Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hà Nội: Khi “lạm thu” núp dưới danh nghĩa “tự nguyện”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vào đầu năm học mới, các bậc phụ huynh lại nặng gánh nỗi lo “mùa tiền trường”. Mặc dù các khoản thu đều được thông báo công khai nhưng với chiêu bài “tự nguyện”, nhiều phụ huynh vẫn phải ngậm ngùi “đóng góp” ngoài quy định dưới danh nghĩa “xã hội hóa”.

Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu, loạn thu trong các cơ sở giáo dục. Trong đó có việc các cơ sở giáo dục lạm dụng chủ trương xã hội hoá; Sự hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ của Hội phụ huynh…

Như chúng ta đã biết, Nghị quyết số 05/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao có nêu rõ: “Thực hiện xã hội hóa nhằm hai mục tiêu lớn: Thứ nhất là phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục, thể thao; thứ hai là tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng thành quả giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục, thể thao ở mức độ ngày càng cao…”. Song trên thực tế, nhiều cơ sở giáo dục đã cố tình lạm dụng chủ trương này để tăng các khoản đóng góp gây bất bình và bức xúc cho phụ huynh. Và các khoản thu ngoài quy định này được hợp lý hoá thông qua Hội phụ huynh.
GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng không có một chính sách nào đứng trên luật pháp và cũng không có một chính sách cụ thể nào nói rằng chính sách xã hội hóa cho phép trường thu thêm các khoản “tự nguyện”.
1.001 kiểu “biến tướng”
Hiện nay nhiều trường trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa triển khai cuộc họp hội phụ huynh đầu năm nhưng nhiều bậc phụ huynh đã phải “toát mồ hôi” với các khoản thu dưới danh nghĩa chính thống đó là bắt buộc và thỏa thuận.
Chị Phương ở khu tập thể Giảng Võ có con đang theo học ở trường tiểu học C.L cho hay: “Mặc dù khoản bắt buộc là học phí không tăng nhưng các khoản thu hộ như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể hoặc khoản thu thỏa thuận như tiền ăn bán trú… lại tăng. Chính vì thế, năm học trước mức đóng góp đầu năm chỉ khoảng gần 1 triệu thì năm nay đã nhảy vọt lên gần 1,5 triệu”.
Chị Phương cũng cho hay, đây chỉ là những khoản đóng góp bước đầu. Các khoản thu thêm sẽ được ấn định trong cuộc họp phụ huynh sắp được tổ chức tới đây.
“Nhiều năm đi họp phụ huynh, tôi thấy các khoản thu đều được đưa ra một cách có chủ đích. Phần lớn phụ huynh đều phải miễn cường tuân theo “kịch bản” đã được dựng sẵn, chỉ có số ít lên tiếng nhưng không thể thắng được số đông. Đáng nói là ở chỗ những cuộc họp này luôn có sự xuất hiện của cô giáo chủ nhiệm khiến phụ huynh muốn có ý kiến cũng phải e dè, thậm chí là không lên tiếng vì sợ ảnh hưởng đến chuyện học hành của con cái” – chị Phương tâm sự.
Vào đầu năm học mới, các bậc phụ huynh lại nặng gánh nỗi lo “mùa tiền trường”.
Còn chị Lan Hương ở quận Long Biên có con học tại trường tiểu học N.L thì tiết lộ: “Năm học trước nhà trường có gợi ý cho Hội phụ huynh đứng ra lắp điều hòa, sàn gỗ cho học sinh nhưng trong cuộc họp có một số phụ huynh nhất quyết không đồng ý. Trước tình hình đó nhà trường đành phải hoãn kế hoạch và năm nay để tránh tình trạng “bất đồng quan điểm”, các giáo viên chủ nhiệm đã gọi điện đến từng gia đình HS để quán triệt”.
Không chỉ biến Hội phụ huynh thành “Hội phụ thu”, nhiều trường học ở Hà Nội đang tận dụng kẽ hở của quy định để “gây khó” cho phụ huynh. Anh Lê Hùng ở khu Đền Lừ có con đang học tại Trường THCS Đ.L tâm sự: “Đầu năm học nhà trường tiến hành thu tiền học thêm sau đó phát cho phụ huynh một tờ đơn và yêu cầu điền theo mẫu và ký tên ở phía dưới. Là người có quyền được phép lựa chọn có nên học thêm hay không nhưng với hình thức “ép” của trường như thế này thì có muốn từ chối cũng không được”
Theo mẫu đơn mà trường Đ.L phát ra, tất cả học sinh phải học thêm ở hầu hết các môn. Đáng chú ý là mẫu đơn này “ép” phụ huynh phải đồng ý trên danh nghĩa là tự nguyện bởi những dòng câu chữ chặt chẽ: “Chúng tôi muốn kết quả học tập của các con đạt kết quả tốt. Vì vậy gia đình chúng tôi có nguyện vọng cho con học thêm các môn…”.
Không chỉ dừng lại với các khoản thu “núp” dưới danh nghĩa là tự nguyện, gần đây một số cơ sở giáo dục còn có những hình thức “lạm thu” một cách tinh vi hơn.
Anh Tùng có con đang theo học ở trường mầm non A.S cho biết: “Trường quán triệt thu một đằng nhưng hóa đơn ghi một nẻo. Lúc đến nộp học phí do đông người nên không ai để ý chỉ khi về đến nhà kiểm tra lại thấy sai lệch nhưng lại không dám thắc mắc. Mặc dù khoản chênh lệch không quá lớn nhưng bản thân tôi luôn đặt ra câu hỏi là số tiền này sẽ được dùng làm việc gì, ai sẽ quản lý…”.
Hội phụ huynh phải độc lập với nhà trường
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, hiện nay, chi phí thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cho nhà trường còn hạn chế. Do vậy, nếu phụ huynh nào có đóng góp giúp đỡ trường thì Bộ GD-ĐT rất ủng hộ. Nhưng với bất cứ trường hợp nào mà lãnh đạo nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng góp tự nguyện nhưng là tự nguyện trong điều kiện bị ép buộc đều là sai quy định, không được phép. Bộ GD-ĐT sẽ không bao che cho những sai phạm đó mà sẽ xử lý nghiêm.
Đó là quan điểm của Bộ, tuy nhiên với sự tồn tại của Hội phụ huynh thì rất khó để bắt bẻ hay xử lý các trường nếu các khoản “lạm thu” được phát giác.
Theo GS. Đào Trọng Thi, những khoản mà phụ huynh đóng góp thì phải được sự thống nhất tự nguyện của đa số phụ huynh, tránh bị lợi dụng. Phụ huynh phải bàn bạc, thống nhất trên cơ sở tự nguyện. Nhưng thực tế, phụ huynh có điều kiện thường "lấn át" những phụ huynh khác. Phụ huynh không có điều kiện thường yếu thế, không dám đấu tranh và cũng rất sợ mất lòng nhà trường.
Điều đáng nói là ở chỗ, gần như hiện nay Ban đại diện Hội phụ huynh đều do giáo viên chủ nhiệm giới thiệu hay chỉ định. Một ban phụ huynh do nhà trường chọn ra sẽ không ổn, phụ huynh có điều kiện thường sẵn sàng đóng góp nhiều hơn, áp đặt phụ huynh khác. Vì vậy, trong các cuộc họp, người ta sẽ nghĩ Ban phụ huynh nói chính là nhà trường, là cô chủ nhiệm nói.
GS Thi cũng cho rằng, Hội phụ huynh cần có cơ chế thảo luận dân chủ, ra quyết định về những khoản đóng góp, có thể bỏ phiếu kín. Phụ huynh phải tự tạo ra cơ chế hoạt động, không phụ thuộc vào nhà trường. Hội phụ huynh đúng nghĩa không phải là công cụ thụ động của nhà trường. Họ phải đại diện cho đại bộ phận cha mẹ học sinh chứ không phải đại diện cho nhà trường hay ý muốn của một số vị phụ huynh nào đó.
“Theo quan điểm của tôi, Ban đại diện Hội phụ huynh phải do phụ huynh tự bầu ra chứ không phải do nhà trường giới thiệu, chỉ định từ trước. Khi các phụ huynh đích thân tín nhiệm bầu ra đại diện Hội phụ huynh thì họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình” – GS Thi Nhấn mạnh.
Nguyễn Hùng
(Dân trí) 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)