Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hà Nội: Hiểm nguy rình rập học đường

Tạp Chí Giáo Dục

Những vụ việc gây bức xúc dư luận thời gian qua như học sinh (HS) đánh nhau, đưa clip lên mạng, chơi game… và xóa các quán game cách cổng trường 200m vẫn chưa thể triệt để. Điều đáng nói là tính chất côn đồ của HS hết sức manh động…
Khó xóa các điểm “đen” ngoài cổng trường
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Hiếu cho biết, đến cuối tháng 12-2010 số cửa hàng kinh doanh internet không đúng quy định (cách cổng trường dưới 200m) vẫn còn 80 điểm. Ông Hiếu nói, nhờ sự phối hợp của cơ quan công an số cửa hàng kinh doanh internet không đúng quy định đã giảm từ 588 điểm (tháng 11-2010) xuống còn 80 điểm (tháng 12-2010). Đây được coi là các điểm “nóng” tồn tại quanh khu vực trường thường lôi kéo HS tụ tập gây mất trật tự an ninh, an toàn trường học.
Trước đó, sở đã tiến hành khảo sát thực trạng HS chơi game online ở 1.121 trường học (từ tiểu học, THCS, THPT) với tổng số 370.387 HS tham gia trả lời phiếu phỏng vấn theo mẫu. Kết quả cho thấy, hầu hết các em trả lời từng đến đại lý internet để chơi game online trong khoảng từ 1 tới hơn 10 lần/tuần. Gần nửa số HS trả lời chơi vào ngày thường, trong giờ hành chính. Các game được các em chơi nhiều như: Games play, Kiếm thế, Đột kích, Thời trang, Gunny, Audition… Tiền chơi chủ yếu từ bố mẹ, tiền tiết kiệm ăn sáng, đóng học phí.
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó trưởng phòng Công tác HSSV (Sở GD-ĐT Hà Nội), hầu hết HS sử dụng internet, nhiều em đã sử dụng cách đây vài năm. Các em truy cập khá thường xuyên và thời lượng cũng tương đối cao. Mục đích truy cập khác nhau, như truy cập phục vụ cho việc học tập, bổ sung nâng cao hiểu biết… nhưng cũng phát sinh những tiêu cực, mà tiêu biểu đã xảy ra một số vụ đánh nhau, nguyên nhân chính là do sử dụng internet dẫn đến mâu thuẫn.
Giả công an phạt người đi đường
Về các vụ việc xảy ra gây bức xúc dư luận, lãnh đạo ngành GD-ĐT cũng thẳng thắn thừa nhận: Vẫn còn một số vụ việc nổi cộm trong các nhà trường, cần được chấn chỉnh. Đó là việc HS đánh nhau, quay clip đưa lên mạng, vụ HS Trường THPT Lômônôxốp, Đinh Tiên Hoàng đóng giả công an phạt người đi đường, nhân viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) thuê người đánh thầy Hiệu trưởng… Đặc biệt là tình trạng HS chơi game online, cơ quan quản lý vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu…
Khi nhìn lại những vụ gây mất an ninh trật tự trường học thời gian qua, đại diện nhiều trường cũng đưa ra nhận định: Nhiều vụ việc xảy ra ngoài nhà trường, nếu không có sự vào cuộc của lực lượng công an, bản thân trường không thể tháo gỡ được. Điểm lại vụ việc gây mất an ninh trật tự trường học gần đây, ông Nguyễn Đức Doanh – Hiệu trưởng Trường THPT Minh Phú, Sóc Sơn cho biết, có những vụ việc nhìn thấy HS trường mình bị đánh mà lực lượng bảo vệ cũng như hiệu trưởng không thể can thiệp trước tính manh động của đám côn đồ. Theo ông Nguyễn Đức Doanh, mới đây, một HS của trường vừa rút xong hồ sơ xin chuyển trường đã thuê năm thanh niên đi xe máy đến trường để đón đánh một HS khác. Kết quả là HS này bị dập xương cánh tay, vỡ khuỷu tay và phải khâu 5, 6 mũi trên đầu.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Doanh, với kinh nghiệm 10 năm làm quản lý và phối hợp công tác với nhiều trường ngoài công lập, thì có thể thấy những vụ việc đánh nhau của HS diễn ra ngày càng tinh vi, manh động và gây hậu quả không nhỏ. “Chỉ từ năm 2009 đến nay, khu vực trường chúng tôi đã xảy ra 3, 4 vụ HS thuê lực lượng côn đồ từ nơi khác đến, mang theo cả hung khí… để đánh HS trường chúng tôi. Có vụ số thanh niên tập trung đông hàng chục người, công an địa phương cũng còn khó can thiệp được nói gì đến hiệu trưởng và bảo vệ nhà trường”.
Gia đình không thể ngoài cuộc
Chỉ nói riêng những vụ việc trên cũng đã thấy mức độ nghiêm trọng do HS gây ra mà chỉ để nhà trường giải quyết thì không khả thi. Cụ thể là với sự vào cuộc sớm của CATP, đối tượng thuê người hành hung gây thương tích cho Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông khiến dư luận xã hội cũng như thầy cô trong ngành rất bức xúc đã được điều tra làm rõ. Theo ông Hiếu, vụ việc này cũng đã gây khiếu kiện và đơn thư kéo dài nhưng một số cá nhân, cán bộ bất hợp tác khiến sự việc kéo dài ảnh hưởng tới hoạt động dạy và học trong nhà trường.
Ông Nguyễn Hữu Hiếu cũng cho rằng nguyên nhân của những vụ việc gây mất an ninh trật tự trường học là do sự phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong việc quản lý HS còn thiếu chặt chẽ. Trong khi môi trường sư phạm còn bị ảnh hưởng bởi một bộ phận giáo viên chưa gương mẫu thì đồng thời còn chịu tác động xấu từ bên ngoài bởi hàng quán, tụ điểm xung quanh trường học và cả từ lối sống ích kỷ, vô cảm ngay trong gia đình, xã hội…
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)