Đây là nội dung chỉ đạo của ông Phạm Quốc Bản – GĐ Sở TT&TT Hà Nội – về việc tăng cường quản lý games online tại Hà Nội. Dự kiến hoạt động này sẽ hoàn thành trước ngày 30-8 tới.
Các bạn trẻ đang chơi games online. Ảnh: Cù Zap (Tuổi Trẻ) |
Sáng nay 28-7, Sở TT&TT Hà Nội đã mời Đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT, các nhà cung cấp dịch vụ games online và đường truyền internet, đại diện các quận huyện và báo giới… để bàn về việc quản lý dịch vụ internet.
Buông lỏng
Chúng ta thu được một khoản ngân sách lớn từ games online nhưng lại “được” một lớp thanh niên ngơ ngơ, thích sống trong thế giới ảo, ưa bạo lực.
Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Phạm Quốc Bản.
|
GĐ Sở TT&TT Hà Nội cho rằng: việc quản lý games online lâu nay đã bị buông lỏng từ Bộ cho đến các địa phương, khiến vấn đề này đang gây nhức nhối cho xã hội với những hậu quả tai hại.
Chúng ta thu được một khoản ngân sách lớn từ games online nhưng lại “được” một lớp thanh niên ngơ ngơ, thích sống trong thế giới ảo, ưa bạo lực – ông Bản phân tích.
Vì thế, cho đến ngày 30 – 8 tới đây, Hà Nội sẽ quyết tâm dừng hoạt động tất cả các đại lý internet gần trường học (dưới 200m). Các đại lý này cũng chỉ được phép hoạt động trước 23 giờ.
“Nhưng nếu sau 23 giờ, các cháu nhỏ về nhà chơi thì sao?” – trước câu hỏi của PV Tiền Phong Online, GĐ Sở TT&TT Hà Nội cho rằng: việc quản lý internet ở nhà phải có thêm vai trò quan trọng của các bậc phụ huynh, ví dụ như ở Mỹ, họ sử dụng phần mềm quản lý internet trong gia đình, để ngăn chặn các trang web xấu, độc.
Vì thiếu chỗ chơi ?
“Những trò chơi được cung cấp từ máy chủ nước ngoài, không do các cơ quan chức năng của Việt Nam cấp phép là những trò chơi bất hợp pháp” – ông Lưu Vũ Hải – Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT.
|
Đại diện một nhà cung cấp games online phản biện rằng: “Chúng ta cần suy nghĩ xem tại sao games online lại “bùng nổ” ở Việt Nam trong những năm qua. Có phải, vì ngoài tính hấp dẫn của nó thì còn do giới trẻ đang thiếu sân chơi?”.
Vị này phân tích: ở thành phố rất thiếu những nơi vui chơi giải trí lành mạnh, phù hợp với giới trẻ, ngay cả muốn xem phim hay thì cũng phải có nhiều tiền; còn ở những vùng sâu, vùng xa thì thanh niên chả có gì để chơi ngoài games online…
Trước ý kiến này, ông Bản cho rằng: đó là việc của các nhà quản lý vĩ mô, còn việc trước mắt là phải quản lý games online hiệu quả.
“Liệu chúng ta có thể làm các bộ lọc để ngăn chặn các games online xấu?” – GĐ Sở TT&TT Hà Nội cho biết : “Một số chuyên gia công nghệ thông tin nói với tôi rằng họ có thể làm được bộ lọc nhưng vì lợi nhuận nên không làm”.
Còn trước vấn đề quản lý games offline (chứa trong các đĩa bán trên thị trường), hiện nay cũng xuất hiện nhiều đĩa có nội dung không lành mạnh, báo giới đã đề xuất việc dán tem cho những đĩa games lành mạnh, xử phạt với những đĩa games không dán tem. Ý kiến này đã nhận được sự đồng tình của các cơ quan chức năng.
Nước ngoài quản lý games online thế nào?
GĐ Sở TT&TT Hà Nội, ông Phạm Quốc Bản cho biết: Ở Mỹ, họ không có các quán games online như Việt Nam, mà chỉ có các trò chơi tại các trung tâm giải trí hay các siêu thị. Còn ở nhà, phụ huynh Mỹ phải có trách nhiệm quản lý con cái sử dụng internet thế nào, có thể bằng phần mềm quản lý.
Còn ở Nhật và Đức, vào buổi tối, trẻ em không được đi ra ngoài mà không phụ huynh đi cùng. Riêng Trung Quốc, tuy cũng gặp phải những vấn đề nhức nhối về games online, nhưng họ đã có nhiều biện pháp mạnh tay để ngăn chặn.
|
Hoàng Tuân/ Tien Phong
Bình luận (0)