Mặt cầu Thăng Long đang bị hư hỏng với hiện tượng chủ yếu là nứt dọc. Nếu kéo dài tình trạng này, nước sẽ thẩm thấu và gây hư hỏng lớp bản thép, chất lượng và tuổi thọ cầu Thăng Long sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 phối hợp với các bên liên quan khẩn trương thi công sửa chữa mặt cầu Thăng Long ngay trong tháng 10, theo đúng các phương án thiết kế và bảo đảm an toàn giao thông đã được phê duyệt.
Cầu Thăng Long (Ảnh: Internet)
Cầu Thăng Long là cây cầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội, được xây dựng từ năm 1974 và thông xe kỹ thuật vào cuối năm 1983, đầu năm 1984.
Tháng 5/1985, đường ôtô ở tầng trên được thông xe chính thức và trả lại hai dải đường cơ giới nhẹ ở tầng dưới cho xe thô sơ. Cầu có kết cấu bản thép hai tầng. Tầng dưới dành cho đường sắt và hai cánh gà dành cho người đi bộ. Tầng trên cùng có bản thép dày 14cm, có quét keo ôxy và thảm lớp bê tông dày 7cm trên mặt cầu.
Qua một thời gian dài sử dụng, mặt cầu đã bị hư hỏng nặng và năm 2001, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép sửa chữa.
Tuy nhiên, do không xử lý triệt để bản thép nên đến nay mặt cầu lại hỏng với hiện tượng chủ yếu là nứt dọc. Nếu kéo dài tình trạng này, nước sẽ thẩm thấu và gây hư hỏng lớp bản thép, chất lượng và tuổi thọ cầu Thăng Long sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép thực hiện đầu tư dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long giai đoạn 2 với tổng kinh phí hơn 59 tỷ đồng.
Công việc sửa chữa bao gồm làm mới lớp phủ mặt cầu phần nhịp dàn thép trong phạm vi làn xe cơ giới rộng 16,5m, dài 1.680m; bóc bỏ toàn bộ lớp phủ mặt cầu cũ và thay thế bằng lớp vật liệu mới có tính năng tương đương, thay thế các khe co giãn bị hư hỏng. Phần bản thép trực hướng và mặt cầu trên phần đường dành cho người đi bộ giữ nguyên trạng.
Việc thi công sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Công ty cổ phần Vĩnh Hưng và Công ty cổ phần Bảo Quân thực hiện trong thời gian 3 tháng, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12 năm nay.
Theo TTXVN/Vietnam+
Bình luận (0)