Trận mưa lớn kéo dài từ đêm 24 đến rạng sáng 25-5 đã khiến rất nhiều tuyến phố của Hà Nội bị tê liệt. Người dân thủ đô gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, nhiều người liên tưởng đến trận lụt lịch sử năm 2008.
Ngập lụt gần tòa nhà Keangam (Hà Nội) nhiều phương tiện chết máy sáng 25-5. Ảnh: I.T |
Theo ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia – thì: Trận mưa năm 2008 diễn ra trên diện rộng, nhiều ngày và tạo thành vùng ngập úng lớn, với lượng mưa lớn nhất đo được tại Hà Đông trên 500mm. Trong khi cơn mưa đêm 24 và rạng sáng 25-5 chỉ trên diện hẹp, tập trung ở một số quận phía Tây Nam và Nam. Lượng mưa cao nhất đêm 24-5 được ghi nhận ở Chương Mỹ hơn 400mm, Láng hơn 200mm… “Chưa đủ cơ sở để nói đây là trận mưa kỷ lục, nhưng rất hiếm gặp khi xuất hiện với cường độ lớn”, ông Hải nói.
Tuy nhiên, rất nhiều quận ở Hà Nội đã chìm trong biển nước. Ông Võ Tiến Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội – cho biết: Lượng mưa lớn dao động từ 180mm đến 277mm trong 5 giờ khiến hệ thống thoát nước nhiều khu vực quá tải, tê liệt. Với lượng mưa cao bất thường như vậy, mọi kế hoạch tiêu thoát nước đều rơi vào tình trạng quá tải. Mặt khác, việc có một số dự án thoát nước đang trong giai đoạn hoàn thiện cũng là nguyên nhân khiến khối lượng nước tiêu thoát bị ảnh hưởng. Trước đó ngày 26-4, tại cuộc họp giao ban thông tin báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Võ Nguyên Phong – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội – đã thông tin về công tác thoát nước 2016. Theo đó, trên địa bàn TP còn 16 điểm úng ngập khi lượng mưa từ 50mm-100mm/2 giờ. Tuy nhiên, các điểm ngập nặng trên địa bàn Hà Nội vừa qua như Khuất Duy Tiến, nút giao thông Trung Hòa, đường Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ… không nằm trong danh sách các điểm được lên danh sách trên.
Quốc lộ 21B đoạn qua ngã ba Ba La, Hà Đông chìm trong biển nước. Ảnh: I.T |
Theo ông Võ Tiến Hùng, hệ thống hạ tầng Hà Nội hiện nay chỉ có thể tiêu thoát tốt với các trận mưa có lưu lượng 50 đến 100mm/2 giờ. Với những trận mưa có lưu lượng từ 180mm đến 277mm thì hạ tầng thoát nước của TP bị quá sức. Các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án thoát nước giai đoạn 2 đang thi công dở dang như mương Vĩnh Tuy, mương Thụy Khuê, mương Nghĩa Đô, mương Tây Sơn, mương Trắng Chẹm, mương Y Khoa, mương Phương Mai, mương/hồ Tân Mai, (mương N1, mương N2 lưu vực Ba Xã)… cũng là nguyên nhân làm việc tiêu thoát nước bị chậm.
Trong khi đó, dự án thoát nước được khởi công năm 1998 và có tiến độ hoàn thành năm 2013, sau khi hoàn thành, dự án thoát nước Hà Nội có công suất tiêu thoát với những trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày. Thời điểm hoàn thành, dự án đã qua gần 3 năm và dự án có mức tổng đầu tư ban đầu hơn 6.000 tỷ đồng, nay đội giá lên 8.000 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa thi công xong. Nhiều hạng mục quan trọng liên quan đến thoát nước như xây dựng, cải tạo hệ thống sông, hồ điều hòa vẫn dở dang. Riêng hạng mục cải tạo hệ thống thoát nước trên các tuyến phố trong giai đoạn 1 đã xong, nhưng nhiều tuyến phố đã được cải tạo như Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Tôn Thất Tùng… vẫn cứ mưa là ngập nặng.
Một số chuyên gia đô thị cho rằng, quy hoạch và thiết kế dự án thoát nước Hà Nội có nhiều điều phải bàn. Đơn cử, lượng mưa ở Hà Nội thời gian qua chủ yếu từ 100mm đến trên 200mm/2 giờ, tuy nhiên thiết kế công suất của dự án sau khi hoàn thành chỉ có thể tiêu nước với các trận mưa có cường độ 310mm/ 2 ngày, tương đương 25,8mm/2 giờ. Như vậy dự án chưa xong nhưng đã lỗi thời và không còn phù hợp với thực tế mưa hiện nay.
H.Nghiêm
Bình luận (0)