Cuối tuần qua, Sở GD-ĐT Hà Nội và Sở Quy hoạch kiến trúc tổ chức Hội nghị công bố và triển khai quy hoạch mạng lưới trường học của TP đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được coi là căn cứ pháp lý quan trọng để TP.Hà Nội tăng số lượng các trường học trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Theo hai nghị quyết của HĐND TP.Hà Nội thì đến năm 2020, Hà Nội sẽ có thêm 838 trường mới ở tất cả các cấp học và đến 2030 có thêm 377 trường. Quận huyện có nhiều trường mới được xây nhất là Long Biên – Gia Lâm với 109 trường đến 2020, huyện được xây ít nhất là Hoài Đức với 3 trường. Ở các quận nội thành của Hà Nội, dựa trên số dân dự kiến TP cũng cho phép xây thêm nhiều trường mới như quận Ba Đình thêm 13 trường, Hoàn Kiếm 22 trường, Đống Đa 34 trường, Hai Bà Trưng 27 trường. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng quy hoạch này là cơ sở để các phòng giáo dục, UBND các quận huyện thực hiện. Do đó, đề nghị các địa phương phải quản lý được quỹ đất này. Qua kiểm tra cho thấy, năm 2009-2010, quỹ đất sạch trước đó được giao để xây trường học đã được xây sang mục đích khác. Chính vì vậy, các trường muốn xây không thể có tiền để giải phóng mặt bằng. Bài học này một lần nữa được ông Hải nhắc nhở các địa phương phải giữ đất làm sao giữ cho thật “chặt”. Nếu không sau này không có vốn để giải phóng mặt bằng. Đồng thời, ông Hải cũng đưa ra quan điểm cho rằng ngành giáo dục cần phải ban hành tiêu chí trường chuẩn quốc gia phải thật “chuẩn”. Có như thế mới có thể thực hiện được đồng bộ.
Tuy nhiên, điều này rất khó đối với khu vực nội đô. Đại diện một phòng GD-ĐT của Hà Nội cho biết đến nay, quỹ đất sạch của quận đã không còn, tất cả các nhà máy, xí nghiệp chuyển đi trong địa phận của quận đã được xây chung cư. Chỉ vài năm gần đây, các tòa nhà chung cư của quận mọc lên như nấm nhưng không có một trường học nào được mở ra.
Cùng tình trạng này, tại Q.Hà Đông, đại diện của Phòng GD-ĐT cho biết các khu chung cư trên địa bàn quận cũng không có trường. Về phần mình, bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thanh Xuân cho biết để đáp ứng đủ thì chỉ riêng mầm non, mỗi phường của quận (Thanh Xuân có 11 phường) phải có thêm 1 trường mầm non nữa, đó là chưa kể trường tiểu học và bậc phổ thông. Tuy nhiên, tổng thể thì Thanh Xuân chỉ được 10 trường mới đến năm 2020. Còn đến năm 2030, Thanh Xuân không có thêm trường mới. Không chỉ Thanh Xuân mà các quận nội thành khác cũng không có thêm.
Về phía mình, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sẽ chuyển một số trường TCCN ở khu vực nội thành ra ngoại thành để diện tích đất đảm bảo đủ chuẩn, dành cơ sở cũ xây dựng trường mầm non, tiểu học, THCS. Tiếp tục xây cụm trường TCCN tại một số khu vực theo quy hoạch chung của TP.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)