Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hà Nội: Vi phạm pháp luật và phạm tội trong HSSV ngày càng nghiêm trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 30-11, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức Hội thảo về “Vi phạm pháp luật và đạo đức trong học sinh Thủ đô – Thực trạng và giải pháp”.
Tại Hội thảo đã có rất nhiều vấn đề “nóng” về tình trạng vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên (HSSV) Hà Nội đã được đề cập thẳng thắn, nghiêm túc và có tính chất báo động.
Mức độ phạm tội nghiêm trọng hơn
Theo Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc CA TP Hà Nội: Trên địa bàn TP có 594 trường THCS với 319.170 học sinh; 189 trường THPT với 212.842 học sinh; gần 80 trường ĐH, CĐ với khoảng 500.000 sinh viên hệ chính qui (chưa kể các hệ liên thông, vừa làm-vừa học từ xa) thì tình trạng vi phạm pháp luật và phạm tội trong HSSV trên địa bàn TP ngày càng gia tăng cả về số vụ việc phạm tội và tính chất mức độ. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 2008 đến nay, TP đã phát hiện, xử lý 968 đối tượng trong lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường vi phạm pháp luật hình sự. Riêng năm 2011 đã phát hiện, xử lý 110 đối tượng.
Đại tá Nguyễn Đức Chung nhận định: “Nếu như những năm 2000 trở về trước, lứa tuổi HSSV thường thực hiện các hành vi trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích không dẫn đến nguy hại lớn, thì những năm gần đây tính chất, mức độ của tội phạm càng nguy hiểm hơn, hành vi vi phạm hết sức đa dạng và phức tạp, với hầu hết các loại hành vi phạm tội do người lớn tuổi gây ra, đặc biệt có một bộ phận thanh thiếu niên, HSSV đã tham gia vào các băng, ổ nhóm tội phạm phạm tội có sử dụng bạo lực với tính chất côn đồ hung hãn”…
Theo số liệu thống kê, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn TP đã xảy ra 42 vụ học sinh tụ tập đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng (trong đó có 2 vụ giết người). Nguyên nhân chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ trong sinh hoạt và học tập.

Ảnh minh họa
Gần 5.000 học sinh đi môtô không GPLX
Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông CA TP Hà Nội cho biết: Khảo sát bình quân mỗi trường có trên 40 học sinh điều khiển xe môtô đi học hàng ngày, phần lớn không có Giấy phép lái xe (GPLX). Tình hình học sinh vi phạm Luật Giao thông trên địa bàn 10 quận nội thành cho thấy, khoảng trên dưới 5.000 học sinh hàng ngày điều khiển xe môtô tham gia giao thông thường vi phạm TTATGT với các lỗi như: Điều khiển xe mô tô không có GPLX; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; vượt đèn đỏ; lạng lách, đánh võng; đi vào đường cấm, đường ngược chiều… Những vi phạm này, học sinh thường dùng nhiều hình thức để trốn tránh CSGT và các lực lượng chức năng xử lý vi phạm như: Khi phát hiện học sinh vi phạm, ghi hình thì số học sinh thường quay đầu xe hoặc rẽ vào các ngõ nhỏ, đi vào đường ngược chiều, né tránh qua các phương tiện khác, tăng tốc vượt lên để tránh việc bị xử lý.
Tình hình gây TNGT liên quan đến học sinh độ tuổi dưới 18 tuổi chiếm tỉ lệ khá cao. Cũng theo Đại tá Nguyễn Đức Chung: Tại địa bàn Hà Nội những năm qua vẫn thường xảy ra tình trạng một số thanh niên, trong đó có học sinh tụ tập nhau tổ chức đua xe trái phép tại một số tuyến phố, thường diễn ra vào các dịp lễ hội, tết, các giải bóng đá… CATP đã bắt giữ, xử lý hình sự 8 vụ, 67 bị can về các hành vi đua xe, gây rối TTCC (trong đó có 24 học sinh) tham gia.
Hiện, hàng ngày Phòng CSGT bố trí cán bộ chiến sỹ quay camera, chụp ảnh ghi hình ở khu vực cổng các trường THPT trên địa bàn 10 quận nội thành, sau đó có biên bản làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường có học sinh vi phạm để có biện pháp giáo dục, xử lý.
Theo Phan Thủy
 

(PL&XH)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)