Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Hà Nội khai thác du lịch di sản còn èo uột

Tạp Chí Giáo Dục

 Nếu như các tỉnh miền Trung được đánh giá là khai thác tốt, hiệu quả các di sản văn hóa để phát triển du lịch thì Hà Nội lại chưa tận dụng được lợi thế này.
Khách đến thăm Văn Miếu
Với 5.175 di tích và 1.095 lễ hội dân gian, chưa kể tới 3 di sản được UNESCO vinh danh trong năm 2010 là: 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới, khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hà Nội đã chiếm tới 40% di tích của cả nước. Đây là một nguồn vốn lớn để khai thác phát triển loại hình du lịch văn hóa, nhưng trên thực tế Hà Nội vẫn chưa có một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh nào được khai thác từ nguồn di sản này để hấp dẫn khách.
Hầu như điểm đến trong các tour du lịch Hà Nội đều là những địa chỉ quen thuộc như: Hồ Tây, đền Quán Thánh, Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, chợ Đồng Xuân, phố cổ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm bảo tàng và kết thúc là xem múa rối nước. Chẳng thế mà anh Đinh Văn Phương (hướng dẫn viên tự do) cho hay, câu cửa miệng mà các hướng dẫn viên truyền nhau khi đi tour Hà Nội là “sáng bảo tàng, tối múa rối nước”. 
Với sản phẩm du lịch đơn điệu như vậy, khách du lịch tới Hà Nội nhưng lại không thể cảm nhận được những giá trị văn hoá đặc thù và tiêu biểu của mảnh đất nghìn năm văn hiến như những gì họ được nghe, được kể, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Trong 3 di sản văn hoá thế giới của Hà Nội được UNESCO vinh danh năm 2010 mới chỉ có bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là điểm du lịch truyền thống được khai thác lâu năm, song vẫn chưa thu hút được lượng khách tương xứng. Hoàng Thành Thăng Long chỉ mới khai thác du lịch phần lộ thiên, còn toàn bộ phần khảo cổ hấp dẫn nhất vẫn chưa cho phép tiếp nhận khách ngoài dịp mở cửa đặc biệt trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hội Gióng cũng mới chỉ là sản phẩm du lịch có tính thời điểm chứ chưa được chú trọng khai thác trong tour tuyến hút khách.
Nguyên nhân của tình trạng này được nhiều doanh nghiệp du lịch lý giải: Do đường sá đi lại không thuận tiện, rất dễ gặp tắc đường vào giờ cao điểm; nhiều di tích nằm sâu trong làng mà đường làng lại nhỏ hẹp, lầy lội, xe ôtô không vào được; nhiều di tích không được quan tâm, bị xuống cấp nghiêm trọng.
Tuy nhiên, đây chỉ là sự giải thích từ một phía. Các chuyên gia du lịch nhận định, thiếu hướng dẫn viên có am hiểu sâu sắc về điểm đến, truyền tải được giá trị của điểm đến tới du khách cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến các hãng lữ hành không dám mạo hiểm đưa khách đi xa. Thêm vào đó là ý thức của người dân tại những điểm du lịch vẫn còn thiếu. Môi trường lễ hội, trong đó có vấn đề vệ sinh, nạn chen lấn, trộm cắp vặt, “chặt chém” du khách, xả rác bừa bãi khiến cho các đơn vị lữ hành ngại dẫn khách đến các lễ hội dân gian truyền thống. Và cũng phải đề cập đến chính sách vĩ mô từ các nhà quản lý du lịch chưa thực sự hiệu quả… nên những di sản Hà Nội vẫn chưa thể thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh để chào bán tới du khách quốc tế.
Ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, trong quy hoạch phát triển, ngành du lịch Hà Nội đã và đang tập trung xây dựng 3-4 tuyến điểm du lịch văn hóa nổi bật để quảng bá thu hút khách, trong đó đặc biệt chú ý tới việc kết nối tour từ phố cổ tới làng nghề. Chẳng hạn như khách tới Hà Nội không chỉ đơn thuần là ngắm phố phường, bảo tàng mà còn ghé thăm quan tìm hiểu tổ nghề lụa tại Vạn Phúc (nơi thờ bà Lã Thị Nga đưa nghề dệt lụa về nơi đây hơn 1.000 năm trước), hoặc xem những bức tranh thêu bày bán ở phố cổ, rồi về Quất Động (Thường Tín) (nơi thờ cụ Lê Công Hành) để tìm hiểu tổ nghề thêu và tận mắt chứng kiến người dân làm nghề. Còn với 3 di sản văn hóa được UNESCO công nhận và một số điểm văn hóa nổi bật, ngành du lịch đã lập một đề án riêng trong việc quy hoạch và phát triển. Bên cạnh việc phối hợp với Văn phòng UNESCO mở lớp đào tạo hướng dẫn viên di sản, ngành du lịch Hà Nội và các ngành hữu quan cũng lập đề án tái tạo Hoàng thành Thăng Long bằng công nghệ 3D để du khách có cái nhìn trực quan, hiểu sâu hơn về khu di tích./.
Theo T.Tâm – Q.Hoa
(VEN)
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)