Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hà Nội yêu cầu nâng mức dự trữ hàng hóa lên 20%

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết thành phố đã bố trí 475 tỷ đồng cho các doanh nghiệp dự trữ 10 nhóm hàng thiết yếu để thực hiện chương trình bình ổn giá.

Ảnh: minh họa – Internet
Theo thông tin đưa ra tại buổi làm việc chiều 25/8 với đoàn công tác của Bộ Công thương do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa dẫn đầu về công tác bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn Hà Nội, năm 2011, số lượng các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn trên địa bàn thành phố gồm 6.400 tấn gạo trắng thường; 1.350 tấn thịt lợn; 500 tấn thịt gà, vịt; 8 triệu quả trứng gà, vịt; 800 tấn thủy, hải sản; 1.280 tấn thực phẩm chế biến; 800 lít dầu ăn; 250 tấn đường RE; 2.500 tấn rau, củ và 1.350 tập giấy vở học sinh.
Tuy nhiên, lượng hàng hóa tham gia dự trữ này mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu tiêu dùng của thành phố trong một tháng.
Chính vì thế, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chủ động tăng gấp đôi mức dự trữ 10 nhóm hàng hóa trên, nâng tổng mức dự trữ hàng hóa bình ổn của thành phố lên 20%.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã mở rộng hệ thống điểm bán hàng bình ổn lên 561 điểm, trong đó các điểm ở ngoại thành tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Trong đợt 2, Thành phố sẽ tăng lên 654 điểm, tập trung vào các chợ dân sinh, các khu, cụm công nghiệp, trường đại học và các bếp ăn tập thể.
Đến nay, 11 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn của thành phố đã tổ chức 271 điểm bán hàng ở khu vực ngoại thành, 58 điểm bán hàng tại các chợ truyền thống, 7 điểm bán hàng tại các khu công nghiệp, 67 điểm tại các hệ thống siêu thị, 123 điểm tại các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện ích và tại 35 bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp, trường đại học…Qua đó đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường đối với những mặt hàng thiết yếu, góp phần bình ổn giá cả thị trường.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp và người dân hiểu, hưởng ứng chương trình bình ổn giá; coi đó là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cùng với đó là mở rộng, lồng ghép chương trình bình ổn giá với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, bán hàng lưu động.
Sở Công thương sẽ chủ trì các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiếm soát đối với toàn bộ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, nhằm xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá tùy tiện; giám sát chất lượng, số lượng hàng hóa bình ổn…
Đánh giá cao kết quả công tác bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn Hà Nội, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương lưu ý thành phố cần tăng thêm số lượng các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong việc cùng thành phố dự trữ các mặt hàng thiết yếu.
Để cùng góp sức bình ổn giá, mở rộng nguồn cung ứng hàng cho Thủ đô, Bộ Công thương sẽ giới thiệu cho thành phố Hà Nội những doanh nghiệp tại các địa phương khác.
Ngoài ra, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đề nghị Thành phố Hà Nội quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng hệ thống chợ đầu mối, tiếp tục chuyển đổi mô hình quản lý chợ và tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại…/.
Theo TTXVN/Vietnam+

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)