Mỗi năm Hà Nội tạo thêm khoảng 20.000 chỗ học cho trẻ mầm non nhưng vẫn không đuổi kịp số trẻ gia tăng. Vì thế, Hà Nội phải xoay xở nhiều cách, kể cả việc chấp nhận những lớp 60 học sinh trong khi quy định của Bộ GD&ĐT chỉ cho phép tối đa 35 học sinh/lớp…
Nhiều lớp mầm non ở thủ đô đã có sĩ số lên 60-70 cháu, trong khi Bộ GD&ĐT quy định không quá 35 cháu/lớp. |
Hà Nội đã từng có giai đoạn gần như bất lực trước sự bùng phát của các nhóm lớp mầm non chui. Chẳng hạn, theo thống kê của thời điểm cuối năm 2007, Hà Nội có 485 nhóm lớp tư thục nhưng gần một nửa số đó không có phép.
Theo các cán bộ quản lý giáo dục, hồi ấy việc dẹp các cơ sở mầm non chui như bắt cóc bỏ đĩa. Cơ quan chức năng đến tận nơi kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu dỡ bỏ biển hiệu. Nhưng khi cơ quan chức năng ra về, họ lại tiếp tục nhận trẻ. Nhiều phụ huynh vừa do nhận thức đơn giản, vừa do hoàn cảnh bí bách cũng “tạo điều kiện” để các nhóm lớp hoạt động trái phép tồn tại.
Dù chưa xảy ra vụ bạo hành trẻ nào ở các cơ sở mầm non chui tại Hà Nội nhưng nhiều vụ việc xảy ra vẫn khiến cơ quan quản lý đau đầu. Điển hình là vụ việc ở trường Mầm non Hoa Huệ (ngõ Khương Trung, quận Thanh Xuân) ngày 13-6-2008. Do thiếu trách nhiệm và không có chuyên môn, các cô trông trẻ đã để bé Nguyễn Bá Tuấn, 18 tháng tuổi, bị các bé khác tấn công, cắn hàng chục vết vào người ngay trong ngày đầu tiên đi học. Sau khi sự việc được báo Tiền Phong phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc thì phát hiện ra nơi treo biển “trường mầm non” này hoạt động chui.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng GD Mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, ngành học mầm non vốn dĩ tiềm ẩn nhiều rủi ro và đặc biệt nếu còn để tồn tại những cơ sở mầm non không phép, tác hại của nó với sự phát triển của bậc học cũng như với trẻ rất lớn.
Ba năm gần đây, giảm thiểu các nhóm lớp nuôi dạy trẻ không phép là một mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong công tác quản lý giáo dục mầm non của các quận/huyện Hà Nội. Riêng năm 2008, Hà Nội dẹp gần 400 cơ sở mầm non không phép (kể cả các cơ sở của Hà Tây trước đây). Hiện nay, trong số 800 nhóm, lớp tư thục của Hà Nội còn khoảng 23% chưa được cấp phép.
Công – tư cùng gánh
Trong khi chủ trương chung của nhà nước là chuyển đổi các loại hình trường bán công sang trường tư thì riêng Hà Nội áp dụng ngược lại: chuyển đổi hầu hết trường mầm non bán công sang công lập. Với 676 trường mầm non công lập, Hà Nội là địa phương có nhiều trường mầm non công lập nhất nước. Theo đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thành phố Hà Nội mà HĐND TP Hà Nội đã thông qua dịp hè 2010, từ nay đến năm 2015 mỗi xã, phường của Hà Nội có ít nhất từ 1 đến 2 trường công lập.
Ngoài số trường mầm non công lập nói trên, Hà Nội hiện nay có 161 trường ngoài công lập và khoảng 800 nhóm lớp do tư nhân mở. Cả hai loại hình công và tư này đảm đương được chỗ học cho 353.000 trẻ mầm non – tăng 20.000 trẻ so với năm ngoái.
Tuy nhiên, khoảng 75% trẻ dưới 3 tuổi và 12% trẻ 3 – 4 tuổi của Hà Nội vẫn phải… ở nhà. Chị Nguyễn Thu Hiền, làm việc tại Ngân hàng Công thương (133 Kim Mã) cho biết: “Các trường mầm non công lập quanh nhà tôi đều không nhận trẻ dưới 3 tuổi, trường tư cũng có nhưng là trường chất lượng cao nên học phí rất đắt”.
Các cán bộ quản lý cấp học mầm non Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thừa nhận, trước mắt, do ưu tiên mục tiêu tạo chỗ học cho trẻ, Hà Nội phải linh hoạt khi áp dụng một số quy định của Bộ GD&ĐT. Chẳng hạn Bộ quy định một lớp mầm non không quá 35 học sinh, nhưng các trường công lập của Hà Nội hầu như chẳng có nơi nào đạt được chỉ số này. Thậm chí có những nơi sĩ số lớp lên đến 60 – 70 học sinh và cách khắc phục của các trường là tăng thêm cô giáo, từ 2 cô/lớp thành 3 cô/lớp.
Có trường không thể tuyển thêm giáo viên (vì không có nguồn tuyển) thì phải huy động cán bộ, nhân viên ở các bộ phận hành chính tăng cường tới các lớp vào giờ cao điểm (giờ ăn). Ngoài ra, Hà Nội cũng phải nhượng bộ cả về việc đảm bảo diện tích/học sinh: theo điều lệ Bộ GD&ĐT quy định là 8m2/học sinh, Hà Nội hạ xuống còn 1,5m2/học sinh.
“Hà Nội có tăng cường đầu tư cũng không xuể so với nhu cầu đi học của trẻ. Để thoát cảnh phụ huynh rồng rắn chầu chực xếp hàng, chúng tôi mong chờ nhiều ở việc phát triển hệ thống giáo dục mầm non tư thục, nhưng khuyến khích thành lập trường và hạn chế thành lập nhóm lớp”, bà Hương nói.
Quý Hiên / TPO
Bình luận (0)