Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hà Nội: Lớp 1 cũng… luyện thi

Tạp Chí Giáo Dục

Các em học sinh luyện thi trực tuyến

Việc gửi con vào học trường tiểu học chất lượng cao ngoài công lập đối với phụ huynh (PH) hiện rất căng thẳng. Nguyên nhân do thời gian gần đây, kinh tế nhiều gia đình đã khấm khá hơn, họ đã chuyển hướng chọn từ trường điểm công lập sang trường chất lượng cao ngoài công lập cho con em mình học tập.
Tỉ lệ “chọi” cao như đại học
Nhiều trường tiểu học tư thục như Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Lý Thái Tổ… đã phải tổ chức thi tuyển đối với học sinh (HS) đầu cấp những năm gần đây. Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm đã phát hành hồ sơ dự tuyển từ ngày 24-4 và nhận đơn dự tuyển từ ngày 4-5 đến ngày 12-6. Không chỉ dừng lại ở mô hình “dịch vụ giáo dục cao” với chỉ tiêu là 300 HS cho 10 lớp, trường này còn có thêm loại hình “lớp quốc tế”, dự kiến tuyển sinh 4 lớp, mỗi lớp 24 HS. Lãnh đạo nhà trường cho biết: “Việc tuyển chọn sẽ được tiến hành theo phương thức kiểm tra trắc nghiệm năng lực nhận biết, ghi nhớ, diễn đạt, phát âm của HS. Ngày 15-6, chúng tôi sẽ thông báo danh sách dự tuyển và số phòng; ngày 20-6, HS sẽ chính thức tham gia cuộc “đọ sức” để được vào lớp 1. Điểm xét tuyển là điểm kiểm tra trắc nghiệm lấy từ trên xuống cho đến khi hết chỉ tiêu. HS đăng ký học “lớp quốc tế”, sau khi được xét tuyển còn phải tiếp tục tham dự một đợt kiểm tra khả năng học tiếng Anh rồi mới xếp lớp”.
Ngoài những quy định do ngành GD-ĐT đặt ra, Trường Đoàn Thị Điểm còn có thêm yêu cầu về sức khỏe đối với thí sinh, như: sức khỏe tốt, không nói ngọng, nói lắp và không có dị tật bẩm sinh.
Theo thông báo, năm nay Trường dân lập Nguyễn Siêu có 6 lớp 1 và 4 lớp 6 mang tên “dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao”, mỗi lớp từ 22-26 HS. Một suất vào lớp 1 của trường này ngày càng trở nên khó khăn do “tỉ lệ chọi” cao, mặc dù mức học phí cũng “cao theo chất lượng”: 140 USD/ tháng, chưa kể tiền ăn, tiền xe và các khoản khác. Một PH có con học Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Siêu cho hay: Tính tổng chi phí cho 1 tháng nếu đi xe tuyến xa nhất là khoảng 4 triệu đồng, tiền xây dựng trường là 50 USD/ năm và tiền nhập học là 100 USD/ cấp học.
Từ ngày 3-3 đến ngày 17-4, trường này đã hoàn tất thủ tục bán và nhận hồ sơ vào lớp 1. Theo lãnh đạo nhà trường, có khoảng 500 bộ hồ sơ đăng ký dự thi để chọn ra 130 HS vào lớp 1.
“Lò luyện” lên ngôi
Trên diễn đàn của Đenthan.com, nhiều ông bố bà mẹ bàn luận sôi nổi về việc làm thế nào để giành được một suất vào những trường như Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Thực nghiệm, Lý Thái Tổ… Không những thế, nhiều PH còn cho con đến sinh hoạt tại CLB Tuổi thơ của Trường Đoàn Thị Điểm từ tháng 3 hàng năm để con có thời gian “ôn luyện” trước khi thi. Theo đó, sau khi kết thúc một tuần ở trường mẫu giáo, thứ bảy hàng tuần các bé phải tiếp tục cuộc hành trình “làm quen” với lớp 1. Mức học phí cho một khóa học như vậy (4 buổi học/ tháng) khoảng 500.000 đồng/ HS, cộng thêm tiền bán trú là 150.000 đồng/ HS. Hầu hết các bậc PH nộp hồ sơ cho con dự thi vào lớp 1 của trường đều đăng ký tham gia lớp học này. Với những trường có thi mà không tổ chức ôn tập thì PH phải tự tìm kiếm “lò luyện tư” cho con mình…
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Siêu lý giải: “Thi kiểm tra đầu vào nhằm mục đích xem xét về chỉ số IQ, khả năng ghi nhớ, năng lực tư duy, sáng tạo, nề nếp giáo dục gia đình và khả năng ngoại ngữ của HS…”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) khẳng định: “Thi vào lớp 1 là sai. Với những trường ngoài công lập không phải tuyển sinh theo tuyến tuyển sinh thì việc kiểm tra đầu vào không nằm ngoài mục đích loại bớt chỉ tiêu. Tuy nhiên, dù thi tuyển hay chỉ một cuộc kiểm tra đầu vào đơn giản thì cũng không tránh khỏi áp lực đối với trẻ”.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)