Với số nợ gần 3.000 tỉ đồng, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Hà Nội quyết tâm xử lý các doanh nghiệp nợ BHXH để bảo vệ quyền lợi người lao động. ẢNH NGỌC THẮNG
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó giám đốc phụ trách bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội, mặc dù cơ quan này đã tìm nhiều biện pháp giảm tỷ lệ nợ đọng ngay từ đầu năm, tuy nhiên tình hình nợ BHXH vẫn không có chuyển biến tích cực. Tính đến hết tháng 6.2017, số tiền nợ BHXH là 2.938 tỉ đồng, với số lao động là 682.405 người, cao nhất cả nước (chiếm 8,8% tổng số thu năm 2017).
Đáng chú ý, những doanh nghiệp (DN) nợ đọng BHXH tập trung trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, giao thông, bất động sản, cơ khí, dệt may… Tính đến tháng 6, BHXH Hà Nội cũng đã chuyển 144 hồ sơ DN nợ BHXH đề nghị Liên đoàn lao động khởi kiện với số tiền nợ là 153.313 tỉ đồng.
Lý giải tình trạng trên, ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng: “Nguyên nhân chính vẫn là do tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều DN trên địa bàn gặp khó khăn, không ít DN đã ngừng hoạt động, đơn phương chấm dứt giao dịch với cơ quan BHXH. Khi cơ quan BHXH kiểm tra, nhiều DN không có địa chỉ rõ ràng, chỉ còn bảo vệ hoặc chỉ có duy nhất 1 lao động tại đó.
Cùng với đó, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành liên quan trong công tác nợ đọng và trốn đóng BHXH chưa quyết liệt. Việc xử lý vi phạm còn chậm và qua nhiều khâu, nhiều cấp, do vậy hiệu quả đạt được chưa cao”.
Ông Lê Đình Hùng, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP.Hà Nội cũng cho biết: “Nhiều DN thực hiện chế độ BHXH không đầy đủ, có DN nợ 6 tháng, có DN nợ 1 năm, thậm chí vài chục tháng. Khi chúng tôi tiếp xúc với người lao động họ rất bức xúc, bởi không chỉ bản thân mà gia đình họ cũng bị ảnh hưởng khi giải quyết các chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tử tuất…”
Sẽ hoàn thiện hồ sơ khởi kiện ra tòa
Để khắc phục tình trạng trên ngày 20.7, các cơ quan liên ngành của Hà Nội gồm: BHXH, Sở Công an, Sở LĐ-TB-XH, Liên đoàn lao động và Cục Thuế đã phối hợp đưa ra các biện pháp giải quyết, nhằm giảm tỷ lệ nợ BHXH đến cuối năm 2017 xuống dưới 4%.
Ông Lê Đình Hùng, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP.Hà Nội đề nghị: “6 tháng cuối năm, cần lựa chọn các DN lớn làm thí điểm hoặc khoanh vùng từ 5 – 10 DN nợ đọng số tiền lớn, xử lý mạnh tay làm gương cho các DN khác”.
Ông Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP.Hà Nội cũng cho biết, trong quá trình triển khai các biện pháp nghiệp vụ, công an sẽ thông báo kịp thời cho BHXH cùng cấp về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trong lĩnh vực BHXH và các hành vi vi phạm pháp luật khác, để BHXH có kế hoạch phối hợp và chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả.
Bên cạnh đó, Cục thuế Hà Nội đã cam kết, trong quá trình thực hiện quản lý về thuế, thanh kiểm tra về thuế, nếu phát hiện vi phạm chế độ BHXH, đình kỳ hàng tháng sẽ thông tin ngay cho BHXH cùng cấp để có biện pháp quản lý.
Là cơ quan có trách nhiện giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Đức Hòa khẳng định, trong 6 tháng cuối năm sẽ tập trung các biện pháp thu hồi nợ, hoàn thiện hồ sơ khởi kiện ra tòa đối với các đơn vị nợ đọng BHXH.
“Ngày 20 hàng tháng, BHXH sẽ thành lập các đoàn công tác xuống các khu công nghiệp đối thoại, giải quyết các vướng mắc liên quan đến BHXH tại các DN, nhất là các DN nợ đọng BHXH. Cùng với đó, BHXH Hà Nội sẽ cung cấp các DN vi phạm pháp luật về trốn đóng, nợ BHXH từ 3 tháng trở lên cho các bên phối hợp và cung cấp danh sách các đơn vị, DN nợ BHXH cần phải khởi kiện cho tổ chức công đoàn”.
Thu Hằng/TNO
Bình luận (0)