Tiểu học Việt Nam – Cu Ba (Ba Đình, Hà Nội), từ đầu tháng 8, học sinh bắt đầu học hè cũng phải đóng cho trường 2 triệu đồng. Trong đó, 1,2 triệu là tiền đóng cho lớp học công nghệ cao, đồng phục và gần 900.000 đồng tiền bán trú.
Tại Trường Tiểu học Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), trước khi vào năm học mới học sinh cũng “góp” 1,8 triệu đồng cho tiền quỹ vì phải đầu tư cơ sở vật chất cho lớp bán trú như: mua máy điều hòa, bàn ghế, chăn chiếu… Chị Lê Minh Hồng, có con học Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân cho biết: “Tôi làm trong Ban đại diện CMHS, đôi khi cũng có ý kiến về những khoản thu chi của lớp nhưng cô giáo bắt phải theo ý cô thì chúng tôi cũng đành chịu, ví dụ, tiền photo tài liệu lớp con tôi lên đến 2,5 triệu đồng/năm là quá nhiều, cô giáo chủ nhiệm bắt phải chi những khoản vô lý, còn gợi ý Ban đại diện CMHS mua quà trung thu nữa”.
Thu sai có được trả lại?
Bà Nguyễn Ngọc Diệp, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay năm học mới này, mức chi ngân sách trên đầu học sinh của Hà Nội sẽ tăng lên. Sau năm học mới, sở sẽ có các đoàn, xuống các trường kiểm tra, trường nào thu sai, sẽ yêu cầu trả lại cho phụ huynh. Nhưng thực tế, liệu có bao nhiêu phụ huynh được trả lại tiền? Ông Phan Đăng Long, Trưởng ban Tuyên giáo, Thành ủy Hà Nội cho biết, việc giải quyết vấn đề “lạm thu” tại các trường học hiện nay là rất khó. Vì con em phụ huynh học ở trường nên có bị lạm thu, họ cũng không dám đứng lên kêu. Bản thân ông cũng từng chứng kiến, có những khoản thu sai, đã được yêu cầu nhà trường trả lại nhưng đến hết cả năm học cũng không thấy tiền đâu. “Không được trả lại, không lẽ phụ huynh lại đứng lên đòi”, ông Long nhấn mạnh.
Còn về phía Sở GD-ĐT Hà Nội, bà Diệp cũng cho hay, năm học mới này, sở chưa thể đưa ra mức trần cho quỹ hội phụ huynh vì còn đang xây dựng. Nhưng sở sẽ đưa ra những quy định cụ thể cho các khoản thu tự nguyện. Tuy nhiên, phụ huynh đợi được các quy định của sở thì các trường cũng thu xong. Còn đợi các trường trả lại? Chuyện xưa nay hiếm.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Bình luận (0)