Thủ đô Hà Nội đã và đang là trái tim thân yêu, đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế của cả nước… Trong tương lai không xa, Hà Nội còn là trung tâm tài chính-thương mại lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, thủ đô Hà Nội đã và đang có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm tài chính-thương mại lớn. Mạng lưới các tổ chức tín dụng tại thành phố cũng không ngừng tăng nhanh về cả số lượng và quy mô hoạt động với 1.837 điểm giao dịch của 390 tổ chức tín dụng. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội hiện chiếm hơn 30% nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trong cả nước. Bên cạnh hệ thống ngân hàng thương mại, hệ thống quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng được hình thành và phát triển. Hà Nội đã quyết định thành lập Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, Quỹ Phát triển đất với mức vốn điều lệ của mỗi quỹ là 2000 tỷ đồng.
Trụ sở Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Hải
|
Thị trường chứng khoán Hà Nội đã bước đầu ổn định và từng bước phát triển đồng bộ 3 thị trường: Thị trường cổ phiếu niêm yết, thị trường UPCoM, khuyến khích công ty đại chúng chưa niêm yết lên giao dịch.
Hà Nội đang là thành phố lớn thứ 17 trên thế giới với 5000 di tích, danh thắng lịch sử trong đó có nhiều di sản được công nhận là di sản văn hóa thế giới đã trở thành tiền đề cho ngành du lịch Thủ đô phát triển. Năm 2010, Hà Nội đã đón 11,8 triệu lượt khách du lịch, đưa doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 27 nghìn tỷ đồng…
Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc của Thị trưởng Khu tài chính Luân Đôn (Vương quốc Anh) Micheal Bear tại Việt Nam mới đây, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Anh và UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội thảo bàn tròn về phát triển khu tài chính-thương mại của thủ đô Hà Nội. Phát biểu ý kiến tại cuộc hội thảo này, Thị trưởng Khu tài chính Luân Đôn cho biết, với bề dày kinh nghiệm của một trung tâm tài chính kinh tế hàng đầu thế giới, Luân Đôn sẵn sàng chia sẻ với Hà Nội, nhất là trong thời điểm Việt Nam và Anh quốc đang nỗ lực thực hiện kế hoạch hành động theo tầm đối tác chiến lược. Thị trưởng Micheal Bear đã chia sẻ những thành tố góp phần vào sự thành công của Khu tài chính Luân Đôn. Đó là chế độ chính sách hỗ trợ thuế, pháp lý và điều lệ tốt. Hai là sức hấp dẫn mạnh mẽ của một thành phố thủ đô đối với các thể chế tài chính và tập đoàn lớn. Ba là hệ thống hỗ trợ các dịch vụ rất hiệu quả và hiện đại như công nghệ, truyền thông và ngành nghề. Bốn là nguồn nhân lực giỏi giang và nền văn hóa cởi mở. Năm là sự kết nối cụm thành phố vệ tinh.
Theo Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội sẽ có sự ưu ái đặc biệt để phát triển các trung tâm tài chính, trung tâm thương mại. Thành phố sẽ dành quỹ đất để phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố. Chính quyền thành phố cũng tạo điều kiện cho việc thành lập và phát triển các tổ chức tín dụng phi ngân hàng (công ty chứng khoán, công ty tài chính, công ty bảo hiểm…), bảo đảm hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng, đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao…
Về thương mại và dịch vụ, thành phố Hà Nội xác định tiếp tục mở rộng hoạt động giao lưu, buôn bán với các nước trong khu vực và trên thế giới; tạo điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý, về đất đai và cải cách thủ tục hành chính đối với các nhà đầu tư tham gia vào các hoạt động thương mại, kinh tế nhằm phát triển kinh tế Thủ đô. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại tại các khu vực trọng tâm phát triển của Thủ đô như: Xây dựng Khu trung tâm Tài chính – Thương mại quốc tế tại khu vực tây Hồ Tây, Khu Hội chợ-Triển lãm tại Đông Anh, Mỹ Đình… Hà Nội tiếp tục phát huy thế mạnh về du lịch, văn hóa, tâm linh; chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống; bảo tồn, tu bổ các di tích lịch sử văn hóa; gìn giữ và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống…
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia tài chính và thương mại thì để Hà Nội trở thành trung tâm tài chính-thương mại lớn của khu vực, sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Các điều kiện cần có là hệ thống ngân hàng mạnh về vốn, uy tín cao, hệ thống pháp lý đầy đủ, hệ thống pháp lý chặt chẽ về sở hữu trí tuệ, thực hiện hợp đồng, các thủ tục và quy trình phá sản minh bạch, hệ thống tòa án nghiêm minh và có uy tín. Thị trường chứng khoán là biểu tượng của thị trường tài chính tiền tệ. Trong bối cảnh ảm đạm của sàn giao dịch chứng khoán hiện nay, cần phải định hướng phát triển thị trường chứng khoán ở Hà Nội theo hướng linh hoạt hơn, tạo tính thanh khoản lớn hơn. Mặt khác, các chính sách định hướng phát triển của thành phố, các định chế tài chính cần minh bạch và công khai hơn.
Mai Thanh
(QĐND)
Bình luận (0)