Từ năm 2018, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở đào tạo, trường học phối hợp các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh phát triển các hình thức thẻ học đường để thu học phí, các dịch vụ và các khoản chi tiêu công bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiện nay có nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Ngọc Dương
Hiện tại, Hà Nội có 1,8 triệu học sinh các cấp. Việc thu học phí cùng nhiều khoản phí khác tại các trường học phần lớn vẫn thực hiện theo hình thức nộp tiền mặt.
Nhiều giáo viên (GV) cho biết, việc thu học phí và các khoản thu khác bằng tiền mặt khiến GV thêm áp lực vì phải đứng ra thu tiền của học sinh (HS), nhắc nhở các gia đình. HS nộp rải rác nên phải chờ thu đủ rồi mới nộp cho bộ phận tài vụ của trường nên rất lo làm mất tiền của HS. Đã có không ít trường hợp GV phải bỏ tiền túi ra đền do đánh mất hoặc lúc thu không kiểm đếm kỹ dẫn đến bị thiếu hụt.
Về phía phụ huynh, việc thu học phí bằng tiền mặt cũng gây rất nhiều phiền toái. Có trường không yêu cầu GV thu tiền của HS thì phụ huynh phải đến trường nộp trực tiếp cho bộ phận tài chính. Không ít trường hợp phải nghỉ cả buổi làm để đến trường xếp hàng nộp học phí cho con, rất bất tiện.
Do vậy, nhiều GV ủng hộ việc sử dụng thẻ học đường để đóng học phí vì giúp tiết kiệm thời gian, công sức của cả phụ huynh HS lẫn nhà trường. Bên cạnh đó, việc thu học các khoản phí qua thẻ sẽ giúp các cơ quan quản lý kiểm soát tốt hơn vấn đề thu chi của các cơ sở giáo dục, hạn chế lạm thu.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, một số trường áp dụng việc thu học phí bằng chuyển khoản ngân hàng hiện vẫn khá máy móc. Hầu hết các trường chỉ có duy nhất tài khoản của một ngân hàng nên buộc nhiều phụ huynh phải chuyển khoản liên ngân hàng, vừa rắc rối hơn lại vừa mất phí cao. Vì vậy, các trường có thể có nhiều tài khoản của nhiều ngân hàng lớn để phụ huynh có thể lựa chọn thì việc nộp tiền sẽ dễ dàng hơn mà không phải mất phí.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết việc khuyến khích các trường thu học phí qua hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ của ngành giáo dục theo kế hoạch của UBND TP.Hà Nội triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020. Trong đó, Hà Nội tập trung tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt, tạo sự chuyển biến về hình thức thanh toán này trên toàn TP, thay đổi dần tập quán sử dụng tiền mặt trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
Để đạt các chỉ tiêu theo kế hoạch này, Hà Nội đưa ra các giải pháp như: phát triển thanh toán điện tử và dịch vụ thanh toán bán lẻ; đẩy mạnh thanh toán điện tử các dịch vụ hành chính công… Mục tiêu đến cuối năm 2020, 60% cá nhân, hộ gia đình sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)