Sáng nay, 15-12, tại Hà Nội, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an Hà Nội) tổ chức tiêu hủy tang vật là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ.
Thực hiện Quyết định số 182/QĐ-TTra ngày 10-12-2015 của Chánh Thanh tra Bộ KH-CN về việc thành lập Hội đồng Tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính đã tịch thu theo quy định của pháp luật, trong lần tiêu hủy này, Hội đồng tiến hành tiêu hủy các tang vật gồm 1.234 sản phẩm thời trang các loại (túi xách, ví da, giày…) giả mạo nhãn hiệu “Charles&Keith”, “Pedro” đang được bảo hộ tại Việt Nam cho Charles & Keith International Pte. Ltd (Singapore) theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 89025 (cấp ngày 19-9-2007) và cho Pedro Group Pte. Ltd (Singapore) theo Đăng ký quốc tế số 924706 (ngày 08-02-2007); 240 chiếc túi giấy (bao bì) gắn nhãn hiệu “Charles&Keith”.
Toàn bộ số tang vật vi phạm hành chính nêu trên được tịch thu theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Bộ KH-CN ban hành để xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu (hành vi giả mạo nhãn hiệu) theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29-8-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
Tổ chức tiêu hủy sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu Charles&Keith, Pedro. Ảnh: Trần Bình
Được biết, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đã góp phần tích cực cho việc tuyên truyền, giáo dục, răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về SHTT.
Chỉ tính riêng năm 2015, Thanh tra Bộ KH-CN đã triển khai 54 cuộc thanh tra về sở hữu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc, phát hiện 40 cơ sở vi phạm, chủ yếu là về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại. Chánh Thanh tra Bộ KH-CN đã ban hành 40 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (phạt cảnh cáo 1 cơ sở, phạt tiền 39 cơ sở), tổng số tiền xử phạt trên 1,6 tỷ đồng; ban hành Kết luận thanh tra 9 cơ sở, theo đó công nhận sự thỏa thuận của các bên; dừng thủ tục xử lý vi phạm 5 cơ sở. Tịch thu để tiêu hủy 1.292 sản phẩm thời trang (túi xách, dây lưng, ví da,…) giả mạo nhãn hiệu “Hermes”, “Charles&Keith”, “Pedro”,…; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên 73.000 sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (dược phẩm, mỹ phẩm, đồ uống, kem đánh răng, nước rửa chén, bật lửa, xe đạp điện, xe máy điện, tấm lợp fibro xi măng, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ bệnh,…); buộc tiêu hủy gần 17.000 tem, nhãn, vật phẩm mang yếu tố vi phạm.
Kết quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về SHTT này nhằm nâng cao nhận thức pháp lý của công chúng về quyền sở hữu trí tuệ trong việc xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ giá trị tài sản SHTT; Khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng KH-CN nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam; Tạo ra nhận thức trong toàn xã hội để chuẩn bị cho hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Trần Bình/ SGGP
Bình luận (0)