Trong nhiệm vụ năm học 2011-2012, Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra vấn đề “Luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu l, n” đối với 13 huyện ngoại thành Hà Nội.
Việc nói lẫn lộn hai phụ âm đầu này không phải chỉ một số huyện ngoại thành Hà Nội mới có mà rất nhiều địa phương ở khu vực phía Bắc gặp phải tình trạng này. Đưa về ngôn ngữ chuẩn là điều cần thiết để giúp học sinh sau này tự tin hơn trong giao tiếp và trong công việc.
“Lỗi liềm”
Sau khi xin phép cô Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Thịnh B (xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh – là 1 trong 13 huyện nằm trong diện phải luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu l, n), tôi vào lớp dự một tiết học luyện phát âm của học sinh lớp 5A3 trong trường. Theo như phản ánh của cô Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Trang và cô giáo chủ nhiệm thì lớp 5 của trường sẽ có một tiết luyện phát âm vào chiều thứ 5 hàng tuần. Cô chủ nhiệm giới thiệu với học sinh sẽ đọc bài “Nỗi niềm”. Sau khi nghe cô giáo đọc xong, các em học sinh trong lớp được xung phong để đọc bài. Bài tập đọc này có khá nhiều phụ âm đầu l và n. Do đó, các em đều bị vấp váp, không nhiều thì ít. Có em phải đọc đi đọc lại nhiều lần một từ mới phát âm chuẩn như từ “nỗi”, từ “niềm”…
Tâm sự rất thật, cô cho biết ở trường, mỗi học sinh có một vở luyện viết riêng… Học sinh mắc lỗi l và n vẫn còn nhiều, thậm chí cả giáo viên. Và có nhiều giáo viên vấp lỗi này từ rất lâu, mặc dù đã có sửa nhưng vẫn còn vấp. Đợt này Sở GD-ĐT Hà Nội triển khai, Phòng Giáo dục gửi giáo án mẫu về cho từng trường. Tuy nhiên, mô hình này mới được triển khai vào tuần học thứ 9 của năm học này, đến nay được hai tuần. Trong quá trình triển khai, về góc độ chuyên môn có tương đối khó. Nhà trường chỉ đạo cũng rất gắt gao. Đối với lớp 1, ngay các cô giáo trong tuần học vần, những vần l, n ứng với tiếng có phụ âm đầu l, n thì chỉ đạo luyện cho các cháu luôn. Còn đối với lớp 2, 3, 4 tuần học vừa rồi, trong chương trình có những câu ca dao, thành ngữ nào, hoặc bài tập đọc có những câu văn có những từ đó thì đưa ra thành bài soạn. Các thầy cô học chuyên môn định ra một bài thống nhất, khối 1 luyện gì, khối 2, 3, 4, 5 luyện gì là giáo viên phải lên kế hoạch và soạn giáo án. Nếu giáo viên nào đọc sai thì hướng dẫn lại cách đọc. Chính như vậy, mới thành lập hẳn một chuyên đề và giáo viên lên lớp phải có giáo án. Bản thân học sinh, cũng phải có vở riêng. Các cô giáo có giáo án của bài đó hẳn hoi.
Tại Trường Tiểu học Đại Tịnh A, cô Hiệu trưởng Phan Thị An cũng cho biết trường có trên 400 học sinh nhưng có tới 70% phát âm sai hai phụ âm đầu l, n. Tỷ lệ này ở giáo viên cũng lên tới 30%. Theo phân tích của cô thì đây là đặc thù của địa phương, trước kia Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Tỉnh cũng đã chỉ đạo đến vấn đề này. Còn khi sáp nhập về Hà Nội thì bắt đầu từ năm học này, Sở GD-ĐT cũng đã có văn bản chỉ đạo hướng dẫn cụ thể. Hàng tuần, trường đều bố trí có tiết luyện âm cho học sinh. Ngay cả giáo viên, trường cũng tổ chức luyện bằng các hoạt động vui chơi có thưởng. Theo cô An, mặc dù nói ngọng, nhưng khi viết thì sai rất ít. Giáo viên vẫn còn nhiều người ngọng, vì đây là người địa phương. Nhưng giáo viên không khó khăn như học sinh, vì là đối tượng chủ động và có ý thức.
Khả thi nhưng cần nhiều thời gian
Khi được hỏi chủ trương này liệu có thành công thì cô An cho rằng có khả thi, không vượt quá khả năng. Mọi người chú ý và có ý thức thì sẽ sửa được. Tuy nhiên, thời gian cần phải có lộ trình, chứ không thể là chuyện của một buổi hay hai buổi học. Đứng từ góc độ người dạy, cô Võ Thị Bích Hồng, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A3, Trường Tiểu học Đại Thịnh B cho biết trong quá trình triển khai, giáo viên không gặp khó khăn. Vì bản thân cô không vấp lỗi đó. Nhưng đối với học sinh, các em ở trên địa bàn toàn dân ngọng, nên sửa rất khó. Lớp 4A3 khoảng 80% ngọng l, n và đây là tình trạng của toàn dân trong vùng. Để hiệu quả, theo cô Hồng, cách tốt nhất phải bắt đầu từ lớp 1. Vì khi các cháu bắt đầu vào học phát âm, thì cô giáo lớp 1 phải chuẩn chỉ. Còn chuẩn chỉ nữa thì phải là mẫu giáo 5 tuổi. Để lên lớp 4, 5 thì rất khó, vì kiến thức những lớp này nhiều và nặng, hơn nữa thói quen của các học sinh đã được hình thành quá lâu rồi. Nên hiệu quả sẽ không được nhiều, vì quá trình tiểu học có 5 năm, 4 năm ngọng rồi còn một năm để sửa thì thật là khó. Đặc biệt, khi ở trường về sinh hoạt ở gia đình, cộng đồng thì những người xung quanh đều ngọng thì còn khó hơn.
Khi các em bị ngọng thì sẽ kéo theo viết sai (tuy không nhiều). Các em viết đúng là dựa vào thỉnh âm chuẩn và thính, còn không thì sẽ sai. Điều quan trọng của chương trình này, giáo viên phải chuẩn. Đối với các trường học hai buổi/tuần, thì kết quả đạt được sẽ cao hơn. Vì thời gian các em ở trường với các cô nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với việc sự tiếp xúc của các em với gia đình và cộng đồng ít đi.
Đánh giá về hậu quả lâu dài nếu không được sửa “tật” nói ngọng, theo cô An, khi ra đời, các em sẽ gặp khó khăn trong xin việc nhất là những việc liên quan đến ngoại giao.
Hiện nay, theo Trưởng phòng Giáo dục huyện Mê Linh, Bùi Văn Công thì huyện vẫn còn một số trường tiểu học có 100% học sinh bị nói ngọng như Liên Mạc A, Liên Mạc B. Phòng cũng đã có chỉ đạo xuống các trường để thực hiện chủ trương của ngành.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)