Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hà Nội tuyển sinh lớp 10 theo 12 khu vực

Tạp Chí Giáo Dục

"Những điều cần biết về tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2009-2010" đã được Sở GD-ĐT Hà Nội công bố chiều 27/4.
HS lớp 9 Trường THCS Đống Đa, HN trước ngưỡng cửa vào lớp 10. Ảnh: Bảo Anh
Năm học 2009-2010 là năm học đầu tiên Hà Nội mở rộng tuyển sinh vào lớp 10. Phương thức, hình thức xét tuyển sẽ thực hiện theo cách tuyển sinh vào 10 của Hà Nội cũ.
Riêng các khu vực tuyển sinh được thay đổi theo địa hình Hà Nội mới.
Theo đó, toàn thành phố chia làm 12 khu vực: KVTS 1: gồm các quận Ba Đình, Tây Hồ; KVTS 2: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng; KVTS 3: Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân; KVTS 4: Hoàng Mai, Thanh Trì; KVTS 5: Long Biên, Gia Lâm; KVTS 6: Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh; KVTS 7: Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng; KVTS 8: Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì; KVTS 9: Thạch Thất, Quốc Oai; KVTS 10: Hà Đông, Chương Mỹ, Thanh Oai; KVTS 11: Thường Tín, Phú Xuyên; KVTS 12: Ứng Hòa, Mỹ Đức.
Có thể thay đổi nguyện vọng vào phút chót
Thời hạn nộp hồ sơ dự tuyển được quy định từ 17-19/5.
HS đủ điều kiện sẽ được đăng ký vào 2 trường THPT công lập (2 nguyện vọng) trong cùng một khu vực tuyển sinh (KVTS) nơi HS hoặc bố mẹ có hộ khẩu thường trú. HS đã trúng nguyện vọng (NV) 1 sẽ không được xét tuyển theo NV2. Điểm NV2 khi đăng ký xét tuyển phải cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm. Trường hợp hạ điểm chuẩn, trường chỉ tuyển HS đăng ký dự tuyển theo NV1.
Riêng đăng ký dự tuyển vào lớp 10 không chuyên của trường THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây, không phân biệt KVTS. Nếu HS đã đăng ký NV vào lớp 10 của 1 trong 2 trường này thì NV còn lại phải theo KVTS quy định.
HS đăng ký dự tuyển học ngoại ngữ tiếng Pháp, tiếng Nhật được đăng ký vào các trường THPT có tuyển lớp 10 tiếng Pháp, tiếng Nhật trên toàn thành phố, không phân biệt KVTS.
Đặc biệt, trường hợp muốn dự tuyển vào các trường KVTS khác với quy định trên, HS phải có "Đơn xin chuyển đổi khu vực tuyển sinh" và ghi rõ KVTS xin đăng ký vào Phiếu đăng ký dự tuyển.
Đối với các trường THPT ngoài công lập, với điều kiện trên, HS được đăng ký dự tuyển vào tất cả các trường, không phân biệt KVTS.
Trường hợp, HS chỉ đủ điều kiện dự tuyển vào các trường THPT ngoài công lập sẽ được nộp đơn dự tuyển vào bất kỳ trường ngoài công lập nào, song vẫn phải đăng ký dự tuyển NV1 vào một trường THPT công lập để dự thi.
Ngày 3/6, Sở GD-ĐT sẽ công bố số lượng HS đăng ký dự tuyển vào từng trường THPT công lập. HS muốn thay đổi nguyện vọng nộp đơn tại các Phòng GD-ĐT trong ngày 5-6/6. Lưu ý, thay đổi NV dự tuyển cũng trong phạm vi KVTS.
Thi tự luận trong chương trình THCS
Ngày 24/6 (thứ Tư) toàn thành phố sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2009-2010. Thời gian thi mỗi môn Văn, Toán là 120 phút. Sáng thi Văn từ 8h; chiều thi Toán từ 14h30 (giờ bắt đầu làm bài).
Nội dung thi trong chương trình cấp THCS hiện hành, chủ yếu là lớp 9 và thi theo hình thức tự luận.
Thí sinh dự thi các môn chuyên sẽ thi ngày 25/6 tại hội đồng thi của trường đăng ký NV1 của môn chuyên đó. Thí sinh dự tuyển vào lớp 10 chuyên Tin học sẽ làm bài thi môn Toán.
Ngày 25/6, buổi sáng, thí sinh sẽ thi các môn chuyên: Văn, Toán, Toán (Tin học), Sinh, Pháp từ 8h; buổi chiều thi Lý, Hóa, Anh, Sử, Địa từ 14h30. Thời gian thi mỗi môn 150 phút. 
Điểm cộng tối đa không quá 6 điểm
Thí sinh sẽ được tính điểm xét tuyển căn cứ theo 3 tiêu chí:
– Điểm THCS – là điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập của HS ở cấp THCS.
– Điểm thi – là tổng điểm của 2 bài thi Ngữ văn, Toán (điểm 0 là điểm liệt), đã tính hệ số 2, các bài thi được chấm theo thang điểm 10, lẻ đến 0,25
– Điểm cộng thêm (điểm ưu tiên, khuyến khích, nếu có).
Thí sinh sẽ được cộng thêm tối đa không quá 6 điểm (gồm điểm ưu tiên và điểm khuyến khích).
Mọi khiếu nại về điểm THCS và điểm cộng thêm sẽ được giải quyết trước ngày 19/05.
Ngoài ra, thí sinh sẽ được phúc khảo bài thi nếu điểm trung bình môn cả năm học lớp 9  cao hơn điểm thi từ 2 điểm trở lên. Đối với bài thi các môn chuyên, HS được phúc khảo điểm bài thi khi có nguyện vọng.
Thí sinh được phép mang vào phòng thi các vận dụng liên quan đến việc làm bài thi như: bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình (lưu ý, các vận dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử); máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam do NXB Giáo dục ấn hành đối với môn thi Địa lý (thi chuyên Địa), không được đánh dấu hoặc thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu 
Bảo Anh (Vietnamnet)

Bình luận (0)