Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hà Nội: Chuyển 35 trường công lập sang tự chủ tài chính

Tạp Chí Giáo Dục

Trong phiên họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội chiều 15/7, dù ủng hộ 100%, nhưng nhiều đại biểu còn băn khoăn về các mục tiêu thực hiện xã hội hóa (XHH) giáo dục và đào tạo của thành phố.
Một tiết học của học sinh lớp 9, Trường THCS Tân Trào (Hà Nội).
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho hay, đến năm 2015, sẽ thí điểm chuyển 30 đến 35 trường công lập có điều kiện tự đảm bảo toàn bộ chi phí thường xuyên và hoạt động theo mô hình cung ứng dịch vụ trình độ cao.
Trong đó, ở bậc mầm non: 20 trường, tiểu học: 5, THCS: 5, THPT: 3 và 2 trường TCCN.
Ngoài ra, đề án cũng xác định sẽ xây thêm 60-70 trường ngoài công lập ở các cấp từ mầm non đến TCCN. Tổng kinh phí thực hiện là 5.438 tỷ đồng.
Bà Hằng cho biết, phần lớn kinh phí huy động từ nguồn vốn XHH, chiếm khoảng 2/3, với 3.603 tỷ đồng. 1.835 tỷ đồng còn lại ngân sách thành phố sẽ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất “sạch” phục vụ XHH trước khi giao đất, tránh tình trạng một số dự án được chấp thuận địa điểm, giao đất nhưng các nhà đầu tư triển khai thực hiện chậm so với tiến độ.
Chủ trương nhận được đồng tình của số đông đại biểu nhưng cũng còn những băn khoăn. 
Ông Nguyễn Đức Biền (tổ Đông Anh) nhìn nhận, việc “kéo” được dự án đầu tư một mặt tạo điều kiện cho bà con có thêm mô hình mới lựa chọn, mặt khác đã đi đúng hướng. Tuy nhiên, về quản lý nhà nước cũng cần có những chế tài giám sát hoạt động của các cơ sở ngoài công lập trên địa bàn.
Theo ông Biền, cùng với việc tạo điều kiện để các nhà đầu tư “góp sức” thực hiện chủ trương XHH, cũng cần chế tài bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia dịch vụ. Tránh một số đơn vị “ma” mọc lên rồi giải thể ảnh hưởng đến quyền lợi người học.
Ở góc độ khác, ông Lê Anh Tuấn (tổ Gia Lâm) đề xuất, trong quản lý cấp phép đối với từng dự án cụ thể cũng cần gia hạn rõ thời gian, nếu trong vòng 2 hoặc 3 năm chưa giải phóng được mặt bằng thì nên ra quyết định thu hồi. Không để tình trạng quy hoạch “treo” đến 5 năm dự án vẫn “đóng băng” không chạy được.
Còn đại biểu Đào Xuân Dương, tổ Ba Đình cho rằng, để giảm thiểu gánh nặng ngân sách cho nhà nước cần có giải pháp đẩy tiến độ thí điểm tự chủ tài chính ở một số đơn vị công lập đủ điều kiện. Khi đó, ngân sách Nhà nước thay vì đầu tư dàn trải sẽ “rót” về những địa phương còn khó khăn….
Song song với đó, trong việc xem xét cử cán bộ đi bồi dưỡng đào tạo nâng chất lượng không nên phân biệt trường trường công lập và ngoài công lập – ông Dương kiến nghị. Cần có giải pháp công bằng cho các trường ngoài công lập nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Ghi nhận những ý kiến góp ý, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách Lê Văn Hoạt tiếp thu để bổ sung hoàn thiện Nghị quyết tiến đến không phân biệt đối xử trường công – tư, đồng thời, có chế tài giám sát điều hành các dự án hiệu quả…
Vẫn theo ông Hoạt, cùng với việc mở rộng các nhà đầu tư mà không giảm ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hướng đầu tư ngân sách sẽ hướng đến những vùng khó khăn, ít nhà đầu tư tìm đến. 
Kiều Oanh (Vietnamnet)

Bình luận (0)