Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hà Nội không có quyền thôn tính Hà Tây về văn hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Ảnh: Hồng Vĩnh

"Hà Nội không có quyền thôn tính Hà Tây về văn hóa mà phải cùng hoà nhập. Hai bên cần lùi lại, nhìn nhận lại mình, góp sức với nhau, cùng xây dựng Hà Nội" – Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc nói.

Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhân dịp mười năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hoà bình".

Ông Nguyễn Vinh Phúc cho rằng, mười năm qua, Hà Nội rất xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hoà bình". Mười năm qua Hà Nội luôn phấn đấu xây dựng Thủ đô, xây dựng đường phố, xây dựng địa bàn rộng rãi và nhất là xây dựng con người Hà Nội.

Hà Nội đẹp nhưng còn ngổn ngang quá

Thưa ông, để nhận được danh hiệu này, Hà Nội đã đạt được những tiêu chí: Sự bình đẳng trong cộng đồng; Xây dựng đô thị; Giữ gìn môi trường sống; Thúc đẩy phát triển văn hóa giáo dục; Chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ. Tiêu chí nào ông cảm thấy tâm đắc?

Qua mười năm, hỏi rằng tiêu chí nào chúng ta gặt hái được nhiều nhất? Theo tôi, cả năm tiêu chí này đạt được những kết quả đáng mừng, thể hiện sự gồng mình để phấn đấu của Thủ đô.

Ví dụ, trong lĩnh vực xây dựng đô thị: Năm 1999, những ngôi nhà cao 20 – 30 tầng, chúng ta chỉ thấy trong phim thôi, còn nay đã là hiện thực. Hay môi trường sống, môi trường thiên nhiên, môi trường phi vật thể, đời sống tâm linh được đảm bảo và cải thiện rõ rệt. Thành phố xanh sạch đẹp dù đôi khi vẫn còn lực bất tòng tâm.

Hà Nội cũng tập trung nhiều trường đại học nhất nước. Nói vậy để thấy rằng, Hà Nội đã làm đến nơi đến chốn, nhưng vẫn còn ngổn ngang nhiều quá, lộn xộn nhiều quá. Bây giờ làm cho hoàn mỹ được cả năm tiêu chí này, tôi nghĩ rằng phải có thời gian.

Hà Nội còn có quá nhiều ngổn ngang, quá nhiều dở dang và điều này khiến không ít người ái ngại nhận xét: Người Hà Nội thanh lịch thật nhưng ra đường là phải bịt mặt, Hà Nội rộng nhưng có quá nhiều nhà đeo ba lô, và phố Hà Nội đẹp nhưng lại treo mặt nạ.

Ý nói người dân ra đường che mặt vì bụi; nhà thì làm chuồng cọp, ba lô vì chật chội và an ninh kém, còn trên các tuyến phố dấu ấn kiến trúc chẳng còn mà thay vào đó là các loại biển quảng cáo. Suy nghĩ của ông về vấn đề này ra sao?

Tôi nghĩ rằng những tồn tại của Hà Nội như vậy đều phụ thuộc vào yếu tố con người. Sống thì phải có kỷ cương, giữ kỷ cương. Những chuyện làm cho thành phố bẩn, làm cho người ta ra đường phải che mặt hay quảng cáo tùm lum đó là yếu tố dân trí.

Dân trí chưa được nâng cao theo đúng cái tầm của thời đại, của dân tộc cho nên người ta sống theo cái vị kỷ là chính. Khác hẳn trước kia xóa nhòa bản ngã, chỉ có cái ta mà không có cái tôi. Bây giờ, cái tôi lấn át cái ta và người ta không nghĩ gì đến cộng đồng nữa, mà chỉ nghĩ đến mình.

Mới đây, Hà Nội mở rộng hơn nhiều, đất rộng, đông người và sự pha trộn văn hoá vì thế cũng dữ dội, rồi thói quen, suy nghĩ cũng ít nhiều làm cho Hà Nội hôm nay khác 10 năm trước?

Tôi thấy Hà Nội bây giờ khác ngày xưa, không phải yếu tố mở rộng mới đây đâu. Ngay từ trước 2008, nhiều người đã kêu về sự lộn xộn của Hà Nội, đó là vì mấy mặt sau: Hà Nội biến động dân số cơ học nhanh quá, gấp gáp quá. Trước đây, người Thăng Long gốc cũng rất ít thôi. Mãi đến đầu thế kỷ XX là người bốn trấn Đông – Nam – Đoài – Bắc kéo về và Thanh, Nghệ kéo ra tạo thành người Thăng Long.

Người Hà Nội là người sống thanh lịch và có văn hoá. Phải nói rằng, ban đầu những người du nhập vào Hà Nội mang theo cả nét văn hóa của quê hương họ. Nhưng rồi, họ chắt lọc đi, tự điều chỉnh và cấu trúc lại nhân cách của người ta để hoà vào cái kinh kỳ vốn có từ trước.

Thêm nữa, thời đó, lượng người từ các nơi kéo về không đông, không nhanh vì lẽ đó có đủ thời gian để họ tự điều chỉnh mình, cấu trúc lại nhân cách của mình cho hợp với văn hoá kinh kỳ.

Nhưng gần đây, người bốn phương về nhiều quá, đông quá nên cái gọi là "không kinh kỳ" đó, "không thanh lịch" đó, mọi người nhìn thấy nhãn tiền, phổ biến. Đi giữa đường nhựa cũng như đi giữa đường làng nên cởi trần đi giữa phố là chuyện bình thường. Rồi buôn bán vặt. Đó là do họ chưa kịp điều chỉnh, chưa kịp cấu trúc lại.

Rất cần cấu trúc lại. Việc này không phải nhà nước làm nổi, chính quyền làm nổi. Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn phải có luật lệ chặt chẽ hơn, thực thi luật phải quyết liệt hơn. Nhưng vấn đề cơ bản là giáo dục con người ta. Từng cá nhân chỉ khi nào đi vào quỹ đạo thanh lịch, khi họ nhận thức được một cách tự giác. Muốn vậy thì phải giáo dục con người ngay từ gia đình.

Hà Nội không có quyền thôn tính Hà Tây về văn hóa

Để dung hòa một Hà Nội vừa đa dạng, phong phú (dân tộc, tôn giáo, văn hóa, trình độ khoa học) nhưng lại vừa tinh tuý mang bản sắc riêng tiêu biểu quả là điều không dễ?

Tôi thấy rằng, đây là việc không dễ nhưng cũng không phải là không làm được. Văn hóa Hà Nội là văn hóa của cả nước. Các miền gia nhập vào Hà Nội cũng có những nền văn hóa của họ. Văn hóa của Sơn Tây, Hà Đông, Phúc Yên cũ…ở đâu mà chẳng có những người thanh lịch.

Ví như đất Sơn Tây có nhiều danh nhân, nhiều danh tướng. Làng Đường Lâm, Sơn Tây còn có đến hai vị vua đấy thôi, chứ có phải là người Hà Nội đâu. Hay nữ tướng Hai Bà Trưng là người quê Vĩnh Phúc. Người thảo bài Bình Ngô Đại Cáo là danh nhân Nguyễn Trãi quê ở Hà Đông…

Bây giờ, vấn đề là làm sao để hoà nhập vào với nhau. Cái đó cần đến một chiến lược văn hóa lâu dài trên cơ sở không thôn tính lẫn nhau. Anh Hà Nội không có quyền thôn tính anh Hà Tây về văn hóa mà phải cùng hoà nhập. Hai bên cần lùi lại, nhìn nhận lại mình, góp sức với nhau, cùng xây dựng Hà Nội. Tôi nghĩ, việc này làm được nhưng phải mất thời gian không phải là một năm, hai năm mà đôi khi là cả mười năm, hàng chục năm.

Để tạo một sự hội nhập văn hóa chứ không phải là thôn tính văn hóa như ông nói thì Hà Nội cần có một nhạc trưởng?

Đi đường dài mới biết sức ngựa. Đó chính là cần đến tài năng của những người cầm quyền, những nhà chức trách của thành phố. Đây cũng là dịp để chứng tỏ tài năng.

Xin cảm ơn ông!

Phùng Sưởng (Theo TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)