Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hà Nội: Cần giảm 2/3 số sinh viên ra các khu quy hoạch

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Sáng nay (7/6), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị trực tuyến về quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ dạy nghề và đề án di dời các trường ĐH, CĐ vùng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo kết quả rà soát mạng lưới trường và quy mô sinh viên ĐH, CĐ trên địa bàn nội thành của Hà Nội để xác định số lượng trường cần di dời ra các khu quy hoạch, tổng diện tích đất đai hiện có của 51 trường là 568,73ha.
Bình quân, số m2 diện tích đất đai/1 sinh viên quy chuẩn đạt khoảng 17,6 m2, bằng xấp xỉ 70,4% tiêu chí đất đai để xây dựng trường mà Bộ GD-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong điều kiện hiện nay. Gần 60% trong tổng số 51 trường có số liệu thống kê đất đai đang ở mức dưới bình quân, thậm chí có đến 20/51 trường chỉ có từ 0,2m2 đến 6m2/1 sinh viên quy chuẩn.

Đến năm 2030, Hà Nội cần giảm khoảng 320.000 SV

Trong 20 năm (từ 2011- 2030), Hà Nội phấn đấu giảm mật độ SV ĐH và CĐ đang học tại các cơ sở đào tạo trong nội thành TP Hà Nội từ 478.856 năm 2011 xuống còn khoảng 150.000 vào năm 2030. Như vậy, cần giảm 2/3 tổng số SV ĐH và CĐ đang học ở các cơ sở đào tạo trong nội thành hiện nay ra các khu quy hoạch và theo đó, cần giảm khoảng 320.000 SV, tương đương với số trường cần phải di dời là khoảng 40 trường.

Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình tại hội nghị trực tuyến

Tại TP.Hồ Chí Minh, số lượng sinh viên cần giảm trong khoảng thời gian 20 năm tới là 350.000, cũng tương đương với việc di dời khoảng 40 trường.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho biết TP thống nhất với tiêu chí di dời mà Bộ GD – ĐT và Bộ Xây dựng đưa ra. Hà Nội cũng đã chuẩn bị nguồn đất khoảng từ 3500 ha -4000 ha để chuẩn bị cho việc di dời theo yêu cầu. Cụ thể, nguồn đất tại huyện Gia Lâm từ 200- 250 ha, Sóc Sơn: 600- 650 ha; Sơn Tây: 300- 350 ha; Xuân Mai: 600- 650 ha… đồng thời cũng đã xác định các hạ tầng kỹ thuật phụ trợ khác.
“Về lộ trình thực hiện, với mong muốn sớm triển khai quy hoạch, giảm áp lực về giao thông, ô nhiễm nội đô hiện đang rất lớn, tuy nhiên do nguồn lực hạn hẹp nên trong 5 năm tới (2011- 2015), TP sẽ thí điểm di dời 5 trường ĐH; từ 2015 – 2020, di dời từ 15 – 20 trường và sẽ kết thúc vào năm 2030” – ông Phí Thái Bình cho biết.
Tuy nhiên, TP.HCM lại đẩy nhanh hơn lộ trình này. Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết trong khoảng thời gian từ năm 2015 – 2020 sẽ cơ bản di dời xong các trường CĐ, ĐH trong nội đô.
Về nhu cầu vốn để di dời 5 trường thí điểm trong giai đoạn đầu sẽ cần khoảng 600 triệu USD với cả hai TP (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng). Trong giai đoạn 2015-2020, nhu cầu vốn tương ứng từ 1,2 đến 1,8 tỷ USD (chưa tính các chi phí giải phóng mặt bằng).
Kết luận về lộ trình di dời, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ GDĐT tiếp tục bàn bạc với UBND TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về tiến độ, nhưng không nên kéo dài tới 2030 mà chậm nhất chỉ đến năm 2025.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý với ý kiến của Thứ trưởng Bộ CA Phạm Minh Chính về nguyên tắc giữ lại các trường đại học lớn có truyền thống lịch sử với kiến trúc đẹp trong nội đô của 2 thành phố.
Để tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện, Phó Thủ tướng cho rằng nên thành lập một Ban chỉ đạo cấp Quốc gia, đồng thời giao nhiệm vụ trước 10/7, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch xây dựng các trường ĐH, CĐ thuộc thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Bộ GD-ĐT và Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện báo cáo quy hoạch mạng lưới theo hướng chi tiết hơn, chậm nhất 20/6 trình Thủ tướng Chính phủ. Trong tháng 7/2011, các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh sẽ ký duyệt ban hành quy hoạch nhân lực cho ngành mình, đồng thời làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm rõ mạng lưới những cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành mình.
 

Theo T.Hoa

 (HNMO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)