Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hà Nội: Thích xây cao ốc hơn xây trường

Tạp Chí Giáo Dục

Một trường mầm non tại phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội được xây dựng dang dở từ năm 1991 nhưng bỏ phế cho đến nay

Sáng 28-9, Hà Nội đã họp bàn về xây dựng trường học trên địa bàn. Với kỳ vọng năm 2015, không còn xảy ra tình trạng thiếu trường, nhất là trường mầm non.

Lơ là xây trường
Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, nếu chia bình quân số trường lớp trên đầu học sinh thì Hà Nội không thiếu trường, mà vấn đề là thủ đô vừa thiếu vừa thừa trường. Thiếu trường do quỹ đất thiếu. Đây là nguyên nhân khách quan nhưng theo ông Nghị, chủ yếu là do quản lý gây ra. “Nếu quản lý tốt, có tầm nhìn quy hoạch tốt thì không xảy ra tình trạng thiếu đất. Tôi thấy các quận, huyện kêu thiếu trường nhưng báo cáo thành tích xây dựng nhà cao tầng hay quy hoạch rất tốt. Chúng ta đã lơ là trong quy hoạch trường học, chưa quan tâm đồng đều”, ông Nghị chỉ rõ. Để thực hiện mục tiêu này, cấp quận huyện là chủ thể rà soát chính, phải xem thiếu ở đâu và thiếu như thế nào, tính toán cụ thể, chi tiết. Theo yêu cầu, các quận huyện phải đặt ra mục tiêu kiên quyết, cái gì thiếu cần bổ sung ngay, đi kèm giải pháp.
Về nguyên nhân thiếu kinh phí, ông Nghị cho rằng cũng không phải là chủ yếu.
“Nếu quận huyện thiếu thì cần báo cáo lý do để TP hỗ trợ; xã phường thiếu thì quận huyện hỗ trợ” – ông Nghị nói.
Ngoài ra, Nhà nước đang tập trung ngân sách cho trường công, còn trường tư thực hiện xã hội hóa. Bí thư Thành ủy yêu cầu mục tiêu tới năm 2015 phải khắc phục triệt để tình trạng thiếu trường thiếu lớp cho con em học sinh. Chậm nhất sau ba năm khắc phục triệt để việc thiếu trường mầm non, chứ không chờ tới tận năm 2015.
Tuy nhiên, ông Nghị cũng đưa ra sự bất hợp lý khi người dân đổ vào trường công chứ không vào trường tư do hai loại hình trường chênh lệch cả về học phí lẫn chất lượng. Vì thế các cơ quan phải tìm ra cách giải bài toán này để không còn hiện tượng học trái tuyến hay rút ngắn khoảng cách trường công – tư.
Ngoài ra, ông Nghị cũng yêu cầu TP kiểm tra, khắc phục tình trạng khu đô thị phải có chỗ học cho trẻ. Khắc phục chuyện xã hội hóa theo hướng xây trường chất lượng cao nhưng không phù hợp khả năng đóng góp của dân ở đó nên họ đưa con đi nơi khác còn ở nơi khác có điều kiện lại cho con tới đó học gây mất trật tự an toàn giao thông. Cần làm đồng thời để khắc phục được tình trạng thiếu trường lớp trên địa bàn.
Còn nhiều phường “trắng” trường mầm non, tiểu học
Theo báo cáo, rà soát tại 10 khu đô thị mới đã xây dựng đưa vào sử dụng 27 trường/38 trường theo quy hoạch, trong đó có 4 trường công lập; còn lại 11 trường chưa xây dựng xong, trong đó: đã giao chủ đầu tư triển khai bằng vốn ngoài ngân sách 7 trường; còn 4 trường chưa triển khai các thủ tục đầu tư.
Tính theo các khối, thì khối mầm non hiện còn sáu phường chưa có trường công thuộc các quận: Đống Đa (4 phường: Trung Liệt, Láng Thượng, Ngã Tư Sở, Phương Mai) và Hai Bà Trưng (2 phường: Lê Đại Hành, Thanh Nhàn). Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy là ba quận có nhiều học sinh/lớp nhất (40 cháu/lớp).
Khối tiểu học còn 12 phường chưa có trường công, tập trung tại quận Hoàn Kiếm (5 phường: Hàng Đào, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Tràng Tiền), Ba Đình (1 phường Liễu Giai), Đống Đa (4 phường: Quốc Tử Giám, Khâm Thiên, Quang Trung, Ngã Tư Sở), Hà Đông (2 phường: Phú La, Văn Quán). Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy là những quận có đông học sinh/lớp.
Khối trung học cơ sở còn 28 phường chưa có trường THCS, tập trung tại các quận Hoàn Kiếm (10 phường: Phúc Tân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Bồ, Cửa Đông, Lý Thái Tổ, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Bông, Tràng Tiền); Ba Đình (3 phường: Quán Thánh, Liễu Giai, Điện Biên); Đống Đa (6 phường: Quốc Tử Giám, Khâm Thiên, Thổ Quan, Quang Trung, Phương Liên, Ngã Tư Sở); Hai Bà Trưng (4 phường: Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Đống Mác, Đồng Tâm); Thanh Xuân (1 phường Thanh Xuân Trung); Cầu Giấy (2 phường: Quan Hoa, Dịch Vọng Hậu); Hà Đông (2 phường: Phú La, Văn Quán).
Tại cuộc họp, UBND TP.Hà Nội yêu cầu trọng tâm là quy hoạch mạng lưới trường học theo địa bàn; xác định rõ địa điểm, loại hình, trên cơ sở đó ưu tiên bố trí đủ quỹ đất xây dựng, mở rộng trường học công lập theo định hướng phát triển của địa phương và xác định quỹ đất kêu gọi xã hội hóa đầu tư; ưu tiên đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia đối với các trường đã đạt chuẩn mức độ I, trường có đủ diện tích đất. Đảm bảo tiêu chí tối thiểu mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một trường công lập các cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và 5 vạn dân có một trường THPT.
Đồng thời, khi xem xét quy hoạch, các dự án khu đô thị mới, dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần quan tâm đảm bảo đủ quỹ đất để xây dựng trường lớp học phục vụ cho con em trong khu vực.
Hà Nội cũng yêu cầu các quận huyện ưu tiên quỹ đất cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hệ thống trường lớp học; những khu đất để hoang hóa, những khu đất đã giao cho các tổ chức, cá nhân mà chậm sử dụng, sử dụng sai mục đích hoặc sử dụng không hiệu quả, đất của các cơ sở di chuyển ra ngoại thành phải được thu hồi để ưu tiên cho xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, trong đó ưu tiên xây dựng trường học.
Đối với khu vực các quận nội thành không còn quỹ đất trống (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình…), chủ tịch UBND các quận chủ động rà soát, đề xuất với UBND TP phương án giải quyết cụ thể về địa điểm xây dựng trường học phù hợp với nhu cầu và tiêu chuẩn xây dựng, kể cả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tại các quận trung tâm này, giải pháp chồng tầng tại các cơ sở giáo dục đào tạo hiện tại cũng được đề xuất.
Bài, ảnh: Thiên Lam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)