Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hà Nội: Cam go cuộc đua “đầu cấp”

Tạp Chí Giáo Dục

Chen lấn nộp hồ sơ cho con dự thi tại Trường Amsterdam

Theo Luật Giáo dục, mỗi học sinh khi bước vào lớp 1 và lớp 6 đều không phải thi. Tuy nhiên, hiện nay tại các thành phố lớn, nhiều trường đã “công khai” diễn ra cuộc đua vào các lớp đầu cấp với một tỷ lệ chọi không thấp. Tại sao lại có hiện tượng này?
Tỷ lệ chọi cao như ĐH
Ngày 15-6, hệ THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam (gọi tắt là Trường Ams) tổ chức thi tuyển đối với học sinh lớp 6 của trường. Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh có con học ở Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết chị cho cháu thi vào lớp 6 Trường Ams. Tuy nhiên, khi đưa con đến thi chị mới choáng khi nhìn danh sách thấy có tới hơn 3.000 thí sinh tham gia dự thi, trong khi trường chỉ tuyển 200 chỉ tiêu. Trước đó, từ ngày 7-6, Trường Ams đã tổ chức thu hồ sơ. Ngay từ những ngày đầu, lượng phụ huynh đến trường nộp hồ sơ cho con đã đông kín. Điều kiện dự thi vào trường cũng khá cao. Được biết, thí sinh phải có từ 4 năm trở lên ở cấp tiểu học xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt; có tổng điểm hai môn tiếng Việt và toán cuối học kỳ II lớp 5 đạt từ 19,0 điểm trở lên.
Cuộc đua vào lớp 1 của học sinh Hà Nội cũng khá quyết liệt. Nếu như việc “chạy suất” để vào được lớp 1 các trường công lập có tiếng diễn ra như những làn sóng ngầm với quyết tâm cao độ để đạt được mục đích thì những buổi thi đầu vào của một số trường tiểu học ngoài công lập thuộc Hà Nội lại diễn ra trực diện, sôi động và cũng quyết tâm không kém. Có thể kể đến đầu tư tâm sức không nhỏ của các bà mẹ muốn con vào học tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm hay Lê Quý Đôn, Lômônôxốp…
Trước khi kết thúc năm học 2010-2011, nhiều phụ huynh có con học mẫu giáo lớn, chuẩn bị vào lớp 1 năm học tới đã ngay lập tức đăng ký tham gia Câu lạc bộ “Tiền lớp 1” mà các trường này tổ chức từ rất sớm. Các đề thi của năm trước của Trường Đoàn Thị Điểm được các mẹ trao đổi, tìm kiếm liên tục trên mạng để cho con làm quen trước. Và rồi chỉ với 400 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2011-2012, hồ sơ phụ huynh đăng ký vào Trường Đoàn Thị Điểm đã lên đến hơn 1.400. Lượng hồ sơ quá đông, lo ngại phụ huynh không đủ thông tin về mục đích tổ chức thi đầu vào, hiệu trưởng nhà trường đã phải tổ chức một buổi tư vấn cho phụ huynh trước khi kỳ thi diễn ra. Hàng trăm phụ huynh đã tham dự, trong đó không ít người tỏ ra lo ngại khả năng cạnh tranh của con em mình vì không tham gia Câu lạc bộ “Tiền lớp 1” của nhà trường. Với số trẻ đăng ký quá đông, trường phải tổ chức ba đợt kiểm tra. Giống như kỳ thi đại học, các khâu đều có giám thị hướng dẫn và giám sát. Trẻ không được mang bất cứ thứ gì vào phòng, tất cả đồ dùng sẽ được phát sau khi nhận thẻ dự kiểm tra… Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm học trước trường tuyển 500 chỉ tiêu nhưng có đến 1.600 hồ sơ dự thi. Không chỉ trường ngoài công lập thu hút nhiều thí sinh dự thi lớp 1 đến vậy. Một trong những trường công lập “hot” của mùa tuyển sinh năm nay ở Hà Nội là Trường Thực nghiệm. Ngay từ ngày phát đơn đăng ký dự thi, tình trạng xếp hàng chờ lấy đơn khiến nhiều phụ huynh “phát sốt” vì những hàng dài người tập trung ở cổng trường từ đêm hôm trước. Ngày 15-6, các “sĩ tử” biết được mình có chính thức được vào lớp 1 Trường Thực nghiệm hay không khi ngôi trường này ngày càng được dư luận chú ý với hình ảnh nổi tiếng của cựu học sinh của trường GS. Ngô Bảo Châu. Trong khi các bậc phụ huynh đang hồi hợp chờ kết quả trúng tuyển thì các cô cậu bé sắp trở thành tân học sinh lớp 1 rất hồn nhiên kể cháu đã thi rất nhiều trường cả Trường Đoàn Thị Điểm, cả Lê Quý Đôn, cả Thực nghiệm. Thế nhưng khi hỏi cháu làm bài thế nào, cô giáo hỏi gì thì câu trả lời chủ yếu vẫn là “con quên hết rồi…”.
Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh có tâm lý cho con thi thử để biết nên tuyển sinh vào các lớp đầu cấp cũng không tránh được hiện tượng “hồ sơ ảo”. Chị Nguyễn Thu Hương có cậu con trai vào lớp 1. Dù cháu đã qua vòng sơ tuyển của Trường quốc tế Việt Úc nhưng vẫn muốn con thi cho biết nên chị đăng ký cho con thi thử vào Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Nhưng “may” cho cháu là vào đúng ngày thi, con chị bị ốm nên không tham dự được. 
Có nhất thiết phải thi
Theo Luật Giáo dục, trẻ đủ tuổi (vào lớp 1, lớp 6) sẽ nghiễm nhiên được đi học. Vậy việc tổ chức thi như các trường như hiện nay có phạm luật? Là người làm giáo dục đã lâu, ông Nguyễn Thành Kỳ, nguyên Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết việc thi đầu cấp trên thực tế chỉ là các buổi kiểm tra khảo sát năng lực của học sinh để tạo điều kiện cho nhà trường có căn cứ xét tuyển. Cũng theo ông Kỳ thì các trường tổ chức xét tuyển thường là các trường ngoài công lập, đó là các trường có áp lực tuyển sinh lớn, nếu không tổ chức khảo sát thì khó có căn cứ xét tuyển. Các trường công lập tuyển sinh theo chỉ tiêu và địa bàn (tuyến) tuyển sinh được giao nên không có việc phải “thi tuyển”. Còn theo ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT thì các trường tiểu học tổ chức thi tuyển sinh đầu cấp là phạm luật. Ông Thành cũng cho hay, mục tiêu của giáo dục tiểu học là giúp trẻ phát triển bình thường, không nên tạo áp lực cho trẻ. Còn theo các chuyên gia giáo dục, thì không nhất thiết phải tạo ra một kỳ thi. Vì có nhiều cách xét tuyển để lựa chọn được đầu vào phù hợp với mục tiêu tuyển của từng trường. 
Về lâu dài, giải pháp cho vấn đề này, theo ông Nguyễn Thành Kỳ đó là cần một giải pháp đồng bộ. Từ nhiều phía: ngành giáo dục phải tiếp tục tích cực và chủ động tham mưu đổi mới công tác tuyển sinh, đồng thời tuyên truyền hướng dẫn sâu rộng về công tác tuyển sinh tới cha mẹ học sinh; các trường phải tích cực tự đổi mới, thật sự nâng cao chất lượng giáo dục, tự mình làm tăng sức hấp dẫn và tạo niềm tin đối với nhân dân, cha mẹ học sinh và học sinh trên địa bàn; mặt khác, các cấp quản lý phải có sự đầu tư toàn diện từ cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ, kể cả việc kiểm định chất lượng, đánh giá thi đua, xét và công nhận các danh hiệu đối với các trường khó khăn… Đặc biệt là chính quyền, các đoàn thể ở địa phương phải phối hợp đẩy mạnh sự quan tâm của toàn dân để xây dựng môi trường văn hóa, môi trường giáo dục, tạo cảnh quan sư phạm trong và ngoài trường, cải thiện các điều kiện giao thông và hạ tầng khác để các gia đình không phải lo ngại khi cho con em mình đến trường.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)