Hơn 6 ngày qua, hàng trăm người dân hai xã Xuân Sơn (Sơn Tây) và Tản Lĩnh (Ba Vì) bủa vây, ngăn không cho xe vận chuyển rác vào đổ tại bãi rác Xuân Sơn và Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây. Gần 450 tấn rác thải ứ đọng không có chỗ “tiêu”.
Dân bức xúc vì ô nhiễm môi trường
Ngay tại cổng vào của nhà máy và bãi rác nằm trên địa bàn xã Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Nội, đông đảo người dân địa phương đã lập lán, túc trực bày tỏ bức xúc vì sự ô nhiễm trong quá trình xử lý rác thải và sự chậm trễ trong quá trình thực hiện dự án mở rộng bãi rác Xuân Sơn.
Theo phản ánh của người dân, rác thải tồn đọng quá nhiều do không được xử lý kịp thời và triệt để, cộng với mùi khói, mùi rác đốt khét của Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây đã khiến người dân xung quanh khu vực này không thể chịu nổi. Đại diện bà con cũng đã khẳng định việc ủng hộ chủ trương của thành phố trong việc mở rộng xây dựng bãi rác tại đây. Tuy nhiên, không ít những vấn đề liên quan đến người dân cần được giải quyết thoả đáng như: cơ chế, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, hệ thống cung cấp nước sạch, đường điện sinh hoạt, đường bê tông cùng sự hỗ trợ, chăm lo sức khoẻ cho người dân khu vực bị ô nhiễm …
Trước những bức xúc của người dân, thành phố Sơn Tây đã thành lập tổ công tác do ông Hà Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND thành phố, phụ trách khẩn trương làm việc với dân và một số ban, ngành liên quan, đặc biệt là chủ đầu tư của hai khu xử lý rác thải nhằm thống nhất hướng giải quyết những vướng mắc trên. Những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của dân nếu thuộc phạm vi của thành phố sẽ được giải quyết kịp thời.
Sáng 14/4, làm việc với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Quang Mạnh, Chủ tịch UBND thành phố Sơn Tây cho biết, về vấn đề ô nhiễm môi trường tại Nhà máy xử lý rác thải Sơn Tây của Công ty CP Công nghệ môi trường Xanh Seraphin, UBND thành phố đã chính thức có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường, Chi cục Bảo vệ Môi trường thành phố Hà Nội thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra toàn bộ hoạt động của nhà máy. Thành phố kiến nghị, trước mắt nhà máy này dừng nhập rác mới, tập trung xử lý số rác thải còn tồn đọng đã chôn lấp không đúng quy trình trong khu vực nhà máy; có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường do khói của lò đốt gây ra và do tiếng ồn khi sản xuất ban đêm.
Đối với Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Sơn Tây, UBND thành phố yêu cầu có trách nhiệm thực hiện nghiêm quy trình chôn lấp rác theo đúng quy định; kiểm tra lại hệ thống xử lý nước thải từ các hố chôn lấp và báo cáo bằng văn bản xin chủ trương lập dự án đầu tư hoàn chỉnh hệ thống nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh.
Thành phố cũng nhất trí chủ trương triển khai lập dự án di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường để trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt; đồng thời giao cho UBND xã Xuân Sơn làm chủ đầu tư lập dự án di dân liên quan đến các hộ trong phạm vi bán kính 500m, kể từ hàng rào khu xử lý rác thải Sơn Tây và Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Seraphin.
Bắt đầu từ ngày 13/4, thành phố đã giao cho Ban đầu tư xây dựng thành phố và Công ty cấp nước sạch Sơn Tây đấu nối nước sạch từ đường trục chính đến từng hộ dân và phải hoàn thành trước ngày 20/4. 100% kinh phí thực hiện này sẽ được thành phố hỗ trợ. Người dân các thôn: An Sơn, Lễ Khê và Xuân Khanh cũng sẽ được Phòng y tế phối hợp với các bệnh viện tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí theo đình kỳ một năm 2 lần. Hàng tháng, phòng y tế cấp miễn phí thuốc diệt ruồi cho nhân dân 3 thôn.
Tuy nhiên, về việc xây dựng đường bê tông và đường điện sinh hoạt cho người dân thôn An Sơn, thành phố giao cho UBND xã Xuân Sơn kiểm tra, nếu thuộc phạm vi vùng đệm phải di chuyển thì không tiến hành đầu tư, chỉ tạm thời khắc phục. Đối với chế độ phụ cấp cho nhân dân trong phạm vi ảnh hưởng của khu vực xử lý rác thải, thành phố Sơn Tây sẽ báo cáo UBND thành phố Hà Nội xem xét giải quyết.
Xử lý rác: Nơi quá tải, nơi chưa hết công suất
Ông Lê Văn Thục, Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Sơn Tây cho biết: Khu xử lý rác thải Sơn Tây (đặt tại xã Xuân Sơn) phục vụ chôn lấp và xử lý rác cho thành phố Sơn Tây và 6 huyện lân cận. Diện tích ban đầu của dự án là 4ha, công suất thiết kế 40- 50 tấn/ngày, sau đó được mở rộng thêm 9ha vào năm 2002 (trong đó có 3ha cắt giao cho Công ty CP Công nghệ môi trường xanh Seraphin xây dựng 1 Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt). Giai đoạn I của khu xử lý hiện chỉ dừng ở chôn lấp đơn giản.
Đến nay, toàn khu có 10 hố chôn rác với công suất hoạt động hơn 80 tấn/ngày. Dự kiến, đến cuối năm 2009 sẽ hết khả năng tiếp nhận rác. Vì vậy, từ năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã quyết định thu hồi 13ha đất thuộc xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) nằm sát dự án để mở rộng khu xử lý rác. Dự án đã triển khai đo đạc, phê duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, nhưng do kinh phí hạn hẹp, tỉnh Hà Tây (cũ) lại thu hồi quyết định và tạm dừng dự án khiến người dân xã Tản Lĩnh rất bức xúc.
Sau khi sáp nhập, UBND thành phố Hà Nội đã cho phép tiếp tục triển khai dự án. Cuối năm 2008, thành phố đã bố trí một phần kinh phí là 22 tỷ đồng. Hiện công ty đã hoàn thành điều chỉnh dự án theo cơ chế, chính sách mới với tổng kinh phí 44 tỷ đồng và đang chờ phê duyệt làm cơ sở triển khai. Tuy nhiên, vướng mắc chủ yếu nằm ở chỗ, công ty chỉ làm chủ đầu tư phần xây dựng, mở rộng khu xử lý; phần giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư lại do UBND huyện Ba Vì làm chủ đầu tư. Cho đến ngày 14/4/2009, nguồn kinh phí này mới bắt đầu được chi trả cho các hộ dân.
Ông Thục cũng thừa nhận, do quá tải nên đôi khi vào mùa mưa, nước thải từ khu xử lý chôn lấp này đã tràn ra thôn Lễ Khê làm ảnh hưởng đến năng suất lúa của địa phương. Một số giếng nước của nhà dân cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, vì là hố chôn lấp đơn giản nên khi san rác không thể tránh khỏi mùi hôi gây ô nhiễm không khí.
Lo lắng về tình trạng rác đang ứ đọng tại các các điểm trung chuyển trong thành phố, ông Phan Văn Tiến – Đội trưởng Đội Môi trường số 5 (thuộc Công ty Môi trường và công trình đô thị Sơn Tây) cho biết: Hiện nay, 10 đầu xe chứa đầy rác của công ty đang “nằm cứng” tại bãi rác do dân ngăn không cho đổ rác xuống khu xử lý. Còn ngay tại một vị trí trung tâm thành phố như: vườn hoa, bến xe ô tô, ngã ba Viện Quân y 105, làng cổ Đường Lâm,… trung bình mỗi địa điểm đang tồn khoảng 30- 40 tấn rác. Công ty đang phải phun thuốc sát trùng ngày hai lần và phủ bạt để giảm bớt mức độ ô nhiễm. Tuy nhiên, dân cư xung quanh các khu vực này cũng đang rất bức xúc, không đồng ý cho để rác ở đây vì sợ bị ô nhiễm.
Ông Tiến băn khoăn: nếu dự án mở rộng khu xử lý rác không được đẩy nhanh tiến độ thì hậu quả là rất lớn khi hệ thống xử lý rác thải đã trở nên quá tải.
Trong khi đó, 3ha thuộc dự án bàn giao cho Công ty Seraphin xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhà máy đã hoạt động từ tháng 4/2008 với công suất xử lý rác theo thiết kế là 200 tấn rác/ngày nhưng đến nay mới chỉ có 1 trong 2 dây chuyền đi vào hoạt động với công suất 50- 70 tấn/ngày. Chủ yếu là tiếp nhận, xử lý nguồn rác của thành phố Hà Đông đưa lên.
Ông Nguyễn Văn Bình, cán bộ phụ trách hành chính- kế toán nhà máy cho biết, trong thời gian qua, nhà máy chỉ xử lý được 80% rác nhập về, còn một số loại rác khó phân huỷ như giẻ rách, chất rắn… vẫn chưa được xử lý triệt để. Do đó, lượng rác luôn tồn đọng xung quanh nhà máy lên tới 100 tấn.
Mặc dù đã xây dựng hệ thống khử mùi nhưng ông Bình vẫn không thể phủ nhận những bức xúc của người dân về mùi khói, mùi rác đốt hôi, khét toả ra trong quá trình xử lý rác. Hiện tại, nhà máy vẫn đang tiếp tục lắp đặt dây chuyền hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường. Dự kiến, tháng 5 tới sẽ hoàn thiện công nghệ sản xuất viên đốt công nghiệp từ rác.
Sau những sự cố tại các bãi rác lớn trên địa bàn Thủ đô như: Nam Sơn (Sóc Sơn), Núi Thoong (Chương Mỹ) và đặc bịêt là những gì đang xảy ra tại bãi rác Xuân Sơn cho thấy: đã đến lúc các địa phương cần có những biện pháp cụ thể về việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, tránh gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, cùng với việc quy hoạch các điểm tập kết rác thải đạt chuẩn, các cấp, các ngành liên quan của thành phố cũng cần đầu tư kinh phí cho các dự án mang tính công ích này.
Nghĩa – Trà
TTXVN
Bình luận (0)