Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Hà Nội: Đào tạo nghề cho hơn 200.000 lao động nông thôn trong giai đoạn 2011 – 2015

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 150/KH-UBND về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn 2011 – 2015.
 
Ảnh minh họa.

Theo đó, trong giai đoạn này, UBND TP. Hà Nội sẽ tiến hành đào tạo nghề cho 215.000 người, trong đó 205.000 người được đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng; 10.000 người là người dân tộc thiểu số thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo và hộ cận nghèo.
 
Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 70%; 100% cán bộ chủ chốt từ cấp xã đến TP được phổ biến Quyết định 1956 và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Kế hoạch của TP. 100% xã, phường tuyên truyền những nội dung cơ bản của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ban hành kèm theo Quyết định 1956, các văn bản của thành phố trên hệ thống phát thanh tại địa bàn.
 
Theo Đề án, đối tượng đào tạo nghề gồm 3 nhóm: Nhóm 1: Lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác. Nhóm 2: Lao động nông thôn thuộc diện hộ cận nghèo. Nhóm 3 gồm các lao động nông thôn khác.
 
Các lao động phải đáp ứng các yêu cầu: Trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Riêng những người không biết đọc, viết có thể tham gia học những nghề phù hợp thông qua hình thức kèm cặp, truyền nghề; Có nhu cầu học nghề; Có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội; Chưa được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc từ ngân sách TP để học nghề. Trường hợp lao động nông thôn trong độ tuổi lao động đã được ngân sách nhà nước hoặc TP hỗ trợ học nghề, nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì tiếp tục được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề nghiêp, tạo việc làm nhưng không quá 3 lần.
 
Phạm vi dạy nghề cho lao động nông thôn được phân chia thành 3 nhóm: nghề nông, lâm nghiệp, thủy sản; dạy nghề phi nông nghiệp và những nghề được bổ sung hàng năm phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động…
 
Mục tiêu của kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề, gắn đào tạo nghề với tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập của lao động nông thôn; Góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 21%.
Theo KD
(eFinance Online)

Bình luận (0)