Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hà Nội: Trẻ mầm non phải biết lịch sử địa phương

Tạp Chí Giáo Dục

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa xây dựng kế hoạch “Giáo dục lễ giáo cho trẻ trong các trường mầm non”. Một trong những nhiệm vụ mà Sở yêu cầu trẻ mầm non là phải hiểu biết về truyền thống, lịch sử địa phương nơi sinh sống, nơi có trường trẻ học.
Mục đích của nội dung “Giáo dục lễ giáo cho trẻ trong các trường mầm non” là giúp trẻ có hiểu biết, có hành vi ứng xử và thái độ đúng đối với các mối liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của trẻ ở mức độ đơn giản, hình thành kỹ năng tự phục vụ bản thân, biết ứng xử trong gia đình, ở trường lớp và với môi trường tự nhiên – xã hội.
Cụ thể như: Trẻ biết tên mình, vị trí của mình ở trường, ở nhà …Biết tình trạng sức khoẻ, ý thích, nhu cầu của bản thân. Biết cách đi, đứng, ngồi lịch sự, có thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân, thói quen tự phục vụ bản thân và một số thói quen khác trong sinh hoạt hàng ngày.
Biết tên gọi, cách xưng hô, công việc, đặc điểm, sở thích của các thành viên trong gia đình. Yêu thương, quý mến những người thân. Biết thưa gửi, vâng dạ, không nói trống không, không nói leo, xưng hô thân mật, giúp đỡ người thân, quan tâm đến mọi người khi ốm đâu, mệt mỏi, biết giữ trật tự trong nhà….
Biết xưng hô thân mật, gọi tên bạn, tên các anh chị ở lớp lớn hơn, biết ý thích, khả năng đặc biệt của bạn. Nhường nhịn bạn khi chơi, giúp bạn khi cần thiết, không đánh bạn và gây gổ, cãi nhau. Biết chơi cùng nhau, chia sẻ. Không bắt nạt bạn yếu.
Trẻ biết và có cảm xúc với một số ngày hội, ngày lễ. Biết ý nghĩa và thích thú đón chờ các ngày lễ (8/3, 1/5, 1/6, Trung Thu, 2/9, 20/11, 22/12, Ngày Tết Nguyên Đán)
Thể hiện thông qua các hành vi: Chuẩn bị các chương trình văn nghệ, đồ chơi, quà để tặng, rủ mọi người cùng tham gia ngày hội, ngày lễ. Biết tên các hoạt động cơ bản về các sự kiện văn hoá thể thao.
Đặc biệt, trẻ phải biết đặc điểm nổi bật về truyền thống quê hương: Nghề truyền thống, Ngày kỷ niệm lớn, danh lam thắng cảnh, các vị anh hùng dân tộc. Biết các bài hát, bài thơ về quê hương mình. Tự hào về truyền thống quê hương và thể hiện tình cảm yêu thích.
Trẻ thích thú lắng nghe và tích cực tham gia vào các hoạt động tìm hiểu về quê hương. Hiểu biết về một số truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam, hiểu biết một số nét đặc trưng của một số quốc gia, dân tộc trên thế giới:
Biết một số nét đặc trưng của dân tộc: áo dài dân tộc, quần áo dân tộc, làn điệu dân ca các vùng miền. Trẻ vui thích và cảm hứng khi được mặc trang phục các dân tộc…
Theo bà Hà Thị Lê Nhung, Phó Giám đốc Sở, nội dung giáo dục lễ giáo cho trẻ mầm non là cung cấp kiến thức và hình thành những cảm xúc, những rung động tình cảm để trên cơ sở đó hình thành những hành vi lễ giáo của trẻ.
Hồng Hạnh (Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)