Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hà Nội: Tăng học phí có giảm lạm thu?

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều ngày 12-7, trong cuộc giao ban với báo chí của Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã khẳng định, mức tăng học phí các trường công lập chuẩn bị trình ra HĐND TP kỳ họp này đã được điều chỉnh lại với các mức chỉ còn gấp đôi, có mức giảm.
Giảm từ 5 lần xuống 2 lần
Theo khung mức tăng của Nghị định 49 Chính phủ về điều chỉnh học phí các trường công lập, Hà Nội đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo đề án học phí mới. Dựa vào đó, Hà Nội đã quyết định tăng các mức thu lên gấp đôi thay vì gấp 5 lần như bản dự thảo lần trước gửi HĐND TP. Nguyên nhân của việc này, theo ông Độ, sở đã tiếp thu ý kiến của xã hội và đặc biệt là ý kiến của HĐND TP.
Tuy có ý kiến cho rằng, Hà Nội nên phân chia đối tượng học sinh thành hai mức nội thành và ngoại thành cho dễ quản lý nhưng Sở GD-ĐT vẫn quyết trình ba mức như cũ: nội thành, ngoại thành chia ra làm hai nhóm: học sinh có cha mẹ làm nông nghiệp và học sinh có cha mẹ làm các ngành nghề khác.
Mức đề xuất cụ thể như sau: với bậc mẫu giáo, trước đây thu 50.000 đồng/ tháng, giờ còn 30.000 đồng/ tháng, mức nhà trẻ từ 70 (Hà Nội cũ) và 80 (Hà Tây cũ) trước đây giờ là 160.000 đồng/ tháng. Với khu vực nông thôn, trẻ có bố mẹ làm nghề nông nghiệp tăng từ 15.000 lên 40.000 đồng/ tháng, trẻ có cha mẹ làm nghề khác giảm từ 70.000 xuống 40.000 đồng/ tháng.
Với cấp THCS: thành thị: 20.000 (Hà Nội cũ) và 16.000 (Hà Tây cũ) lên 40.000 đồng; nông thôn từ 15.000 đồng lên 30.000 đồng/ tháng. Cấp THPT: thành thị là 30.000 đồng lên 60.000 đồng, nông thôn lên 25.000 đồng với học sinh có cha mẹ làm nông nghiệp và 50.000 đồng với cha mẹ làm ngành nghề khác.
Ông Độ cho biết, Hà Nội xây dựng dự thảo đề án theo nguyên tắc kế thừa từ các văn bản cũ, cách thu cũ từ các địa phương trước sáp nhập, đảm bảo không quá khung cho phép và học phí không phải là gánh nặng của mỗi gia đình. “Mức trần chung của Nghị định 49 là 175.000 đồng nhưng chúng tôi chỉ đề xuất mức trần là 120.000 đồng” – ông Độ nói.
Đồng thời, nếu dự thảo này được thông qua, giáo dục Hà Nội nhân dịp này cũng quy định thống nhất các mức thu học phí cho toàn vùng Hà Nội sau sáp nhập. Ông Độ cũng cho biết thêm, không chỉ tăng mức thu học phí, ngân sách TP năm nay cũng đầu tư thêm cho giáo dục.
Hà Nội cũng khẳng định, quan điểm của TP tiến tới dần dần sẽ để ngân sách bao cấp học phí cho cấp học phổ thông. Tuy nhiên Hà Nội vẫn phải dựa vào nghị định chung của Chính phủ để thể hiện, mức thu một năm học không bằng 1/10 ngân sách hỗ trợ cho một em học sinh.
Tăng học phí có giảm lạm thu?
Nghị định 49 cho biết, các hộ nghèo sẽ được giảm toàn bộ học phí, hộ cận nghèo được miễn giảm 50%. Hà Nội hiện đang có 9 xã nghèo thuộc diện miễn giảm của nghị định này. Tuy nhiên, TP cũng đề xuất thêm 6 xã nữa trong dự thảo.
Một trong những vấn đề dư luận rất quan tâm đó là câu hỏi, việc tăng học phí liệu có góp phần giảm lạm thu tại các cơ sở học hiện nay hay không?
Theo ông Độ, dự thảo đề án có ghi rõ ngoài các khoản học phí theo quy định, cơ sở không được tự ý đặt ra một khoản nào khác. “Chỉ có điều ban đại diện cha mẹ học sinh yêu trường thật, muốn cho con được học trong điều kiện tốt, nhiều gia đình có điều kiện đã đóng thậm chí là đóng cao so với mức thu nhập của các gia đình khác. Nếu đề án học phí được thông qua, chúng tôi sẽ có công văn chỉ đạo trực tiếp tới các trường chỉ được thu các khoản có lý trên tinh thần khuyến khích chứ không phải là vận động ép buộc. Đồng thời, kiên quyết xử lý, trả lại cha mẹ học sinh các khoản lạm thu và xử lý ban giám hiệu” – ông Độ cam kết.
Ông Độ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh, các nhà trường chỉ có thể lạm thu khi cha mẹ học sinh đồng thuận, nếu các nhà trường không có ý kiến của cha mẹ thì tuyệt đối không được thu. “Các bậc phụ huynh cần xem ban đại diện cha mẹ học sinh làm có đúng không, có vận động không, tôi khuyến khích các cha mẹ đừng ký vào văn bản nào nếu thực sự chưa hài lòng, hãy dũng cảm lên chứ không thể tay phải ký ủng hộ, tay trái lại ký đơn kiện” – ông Độ nói.
Còn nếu các thầy cô giáo có thái độ trù úm học sinh, người đứng đầu ngành giáo dục Hà Nội khẳng định sẽ từng bước một xử lý.
Nghiêm Huê
Gần 500 ngàn thí sinh thi cao đẳng
Hôm nay (14-7), gần 500 ngàn thí sinh thi cao đẳng trên cả nước sẽ đến làm thủ tục dự thi, xử lý những sai sót trong đăng ký dự thi.
Năm nay, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường cao đẳng là 489.864 hồ sơ, chiếm 26,3% so với tổng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2010. Theo Bộ GD-ĐT, năm 2010 có 87 trường CĐ không tổ chức thi mà dựa vào kết quả thi theo đề chung của Bộ GD-ĐT để xét tuyển trong tổng số 133 trường ĐH, CĐ không tổ chức thi.
Hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ của học sinh có nguyện vọng (NV) 1 tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của các trường ĐH là 230.295 (chiếm 12,3% so với tổng số hồ sơ).
Các trường cao đẳng tổ chức thi, sẽ thi trong 2 ngày 15 và 16-7-2010 (trừ các môn năng khiếu kéo dài đến 20-7-2010). Buổi sáng 15-7, các thí sinh sẽ làm bài thi môn vật lý (khối A), sinh (khối B), văn (khối C, D); chiều 15-5, thi toán (khối A, B, D), sử (khối C); sáng 16-7 thi hóa (khối A, B), địa (khối C) và ngoại ngữ (khối D).
Trường CĐ “hot” nhất, có truyền thống thu hút nhiều thí sinh đăng ký dự thi nhất là CĐ Kinh tế đối ngoại năm nay có đến 39.087 hồ sơ ĐKDT, tăng hơn 7.000 hồ sơ so với năm 2009. Ông Phạm Châu Thành, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhiều năm nay, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại luôn là trường có điểm chuẩn đầu vào cao (năm 2009, điểm chuẩn vào trường khối A là 26; khối D1 là 23 điểm)”.
Trường CĐ Giao thông Vận tải cũng là trường hút nhiều thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay. Theo ông Đỗ Ngọc Viện, Hiệu trưởng nhà trường, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi trường nhận được năm nay là 30.523 (giảm gần 7.000 hồ sơ so với năm 2009). Trường đã chuẩn bị 763 phòng thi tại 28 điểm thi.
H.N
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)