Đến ngày 6/11, hàng loạt núi rác vẫn phải tập kết ven đường trên những tuyến phố chính của Hà Nội. Công nhân vệ sinh môi trường làm việc cật lực cũng không giải quyết hết hậu quả của trận “đại hồng thủy”, khiến người dân lo lắng nguy cơ dịch bệnh sẽ xảy ra.
Họp chợ trên… rác
Mưa lũ vừa tạm lắng thì “chợ cóc”, “chợ tạm” mọc lên khắp nơi. Tại phố Trần Cung, cống rãnh ven đường vẫn còn ngập nước và bùn lầy, mặt đường trơn trượt nhão nhoẹt, nhưng người mua kẻ bán thì tấp nập như đi… hội.
Một chị hàng rau bày những mớ rau ra giữa đất, chỉ lót bằng những tấm báo mỏng dính, đon đả mời: “5 nghìn một bó rau muống, 10 nghìn cải bắp, 8 nghìn su hào, hàng tôi là rẻ nhất đấy, mua nhanh kẻo hết”. Phía sau lưng chị là rãnh nước đục ngầu, bốc lên mùi hôi thối khó chịu, nhiều người đi chợ nhăn mũi, trả tiền vội rồi đi như chạy.
Kinh hãi hơn là thứ nước cống đó được những người bán cá tận dụng để rửa cá, làm vảy cho khách. “Rửa sơ rồi về nhà em rửa tiếp nhé, cá chị vẫn còn tươi, mưa lũ tha hồ ăn cá nhé”, chị bán cá vui vẻ chỉ vào rổ đầy ắp cá rô phi, cá diếc “thu hoạch” nhờ trận lụt vừa qua.
Ở phố Trần Bình, chợ Mỹ Đình tuy có khang trang hơn nhưng rác vẫn ngập tràn. Rau cỏ sau lụt bầm dập, tan tác được vứt bừa bãi khắp chợ. Những đống rác cao nghệu bao vây cả lối đi vào chợ. “Rác để đây cả ngày mà không thấy công nhân vệ sinh dọn đi, vào chợ bịt khẩu trang từ đầu đến cuối mà vẫn thấy mùi hôi bốc lên”, chị Lan, ở phố Trần Bình cho biết.
Trên đoạn Trần Bình thông ra đường Phạm Hùng, nhiều điểm rác được tập kết ngay giữa phố ban ngày trông hết sức nhếch nhác, bẩn thỉu. Tại chung cư CT5 trên đường Phạm Hùng, hàng dãy xe rác nằm nghênh ngang chắn lối vào chung cư. Con đường Phạm Hùng nước vẫn còn lênh láng, bùn nhão trơn trượt từ các công trình đang thi công đổ ra càng làm tăng thêm sự “cơ cực” của người dân khi đi ngang đây.
Tối 5/11, tại siêu thị Big C đường Trần Duy Hưng, chúng tôi cũng chứng kiến hàng đống rác trải dài trên thảm cỏ cũng như ven đường. “Khu vực này trong những ngày lụt ngập sâu nhất, người dân lại đổ dồn về siêu thị mua sắm nên rác ứ đọng lại nhiều, chúng tôi luân chuyển không hết”, một công nhân vệ sinh môi trường trình bày.
Tại chợ đầu mối rau, củ, quả Long Biên, nhân viên của Công ty Môi trường đô thị làm việc cật lực vẫn không vận chuyển được hết số rác tập kết tại đây. Theo các nhân viên của công ty, trung bình mỗi ngày phải chở 4 xe rác từ chợ Long Biên đi mà vẫn không xuể, trong khi ngày thường chỉ cần 2 xe. “2 hôm nay chúng tôi làm việc đến hơn 11 giờ đêm mà rác vẫn còn ngập cả đầu. Chợ này là đầu mối rau, củ, quả, mưa lụt làm hàng không bán được bị thối rất nhiều nên người bán ném hết ra đường”, chị Mai, một nhân viên công ty môi trường đô thị than thở.
Lo lắng với nguy cơ dịch bệnh
Tại phường Tân Mai, Hoàng Mai – nơi bùng phát nhiều ca tiêu chảy cấp trong các đợt dịch trước và hiện vẫn là một trong những điểm úng ngập nặng nhất Hà Nội, nước vẫn mấp mé bao quanh khu dân cư. Điện vẫn mất, nhiều nhà bị ngập nước tới gần 2m, cửa khoá im ỉm, cả gia đình phải đi sơ tán. Những nhà bị ngập nhẹ thì nước cũng ngập vào sâu tới 30-40cm. “Nhiều gia đình ném hẳn rác thải ra đường, thậm chí đi vệ sinh cũng cho hẳn ra đường khiến khu phố “lều bều” nilon, rác bẩn trông kinh hãi lắm. Nước rút thì các loại chất thải đó lại trôi trở lại vào nhà”, chị Linh, ở phường Tân Mai bức xúc.
Theo nhiều người dân ở các vùng úng ngập, đến tận ngày 6/11 vẫn chưa có bóng dáng nhân viên y tế dự phòng đến phun thuốc khử trùng môi trường. “Chúng tôi phải mua nước đóng thùng về uống, sinh hoạt tắm giặt vẫn phải dùng nước bẩn, chưa thấy cán bộ đến hướng dẫn khử khuẩn thế nào để có nước sạch dùng”, bác Đỗ Huy Vũ, chi hội Người cao tuổi tổ 35 cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, đến nay Sở Y tế đã cấp phát đủ số lượng Cloramin B cần thiết cho các phòng y tế dự phòng quận – huyện, xã – phường để xử lý môi trường sau úng ngập. Sở Y tế cũng sẽ đốc thúc và kiểm tra việc phun thuốc, xử lý môi trường ở cơ sở nhằm tăng tính hiệu quả khử khuẩn, dịch bệnh sau mưa lụt.
Theo ghi nhận của PV, nhiều ao hồ, cống rãnh trở thành bãi rác tự nhiên nhưng chưa được công nhân vệ sinh môi trường xử lý. Khu vực hồ Bảy Mẫu, lượng cá chết vì lũ lụt nổi trắng mặt hồ, rải đầy cả thảm cỏ, công viên. “Đi tập thể dục trong công viên mà bước lên cả xác cá hãi quá, công viên đẹp thế này mà không ai dọn dẹp cả, mất mỹ quan quá”, một người dân nói.
“Mấy hôm nay muỗi bay vào nhà đen đặc. Ruồi nhặng thì khỏi nói, sau lụt không hiểu từ đâu mọc ra lắm thế. Mấy đứa trẻ đi ngủ, mình mắc màn cẩn thận mà vẫn lo bị muỗi đốt”, chị Nguyễn Thị Dung, ở phố Lĩnh Nam, nơi có dòng sông Kim Ngưu đen ngòm than thở.
Sông Lam (dantri.com.vn)
Bình luận (0)