Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hà Nội đẩy mạnh thi đua xây dựng trường học hạnh phúc

Tạp Chí Giáo Dục

Để tiếp tục thi đua xây dựng trường học hạnh phúc, ngành giáo dục Hà Nội vừa tổ chức phát động đẩy mạnh phong trào này đến các trường học trên địa bàn. Chương trình góp phần thực hiện mục tiêu đưa Hà Nội trở thành Thành phố học tập do UNESCO công nhận.

Tại ngày hội phát động, nhiều hoạt động giáo dục xây dựng trường học đã được các trường giới thiệu.

Để học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Với môn tạo hình máy bay từ các vật dụng vỏ sữa, bìa màu, băng dính, kéo, hồ dán… các bé mẫu giáo Trường MN Ngọc Thụy (Q.Long Biên) hào hứng tham gia thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Cô Nguyễn Thị Bích Hoa – giáo viên lớp mẫu giáo lớn Trường MN Ngọc Thụy chia sẻ môn tạo hình được thực hiện theo phương pháp giáo dục STEM giúp trẻ được trải nghiệm, rèn các kỹ năng như cầm kéo cắt, sắp xếp, dán… để tạo ra sản phẩm. Đặc biệt, môn tạo hình máy bay được thực hiện từ các nguyên liệu gần gũi trong cuộc sống hàng ngày đã thu hút trẻ tham gia tích cực, vui vẻ và thỏa sức sáng tạo. Đây cũng chính là những mục tiêu giáo dục mà nhà trường hướng đến để trẻ phát triển toàn diện phẩm chất, kỹ năng, mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các bé mẫu giáo Trường MN Ngọc Thụy sáng tạo mô hình máy bay từ những sản phẩm thân thiện

Cũng tham gia Câu lạc bộ STEM ở trường, Nguyễn Đức Long học sinh Trường THCS Ái Mộ (Q.Long Biên) bày tỏ bản thân cảm thấy vui khi được áp dụng kiến thức, kỹ năng qua làm đề tài, dự án thực tế. “Với con, đây là những trải nghiệm thú vị sau nhiều giờ học thêm căng thẳng. Qua các dự án STEM, con cùng các bạn được khám phá, sáng tạo các sản phẩm dựa trên kiến thức khoa học, công nghệ, toán học. Điều này giúp con rèn luyện tư duy, làm việc nhóm và có thêm nhiều động lực học tập tốt hơn”.

Ngoài giáo dục STEM, học sinh các trường còn được tham gia học tập ở nhiều hoạt động như một ngày làm đầu bếp, đọc sách qua thư viện số, tham gia âm nhạc, trò chơi dân gian… Các hoạt động hướng đến khuyến khích sự trải nghiệm, phát triển các kỹ năng của học sinh. Chị Phạm Đoan Trang – phụ huynh học sinh Minh Hương lớp 4A3, Trường Tiểu học Long Biên (Q.Long Biên) đánh giá những mô hình, phương pháp giáo dục các trường đang triển khai không chỉ khuyến khích sự sáng tạo mà còn phát triển kỹ năng sống cho học sinh. “Như con gái tôi mới học lớp 4 nhưng đã có tính tự lập cao trong học tập và cả trong cuộc sống. Con tự đi học bằng xe đạp, biết tham gia giao thông an toàn. Mỗi ngày về nhà con đều kể những câu chuyện vui trên trường cho mẹ nghe từ việc học cho đến bữa ăn trưa. Thấy các con vui vẻ, yêu mến thầy cô, bạn bè, không áp lực học tập khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và yên tâm, tin tưởng vào nhà trường”, chị Trang bày tỏ.

Xây dựng trường học hạnh phúc bằng nhiều mô hình, giải pháp

Theo các nhà quản lý giáo dục, trường học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, mà còn là môi trường hình thành nhân cách, phát triển tâm hồn cho thế hệ trẻ. Một trường học hạnh phúc là nơi mà mỗi học sinh được tôn trọng, lắng nghe và cảm nhận được sự yêu thương từ thầy cô, bạn bè; là nơi mà niềm vui và hạnh phúc của thầy cô và học sinh được lan tỏa.

Bà Tạ Thị Thanh Vân – Phó Hiệu trưởng Trường MN Đô thị Việt Hưng (Q.Long Biên) cho biết, trường học hạnh phúc là nơi mà mỗi ngày trẻ đến trường không chỉ là quá trình học tập, khám phá bản thân mà luôn cảm thấy thân thiện, an toàn, cảm nhận được sự yêu thương từ cô giáo, bạn bè. Trẻ được tiếp thu kiến thức, kỹ năng, được bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình bởi giáo viên – những người dẫn dắt, tạo ra những giờ học thú vị từ đó giúp trẻ được phát triển toàn diện.

Các trò chơi dân gian không chỉ giáo dục văn hóa truyền thống mà còn mang lại niềm vui cho học sinh

Hiện nay các trường học trên địa bàn Hà Nội đã và đang tích cực hưởng ứng xây dựng trường học hạnh phúc theo 15 tiêu chí trong Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc bằng nhiều giải pháp. Tại Trường MN Ngọc Thụy (Q.Long Biên) xác định mỗi một cá thể trong trường học đều là nhân tố quyết định để tạo nên ngôi trường hạnh phúc đặc biệt là giáo viên. “Giáo viên sẽ là người định hướng, đi đầu trong việc phát triển, xây dựng trường học này. Giáo viên có hạnh phúc thì các con mới hạnh phúc và xây dựng được một ngôi trường thực sự hạnh phúc dành cho cả cô trò. Do đó, ngoài tập huấn chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học nhà trường còn mời các chuyên gia, trung tâm đến tập huấn, bồi dưỡng phát triển kỹ năng, nghiệp vụ cho giáo viên và cả nhân viên”, bà Trần Minh Phương – Phó Hiệu trưởng Trường MN Ngọc Thụy chia sẻ.

Trường MN Đô thị Việt Hưng cũng xác định trường học hạnh phúc được xây dựng bởi nhiều yếu tố như tạo những góc xanh, sạch, đẹp, an toàn, tạo nhiều sân chơi, môi trường thân thiện để trẻ được vui chơi, học tập thoải mái và tự tin. Bên cạnh đó, theo bà Tạ Thị Thanh Vân – Phó Hiệu trưởng nhà trường, xây dựng trường học hạnh phúc còn từ chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp đến các nhà trường và không thể thiếu sự đồng hành của cha mẹ học sinh. “Mỗi trẻ có những cá tính riêng rất cần gia đình cùng giáo viên nuôi các con trở thành người khôn ngoan về nhận thức, kỹ năng, hành vi lễ giáo. Để có sự song hành này, các buổi họp phụ huynh đầu năm nhà trường đưa ra những nội dung, chương trình xây dựng ngôi trường học hạnh phúc để phụ huynh nắm và cùng tham gia”, bà Vân thông tin.

Việc phối hợp với cha mẹ học sinh xây dựng trường học hạnh phúc cũng được Trường THCS Ái Mộ chú trọng bên cạnh công tác bồi dưỡng, hướng dẫn, tập huấn giáo viên thực hiện những yêu cầu trong bộ tiêu chí trường học hạnh phúc. “Trường học hạnh phúc thì ở đó thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc, và quan trọng gia đình học sinh cũng hạnh phúc thì các em trở thành nhân tố hạnh phúc trọn vẹn. Cho nên, sự phối hợp giữa cha mẹ học sinh vào xây dựng trường học hạnh phúc là vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao sự kết nối giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong công tác giáo dục”, bà Phạm Thị Hải Vân – Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Minh Phương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)