Một tháng sau phiên chất vấn nóng bỏng của đại biểu HĐND, Sở Giao thông Hà Nội đã báo cáo lãnh đạo thành phố, thừa nhận giải pháp "bịt ngã tư" đang làm tăng nguy cơ tai nạn và phát sinh các điểm ùn tắc mới.
Theo Sở Giao thông Vận tải, nguyên nhân cơ bản dẫn đến ùn tắc trên địa bàn là do kết cầu hạ tầng giao thông còn thiếu và phân bố chưa hợp lý. Thành phố chưa có tuyến đường vành đai nào hoàn chỉnh, trong khi nhiều tuyến có mặt cắt hẹp (80% mặt cắt dưới 11 m), nhiều điểm giao cắt và đều là đồng mức.
Mặt khác, số lượng phương tiện cá nhân tăng quá nhanh khiến năng lực thông hành của các tuyến phố thường xuyên bị quá tải. Nhiều chủng loại phương tiện cùng tham gia lưu thông gây khó cho công tác tổ chức giao thông… dẫn đến tình trạng ùn tắc ngày một lan rộng.
Ùn tắc giao thông tại điểm bịt ngã tư ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sở Giao thông cũng thừa nhận phương án "bịt ngã tư" đang bộc lộ nhiều hạn chế, như nguy cơ gia tăng tai nạn với người đi bộ, người khuyết tật tại các vị trí tạo dòng quay đầu do tốc độ dòng giao thông cao trên hướng ưu tiên. Một bộ phận người dân tham gia giao thông không tuân thủ đúng biển báo hướng dẫn và vạch sơn, đi ngược chiều đường, chuyển làn, cắt ngang dòng phương tiện dẫn đến ùn tắc cục bộ trên một số tuyến.
Nhiều tuyến đường đã tổ chức lại giao thông do diện tích mặt cắt nhỏ, lưu lượng tham gia giao thông cao dẫn đến khi phương tiện xe buýt, tải… quay đầu tại vị trí mới thường gây nên cảnh ùn tắc cục bộ. Việc thoát xe qua nút đã được cải tạo quá nhanh cũng khiến gia tăng sức ép về lưu lượng tại các nút giao thông kế cận, tăng nguy cơ và phát sinh điểm ùn tắc khác…
Dịch chuyển dải phân cách cứng để lấy lối đi. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp với công an thành phố tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh nút giao thông đã được cải tạo, nhưng chưa có hiệu quả. Hiện đơn vị này đã trưng cầu ý kiến các nhà khoa học, người dân về đề án cải tạo tiếp một số nút giao thông trong năm 2010.
Từ tháng 4/2009, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phân luồng lại giao thông trên nhiều tuyến phố: dùng dải phân cách cứng bịt ngã ba, ngã tư, sau đó mở ngã rẽ mới, cách nút giao cắt cũ chừng 100-200 mét… Phương án này tỏ ra hiệu quả vào thời gian đầu khi thí điểm vào các tháng học sinh nghỉ hè.
Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu tháng 9/2009, khi học sinh nhập trường, hàng loạt điểm ùn tắc mới phát sinh, giao thông hỗn loạn tại các ngã rẽ mới. Tại kỳ họp HĐND Hà Nội vừa qua, nhiều đại biểu đã lên tiếng phản bác đề án này. Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu liên ngành giao thông và công an sớm có báo cáo về những hạn chế của việc phân làn và đề xuất hướng xử lý.
Các số tuyến, nút giao thông dự kiến cải tạo năm 2010
Nút giao hầm Kim Liên, Phạm Hùng – Trần Duy Hưng – Khuất Duy Tiến, Cầu Giấy, Phạm Hùng – Mễ Trí, Phạm Hùng – Tôn Thất Thuyết (cổng bến xe Mỹ Đình), Đội Cấn – Liễu Giai, cầu vượt Mai Dịch, nút giao Ba La (quốc lộ 6- quốc lộ 21B), Trần Bình Trọng – Trần Nhân Tông, Nguyễn Thị Định – Lê Văn Lương, Xã Đàn – Phạm Ngọc Thạch, cầu vượt Ngã Tư Sở, Trường Chinh – Tôn Thất Tùng, khu vực vườn hoa Hàng Đậu.
|
Xuân Tùng (VnExpress)
Bình luận (0)